Lãnh đạo Hiệp hội Doanh nhân CCB Việt Nam thăm gian hàng giới thiệu sản phẩm của Hội doanh nhân CCB tỉnh Đắk Lắk, năm 2022.
Trong đội hình các thành viên của Hiệp hội Doanh nhân Cựu chiến binh (DNCCB) Việt Nam, Hội DNCCB tỉnh Đắk Lắk được thành lập tương đối muộn. Hơn thế, trong nhiệm kỳ hoạt động đầu tiên của Hội (2017-2022), đất nước và toàn cầu lại trải qua gần 3 năm chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, dẫn tới suy thoái kinh tế trên diện rộng… Trong bối cảnh đó, được sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và Hiệp hội DNCCB Việt Nam, sự hỗ trợ có hiệu quả của các sở - ban, ngành địa phương, các doanh nhân CCB Đắk Lắk đã tích cực, chủ động, sáng tạo, đoàn kết, triển khai nhiều hình thức hoạt động phù hợp, sản xuất kinh doanh có hiệu quả, đứng vững và vượt qua mọi khó khăn thử thách, khẳng định vai trò của Bộ đội Cụ Hồ trên mặt trận kinh tế.
Ngay từ những ngày đầu mới thành lập, với 101 hội viên hoạt động trên nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác nhau, các thành viên Hội DNCCB Đắk Lắk đã xác định nhiệm vụ chính trị, trách nhiệm hàng đầu là phát huy bản chất, truyền thống Bộ đội Cụ Hồ, chấp hành nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chủ trương của cấp ủy, chính quyền địa phương, nêu cao tinh thần tự lực tự cường, tích cực sản xuất kinh doanh (SXKD), phát triển kinh tế, góp phần xây dựng Đắk Lắk vững mạnh về mọi mặt.
Với tinh thần và quyết tâm đó, Hội DNCCB tỉnh đã chấp hành nghiêm các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và triệt để tranh thủ cơ chế ưu đãi của tỉnh đối với các doanh nhân, doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp, cơ sở SXKD do CCB làm chủ, tích cực chủ động triển khai nhiều biện pháp; động viên các doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại, gia trại…, khắc phục khó khăn, tìm kiếm việc làm, mở rộng SXKD, tiếp cận thị trường, tạo việc làm cho người lao động, phát triển kinh tế gia đình, làm giàu hợp pháp; đóng góp cho cộng đồng, xã hội. Bước đầu, Hội đã khẳng định được vai trò tổ chức, kết nối để các thành viên trao đổi kinh nghiệm, giúp đỡ nhau về vốn, tiêu thụ sản phẩm, tìm kiếm việc làm… Hội đã thành lập Công ty cổ phần DNCCB tỉnh chuyên về rang xay, chế biến cà phê, thành lập cửa hàng giới thiệu sản phẩm cà phê… hoạt động có hiệu quả.
Trong 5 năm qua, các doanh nghiệp do CCB làm chủ trên địa bàn tỉnh khắc phục được những khó khăn ban đầu, đặc biệt là ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, tổ chức SXKD ổn định, có bước phát triển; một số doanh nghiệp đã có hàng trăm lao động. Nhiều doanh nghiệp áp dụng khoa học công nghệ tiến tiến trong SXKD. Tổng doanh thu của các thành viên Hội DNCCB tỉnh đạt trên 1.000 tỷ đồng, nộp ngân sách trên 70 tỷ đồng; tạo việc làm cho trên 1.000 lao động với mức lương bình quân 5-7 triệu đồng/người/tháng; trong đó ưu tiên các đối tượng là con em CCB. Trong bối cảnh SXKD gặp muôn vàn khó khăn, nhưng không một cơ sở SXKD nào do CCB làm chủ đổ vỡ, vi phạm pháp luật.
Kết quả SXKD bước đầu của Hội DNCCB tỉnh mặc dù chưa lớn, nhưng đã góp phần vào việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.
Cũng như như nhiều doanh nhân CCB khác, khi SXKD đạt được kết quả, những DNCCB Đắk Lắk không quên những đồng chí, đồng đội, những hoàn cảnh khó khăn, thua thiệt. Mặc dù kết quả SXKD còn hạn chế, nhưng 5 năm qua, Hội DNCCB tỉnh luôn gương mẫu, đi đầu trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; phối hợp giúp đỡ các nạn nhân chất độc da cam/điôxin, CCB nghèo, các gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn… Tổng số tiền mà Hội dành xây nhà tình nghĩa, hỗ trợ các nạn nhân chất độc da cam/điôxin, tặng quà Hội Người mù T.P Buôn Ma Thuột; tặng xe đạp, học bổng cho học sinh nghèo, tặng quà cho CCB nghèo, người dân bị ảnh hưởng lụt bão, ủng hộ Bộ đội Biên phòng làm nhiệm vụ trên tuyến biên giới… trong 5 năm là 1,214 tỷ đồng. Hưởng ứng lời kêu gọi của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và địa phương tham gia phòng, chống dịch, Hội đã ủng hộ Quỹ vắc-xin 230 triệu đồng… Càng trong khó khăn, nghĩa tình DNCCB càng tỏa sáng.
Để đạt được kết quả đáng khích lệ trong SXKD và hoạt động tỉnh nghĩa, Hội thường xuyên chú trọng công tác xây dựng tổ chức Hội vững mạnh về mọi mặt. Mọi cán bộ, hội viên đều tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, của cấp ủy, chính quyền địa phương. Đặc biệt công tác phát triển tổ chức Hội đã vượt chỉ tiêu Đại hội lần thứ nhất đề ra. Từ 101 thành viên ban đầu, sau 5 năm Hội phát triển lên 295 hội viên, hoạt động đều khắp 15/15 huyện, thị xã; đã thành lập được 7 chi hội DNCCB cấp huyện, thị xã.
Thành tích đạt được của Hội trong 5 năm qua là kết quả phấn đấu liên tục của các thành viên, mà tiêu biểu là các doanh nhân CCB: Nguyễn Văn Phan với Công ty CP DNCCB tỉnh; Nguyễn Văn Lam với Công ty kinh doanh, chế biến nông sản huyện Krông Năng; Vũ Xuân Trà với doanh nghiệp dịch vụ, nhà hàng huyện Ia H’leo; Tạ Quang Thắng với mô hình trang trại phức hợp Krông Ana; Đinh Viết Hào với HTX kinh doanh nông sản thị xã Buôn Hồ…
Với những thành tích đạt được, 5 năm qua, Hội được UBND tỉnh tặng 3 Bằng khen, được UBND các huyện, Hội Chữ thập đỏ tỉnh tặng 20 Bằng khen, Hội Chữ thập đỏ T.P Buôn Ma Thuột tặng danh hiệu “Tấm lòng vàng nhân đạo”…
Từ những thành tích và kinh nghiệm bước đầu trong xây dựng tổ chức Hội cũng như trong SXKD, Hội DNCCB Đắk Lắk xác định phương hướng và các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện trong nhiệm kỳ 2023-2028 là: Làm tốt công tác tuyên truyền vận động DNCCB đoàn kết, giữ gìn và phát huy bản chất, truyền thống Bộ đội Cụ Hồ, tích cực tham gia xây dựng và bảo vệ Đảng, chính quyền, chế độ XHCN, bảo vệ nhân dân; phối hợp thực hiện tốt chức năng SXKD và xây dựng Hội vững mạnh.Trọng tâm là tổ chức, động viên DNCCB nêu cao tinh thần, ý chí tự lực tự cường, đẩy mạnh SXKD và hoạt động tình nghĩa, giúp nhau phát triển sản xuất, làm giàu hợp pháp, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.
Càng tự hào với những thành tích đạt được trong những bước đi ban đầu, Hội DNCCB Đắk Lắk càng quyết tâm đoàn kết, nghĩa tình, hợp tác và vững tin vào thành công trong nhiệm kỳ công tác tới.
Đỗ Hồng Thanh - Chủ tịch Hội DNCCB tỉnh Đắk Lắk