Hội DN CCB và Hội CCB T.P Hà Nội ngày một đi vào chiều sâu với những hoạt động thiết thực, ý nghĩa, đặc biệt là hoạt động tình nghĩa.: Ảnh: Đoàn Anh Hải

Trong bối cảnh kinh tế - xã hội trong và ngoài nước đang chuyển biến nhanh, phức tạp, khó lường, nhiều vấn đề phát sinh chưa có tiền lệ, tác động từ tình trạng suy thoái kinh tế toàn cầu, việc thắt chặt tiền tệ ở một số quốc gia phát triển và căng thẳng địa chính trị toàn cầu gia tăng đã ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động của các doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có nhiều doanh nghiệp do CCB làm chủ. “Lửa thử vàng, gian nan thử sức”, đội ngũ doanh nhân CCB T.P Hà Nội bằng uy tín, bản lĩnh và chất lượng sản phẩm, dịch vụ đã và đang tiếp tục định vị vị thế mới trên thương trường ở nhiều lĩnh vực, không ngừng nỗ lực vươn lên vượt qua thách thức, xứng danh những “người lính thời bình”.

Nỗ lực vượt khó khăn

Phát huy tinh thần, nghị lực kiên cường của người lính Cụ Hồ, sẵn sàng đương đầu với “sóng to gió cả”. Trước tình hình kinh tế - xã hội của đất nước còn nhiều khó khăn, nhưng phần lớn các doanh nghiệp CCB Thủ đô vẫn duy trì tốt hoạt động, không ngừng ổn định và phát triển cả về quy mô, tổ chức và hiệu quả hoạt động trên thành phố, cả nước và từng bước vươn ra quốc tế; đa dạng loại hình doanh nghiệp, ngành nghề, sản phẩm phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu: Cơ, kim khí, sản xuất nuôi trồng thuỷ sản, nông sản, đầu tư kinh doanh bất động sản, dịch vụ nhà hàng, khách sạn, dịch vụ vui chơi giải trí, kết hợp bảo vệ sinh thái, trồng và bảo vệ rừng, chăn nuôi, trồng trọt… Hầu hết doanh nghiệp trong Hội không sử dụng vốn Nhà nước. Trong 3 năm (từ năm 2021 đến 2023), tổng doanh thu toàn Hội đạt hơn 25.000 tỷ đồng, nộp ngân sách 950 tỷ đồng; giải quyết việc làm cho 21.000 lao động (trong đó có gần 6.500 lao động là CCB và con em CCB, gia đình chính sách), đóng BHYT, BHXH đầy đủ.

Bằng nghị lực, trí tuệ và tinh thần tự lực, tự cường, dám nghĩ, dám làm kết hợp vận dụng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với CCB, các doanh nghiệp CCB vươn lên tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, cạnh tranh thắng lợi trên thương trường, đóng góp đáng kể vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô và cả nước. Tiêu biểu có Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Hiền Lê của CCB Nguyễn Thị Bảo Hiền - Tổng thư ký, Phó chủ tịch Thường trực Hiệp hội DNDN CCB Việt Nam làm Chủ tịch HĐQT. Hiện nay, Công ty có 3 nhà máy lớn: Nhà máy chế tạo khuôn và đúc linh kiện nhựa, Nhà máy bao bì công nghiệp, Nhà máy luyện đúc thép và chuyên sản xuất nhựa, phôi nhựa có độ chính xác cao phục vụ cho sản xuất linh phụ kiện điện tử của các hãng lớn như Canon, Samsung. Hiền Lê là doanh nghiệp duy nhất ở miền Bắc có thể sản xuất được tấm nhựa thay thế carton làm bao bì. Trong lĩnh vực nông sản thực phẩm sạch cấp đông xuất khẩu, doanh nghiệp còn có Nhà máy chế biến rau củ quả đông lạnh. Hằng năm, Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Hiền Lê đạt tổng doanh thu hơn 4.000 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước gần 200 tỷ đồng, tạo việc làm cho hơn 1.500 lao động.

Bên cạnh đó, tham gia Hội DN CCB T.P Hà Nội còn có rất nhiều doanh nghiệp CCB hoạt động hiệu quả như: Công ty CP Tập đoàn Thái Bình Dương do CCB Phan Văn Quý làm Chủ tịch HĐQT đạt tổng doanh thu trên 6.000 tỷ đồng, nộp ngân sách trên 500 tỷ đồng, tạo việc làm cho hơn 2.000 lao động; Công ty CP sữa Ba Vì của CCB Lê Hoàng Vinh có tổng doanh thu 450 tỷ đồng, nộp ngân sách gần 50 tỷ đồng, tạo việc làm cho hơn 800 lao động; Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Thạch Bàn của CCB Hoàng Mạnh Cường có doanh thu hơn 1.000 tỷ đồng, nộp ngân sách 90 tỷ đồng, tạo việc làm cho hơn 400 lao động; Công ty CP Nhựa Đại Việt của CCB Tạ Văn Bằng thu 620 tỷ đồng, nộp ngân sách gần 60 tỷ đồng, tạo việc làm cho hơn 300 lao động; Công ty CP Đầu tư xây dựng Thăng Long của CCB Nguyễn Thế Đệ thu gần 1.000 tỷ đồng, nộp ngân sách hơn 100 tỷ đồng, tạo việc làm cho hơn 800 lao động; Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu của CCB Vũ Minh Châu đạt gần 1.200 tỷ đồng, nộp ngân sách hơn 100 tỷ đồng, giải quyết việc làm thường xuyên cho trên 100 lao động…

Những thay đổi toàn diện về địa chính trị, kinh tế, thương mại, cạnh tranh giữa các nước lớn, hội nhập, chuỗi cung ứng… cùng với xu thế tất yếu của kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững và Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, nhất là chuyển đổi số đang đặt ra những thách thức mới, đòi hỏi các doanh nhân, doanh nghiệp phải không ngừng đổi mới để tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức nhằm phát triển nhanh và bền vững. DNDN CCB T.P Hà Nội có nhiều cách làm hay và hiệu quả, giúp đỡ các hợp tác xã, trang trại, gia trại đổi mới mô hình sản xuất, kinh doanh, mạnh dạn ứng dụng công nghệ hiện đại, mạnh dạn sử dụng các phần mềm quản lý công việc, quản lý doanh thu, kết nối hợp tác quốc tế, liên doanh với các đối tác nước ngoài với phương châm “Giữ một môi trường kinh doanh, lấy chữ tín làm đầu”.

Đồng chí Hoàng Mạnh Cường - Phó chủ tịch Hiệp hội DNDN CCB Việt Nam, Chủ tịch Hội CCB T.P Hà Nội cho biết thêm: “Trong nhiệm kỳ qua, Hội DN CCB thành phố luôn luôn chú trọng công tác phối hợp với Hội CCB thông qua việc triển khai hiệu quả Quy chế phối hợp giữa hai tổ chức. Qua đó, tuyên truyền giáo dục, động viên CCB và hội viên CCB giữ gìn phát huy bản chất, truyền thống Bộ đội Cụ Hồ, nâng cao bản lĩnh chính trị, giữ gìn phẩm chất đạo đức, văn hóa doanh nhân; không ngừng học hỏi nâng cao nhận thức về các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học công nghệ, quản trị kinh doanh... góp phần tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương cũng như thành phố. Công tác phát triển tổ chức đảng và đảng viên trong các doanh nghiệp luôn được chú trọng. Đến nay, toàn Hội có 11 Chi bộ doanh nghiệp CCB. Các tổ chức Đảng là cầu nối gắn kết doanh nghiệp chặt chẽ hơn với cấp ủy, chính quyền địa phương; phản ánh tâm tư, nguyện vọng của người lao động; đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn”.

Sẻ chia yêu thương, ấm áp nghĩa tình

Hằng năm, các chương trình mang ý nghĩa nhân văn “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”, “Lá lành đùm lá rách” đã trở thành truyền thống tốt đẹp của doanh nhân CCB Thủ đô, trong đó có nhiều hoạt động thiết thực phối hợp với Hội CCB thành phố như tổ chức gặp mặt tặng quà, tặng sổ tiết kiệm cho các hội viên là các CCB, là thương binh, con liệt sĩ, nạn nhân chất độc da cam nhân các ngày lễ, Tết. Đồng chí Vũ Mạnh Lịch - Chi hội phó Chi hội quận Hoàng Mai nhận phụng dưỡng đến cuối đời hai mẹ VNAH, hỗ trợ 1,5 triệu đồng/tháng/người và nuôi dưỡng 3 cháu mồ côi với số tiền 38 triệu đồng/năm. Đồng chí Vũ Xuân Hợi - Phó chủ tịch Hội DN CCB thành phố dành tặng 120 xe lăn cho các thương binh, bệnh binh, CCB đi lại khó khăn.

Từ năm 2021 đến 2023, hướng đến các hoạt động thiện nguyện, góp phần thực hiện công tác an sinh xã hội, các cấp Hội đóng góp 2.730 triệu đồng tham gia nhiều chương trình xã hội vì cộng đồng như các phong trào "Xoá đói giảm nghèo", "Xây nhà tình nghĩa, tình thương", "Xây dựng Nông thôn mới, đô thị văn minh", xây dựng cầu đường, trường học… ở những nơi vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo và một số xã ngoại thành Thủ đô: Xây nhà tình nghĩa 950 triệu đồng; ủng hộ quỹ thiên tai, lụt bão và phòng, chống dịch bệnh Covid-19 với 1.100 triệu đồng; ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” 350 triệu đồng, “Nạn nhân chất độc da cam” 150 triệu đồng và các quỹ khác được 180 triệu đồng. Ngoài ra, Hội còn hỗ trợ xây dựng 18 Nhà tình nghĩa, trị giá 950 triệu đồng.

Với tình cảm hướng về biển đảo tiền tiêu, được sự đồng ý của BTL Quân chủng Hải quân, Hội tổ chức đoàn tham gia đoàn đưa các liệt sĩ hy sinh tại Trường Sa trở về quê hương (6 tỉnh gồm: Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An và Bình Thuận); làm bia sứ Bát Tràng gắn trên mộ chí của 6 liệt sĩ hy sinh và trao tặng mỗi gia đình thân nhân liệt sĩ 10 triệu đồng.

Khẳng định tình cảm và mối quan hệ mật thiết đồng hành với Hội Doanh nhân CCB thành phố, đồng chí Lê Như Đức - Chủ tịch Hội CCB T.P Hà Nội đánh giá cao những nỗ lực của Hội Doanh nhân CCB Thủ đô trong thời gian qua, nhất là phong trào hội viên hội sản xuất, kinh doanh giỏi. Trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn, nhưng các hội viên doanh nhân CCB vẫn nhiệt tình tham gia có hiệu quả các phong trào, các cuộc vận động, các hoạt động từ thiện xã hội, có nhiều đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Trong giai đoạn tới, cùng với việc xây dựng, củng cố tổ chức Hội mạnh về chất lượng, đông về số lượng, tổ chức, liên kết, xúc tiến thương mại, Hội DN CCB T.P Hà Nội tiếp tục nỗ lực vượt qua khó khăn, khôi phục sản xuất kinh doanh, tham gia phục hồi phát triển kinh tế - xã hội; vươn lên, tự khẳng định mình trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN thông qua hoạt động thực tiễn sản xuất - kinh doanh, trở thành lực lượng nòng cốt trong phát triển nền kinh tế tự chủ theo tinh thần của Nghị quyết 41-NQ/TW, ngày 10-10-2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy của đội ngũ doanh nhân thời kỳ mới.

Hoàng Mạnh Cường - Phó chủ tịch Hội DNDN CCB Việt Nam, Chủ tịch Hội Doanh nhân CCB T.P Hà Nội