Vừa qua, Hội CCB tỉnh Đắc Lắc đã tổng kết 5 năm thực hiện Nghị định 150 của Chính phủ. Với diện tích 13.125km2, trong đó có 73km là đường biên giới chung với tỉnh Môn-đôn-ki-ri (Cam-pu-chia), tỉnh có 14 huyện, thị xã và TP Buôn Ma Thuột, là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa vùng Tây Nguyên. Dân số của tỉnh 1,8 triệu người, trong đó có 44 dân tộc anh em, chiếm 31% tổng số dân trong tỉnh. Hội CCB tỉnh có 42.660 hội viên, sinh hoạt rộng khắp với 2.505 chi hội. 95% số thôn, buôn, tổ dân phố, cơ quan, doanh nghiệp có tổ chức Hội, hàng năm có từ 85 - 95% số tổ chức hội, hội viên đạt trong sạch vững mạnh và hội viên gương mẫu.
Tỉnh đã chỉ đạo ngay việc triển khai thực hiện Nghị định 150/2006/NĐ-CP, hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Cựu chiến binh, tập huấn và phổ biến các văn bản pháp luật khác có liên quan, đồng thời phối hợp các cơ quan liên quan, tổ chức thực hiện các chế độ chính sách đối với CCB như đảm bảo đủ biên chế về tổ chức, phụ cấp tiền lương, hoặc các mô hình hoạt động có lợi cho CCB, có nơi giao đất, giao rừng… Điển hình như huyện Krông A-na thành lập 3 HTX tạo nghề cho CCB; TP Buôn Ma Thuột thành lập CLB doanh nghiệp CCB năm 2009 nhằm trao đổi kinh nghiệm, giúp nhau một cách thiết thực hơn trong xây dựng và phát triển kinh tế. Đặc biệt công tác tương thân tương ái, không chỉ giúp nhau xóa nghèo mà còn nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho CCB sau khi rời quân ngũ.
Ngân hàng CSXH đã cho Hội CCB vay 350 tỷ đồng, tạo nhiều công ăn việc làm, hiện số hộ nghèo (theo chuẩn mới) chỉ còn 7,9%, đây là con số đáng khích lệ bởi một tỉnh còn khó khăn, lại đông đồng bào dân tộc. Nếu năm 2008 cấp 7.212 thẻ, với số tiền là trên 1,2 tỷ đồng, thì năm 2011 cấp 8.524 thẻ, với số tiền trên 7,6 tỷ đồng. Tất cả đều được thực hiện đúng quy định, đúng đối tượng, không để xảy ra trường hợp nào khiếu kiện. Các hoạt động tình nghĩa khác như tổ chức tang lễ, thăm hỏi CCB khi đau ốm… được các cấp uỷ Đảng, chính quyền quan tâm, 533 trường hợp được chi trả mai táng phí, với số tiền 2,086 triệu đồng; xóa 1.283 nhà tạm, nhà dột nát, trong đó có 132 nhà xây dựng từ quỹ nghĩa tình đồng đội, nhờ đó đã tạo niềm tin và gắn kết hơn tình đồng đội xưa và nay.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai và thực hiện vẫn nảy sinh một số hạn chế cần sớm khắc phục. Do đặc trưng của vùng Tây Nguyên, nơi còn nhiều khó khăn, đặc biệt có đông đồng bào dân tộc thiểu số, có trên 5.000 hội viên CCB là người dân tộc, trình độ dân trí còn thấp, kinh tế phát triển chưa đồng bộ. Vì vậy, Thường trực Tỉnh hội CCB, đã phối hợp cùng Sở Nội vụ tỉnh kiến nghị một số giải pháp:
-
Cần đào tạo, bồi dưỡng xây dựng đội ngũ làm công tác Hội CCB các cấp chuyên sâu. Đối với CCB nhập ngũ trước ngày 30-4-1975, có nhiều đồng chí vì các lý do khác nhau, không còn hồ sơ gốc, việc xác minh, xác nhận rất khó khăn nên chưa được hưởng chế độ theo Quyết định 142.
-
Sớm có chính sách đãi ngộ đối với CCB đã trực tiếp tham gia chiến đấu ở chiến trường Tây Nam, Cam-pu-chia, Lào, chống FULRO… Chế độ trợ cấp khi thôi làm công tác Hội chỉ giải quyết cho các đồng chí là CCB, thuộc diện đang hưởng lương hưu… còn những trường hợp là phục viên, xuất ngũ… không được hưởng là chưa hợp lý. Ngoài ra các khoản kinh phí như đi tìm hài cốt đồng đội, kinh phí đào tạo nghề cho con em CCB, thăm lại chiến trường xưa… cũng cần được xem xét bổ sung.
-
Vay vốn ưu đãi để sản xuất kinh doanh, dịch vụ, xóa đói giảm nghèo cũng cần được quy định mức ưu đãi cụ thể đối với CCB, góp phần xây dựng quê hương Đắc Lắc ngày càng giàu đẹp.
Trần Công Thi