Tính đến cuối năm 2015, cả nước giải quyết trợ cấp xã hội hằng tháng cho trên 2,6 triệu đối tượng. Trong đó người trên 80 tuổi không có lương hưu là 1.454 nghìn người; người cao tuổi cô đơn thuộc hộ nghèo 85 nghìn người; người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng 896 nghìn người; trẻ em mồ côi không có nguồn nuôi dưỡng 45 nghìn trẻ; người đơn thân nuôi con thuộc hộ nghèo 113 nghìn người; ngoài ra, còn khoảng 50 nghìn đối tượng khác. Kinh phí chi trợ cấp xã hội hằng tháng, cấp thẻ bảo hiểm y tế và hỗ trợ chi phí mai táng cho các đối tượng khoảng 13 nghìn tỷ đồng/năm. Đặc biệt đã từng bước quy hoạch, phát triển mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội và dịch vụ trợ giúp xã hội. Hiện nay, cả nước có 408 cơ sở trợ giúp xã hội, gồm 194 cơ sở công lập và 214 cơ sở ngoài công lập, được thành lập, hoạt động, kiện toàn theo quy định tại Nghị định số 68/2008/NĐ-CP, Nghị định số 81/2012/NĐ-CP của Chính phủ. Trong đó, có 31 cơ sở chăm sóc người cao tuổi, 71 cơ sở chăm sóc người khuyết tật, 139 cơ sở chăm sóc trẻ em, 102 cơ sở tổng hợp, 31 cơ sở chăm sóc người tâm thần, 34 trung tâm công tác xã hội, với khoảng 10.000 cán bộ, nhân viên.
Tuy nhiên, hệ thống trợ giúp xã hội tại Việt Nam còn phân tán và thiếu tính liên kết, đòi hỏi phải có sự đổi mới trong thời gian tới. Theo đánh giá của Bộ LĐTBXH, hệ thống trợ giúp xã hội còn nhiều hạn chế. Điển hình là có quá nhiều văn bản về chính sách trợ giúp xã hội, một đối tượng được trợ giúp bị chi phối ở nhiều văn bản khác nhau; việc thiết kế chính sách chủ yếu mang tính đối phó với tình thế, chưa có tầm nhìn dài hạn dẫn đến tình trạng tản mạn, có lúc chồng chéo, thiếu tính hệ thống, toàn diện. Hệ thống chính sách trợ giúp xã hội thường xuyên chưa đáp ứng được yêu cầu giúp người dân có được khả năng ứng phó với rủi ro vòng đời, tính hiệu quả và tác động của chính sách trợ giúp xã hội còn hạn chế.
Để phát huy hiệu quả của các chính sách trợ giúp xã hội, cần thay đổi cách tiếp cận trong việc xác định đối tượng từ cách làm rời rạc, có tính nhất thời cho những đối tượng phát sinh trong một hoàn cảnh cụ thể như hiện nay sang tiếp cận vòng đời với việc xác định những yếu tố rủi ro, dễ tổn thương có tính đặc trưng cho từng nhóm tuổi. Đặc biệt, thay đổi quan niệm từ “cho” sang “hỗ trợ”, “thúc đẩy” thì mới bảo đảm hiệu quả của trợ giúp xã hội cũng như tính bền vững của hệ thống.
Hiện Bộ LĐTBXH đang lấy ý kiến dự thảo Đề án “Đổi mới trợ giúp xã hội giai đoạn 2016-2030”. Một trong những nội dung đáng chú ý của đề án là mở rộng diện bao phủ đối tượng trợ giúp; nâng mức trợ cấp xã hội cho người cao tuổi, người khuyết tật trong độ tuổi lao động, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, người nhận chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, người đơn thân nuôi dưỡng trẻ em và phụ nữ sinh con, phù hợp trong từng giai đoạn... Đề án cũng đề cập đến các nội dung khác như: Nghiên cứu xây dựng và thống nhất các khái niệm về trợ giúp xã hội; Xác định vai trò, vị trí, mối quan hệ giữa trợ giúp xã hội và chính sách về kinh tế, chính sách an sinh xã hội; tiếp cận xây dựng chính sách trợ giúp xã hội theo vòng đời, tăng cường khả năng ứng phó với các loại hình rủi ro khác.
Bài và ảnh: Kim Loan