Cán bộ y tế hướng dẫn người dân che màn bể chứa nước sinh hoạt, phòng, chống sốt xuất huyết tại huyện Đan Phượng, T.P Hà Nội.

Sau mưa bão, lũ lụt, môi trường ẩm ướt, tạo điều kiện cho muỗi phát triển, người dân cần trang bị những kiến thức để phòng bệnh do muỗi đốt, truyền bệnh, điển hình như: Sốt xuất huyết Dengue, viêm não Nhật Bản, sốt rét.

Bệnh sốt xuất huyết

Trung gian truyền bệnh sốt xuất huyết là do muỗi vằn cái có mang virus gây ra. Virus gây bệnh này có 4 chủng huyết thanh khác nhau là DEN-1, DEN-2, DEN-3, DEN-4. Bệnh nhân nhiễm với chủng virus nào thì chỉ có khả năng tạo nên miễn dịch suốt đời với chủng virus đó mà thôi. Chính vì vậy, những người sống trong vùng lưu hành dịch sốt xuất huyết có thể mắc bệnh sốt xuất huyết nhiều hơn một lần trong đời.

Khi mắc người bệnh có biểu hiện: Nhức đầu, chán ăn, nóng rát mắt, sốt đột ngột và phát ban ở chi trên và chi dưới, đau hạ sườn phải, nặng hơn có thể xuất huyết dưới da, chảy máu chân răng.

Cách phòng bệnh:Diệt loăng quăng trong các dụng cụ chứa nước sinh hoạt bằng cách thường xuyên thau rửa, đậy nắp kín bể và các vật dụng chứa nước, thả cá; thay nước ở các lọ hoa, thả muối hoặc hóa chất diệt bọ gậy vào bát nước kê chân chạn, bể cảnh, hòn non bộ...; loại bỏ các vật liệu phế thải, hốc nước tự nhiên, lật úp các vật dụng có thể chứa nước không sử dụng, không cho muỗi đẻ trứng; ngủ màn phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày, mặc quần áo dài tay, dùng bình xịt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện muỗi... để diệt muỗi và phòng muỗi đốt; tích cực phối hợp với ngành y tế trong các chiến dịch diệt bọ gậy/loăng quăng và các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch; khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.

Bệnh sốt rét

Bệnh sốt rét là do muỗi có tên khoa học là Anopheles mang ký sinh trùng gây ra. Khi gây bệnh sẽ có các triệu chứng và biến chứng khác nhau và cần có các phương pháp điều trị riêng biệt. Triệu chứng đặc trưng là sốt (theo chu kỳ), ớn lạnh, vã mồ hôi, thiếu máu... Bệnh sốt rét xảy ra thường xuyên, quanh năm, nhưng dễ bùng phát vào mùa mưa ở khu vực đồi núi... Khi mắc người bệnh ớn lạnh, nôn mửa, sốt, đổ mồ hôi, ngất xỉu và ho khan...

Để phòng ngừa sốt rét người bệnh cần ngủ màn kể cả ở nhà, nương rẫy hoặc ngủ trong rừng. Phòng chống muỗi truyền bệnh vẫn được coi là biện pháp hữu hiệu nhất cụ thể: Diệt muỗi bằng phun tồn lưu mặt trong tường vách và tẩm màn bằng hóa chất diệt muỗi mỗi năm một lần vào trước mùa mưa; xoa kem xua muỗi; phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh quanh nhà, làm nhà xa rừng và xa nguồn nước, mặc quần áo dài vào buổi tối; hạn chế bọ gậy: Khơi thông dòng chảy, vớt rong rêu làm thoáng mặt nước…

Bệnh viêm não Nhật Bản

Bệnh viêm não Nhật Bản là do muỗi cỏ/muỗi ruộng, tên khoa học là Culex tritaeniorhynchus) có mang virus gây ra. Khi mắc viêm não Nhật Bản, người bệnh có biểu hiện sốt cao, đau đầu vùng trán, co giật, hôn mê và nhức đầu dữ dội. Bệnh nhân có hội chứng màng não và rối loạn ý thức nhẹ.

Phòng ngừa bệnh viêm não Nhật Bản, theo khuyến cáo của Bộ Y tế, để ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm bệnh viêm não Nhật Bản, người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp dưới đây: Vệ sinh môi trường sạch sẽ, định kỳ dọn dẹp nhà ở, làm sạch chuồng gia súc để hạn chế nơi trú đậu của muỗi. Nếu có thể, nên dời chuồng gia súc ra xa nhà, xa nơi vui chơi sinh hoạt của trẻ em, loại bỏ các ổ bọ gậy, bãi nước tồn đọng; thường xuyên sử dụng các biện pháp để phòng, chống và tiêu diệt muỗi trong các hộ gia đình; chủ động tiêm vắc-xin đầy đủ và tuân thủ đúng lịch tiêm phòng viêm não Nhật Bản theo khuyến cáo là biện pháp phòng ngừa bệnh hiệu quả nhất.

                                                                                    Thành An