Thời gian qua, khá nhiều tổ chức Đảng, đảng viên giữ cương vị lãnh đạo, có cả cao cấp bị kỷ luật Đảng, thậm chí vướng vào vòng lao lý; nguyên nhân đều bắt đầu từ vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ (TTDC).
Tại sao? Chúng ta đều biết, TTDC là một trong những nguyên tắc tổ chức cơ bản của Đảng. Nguyên tắc này chỉ đạo toàn bộ hoạt động xây dựng tổ chức và hoạt động, vừa bảo đảm cho Đảng thống nhất ý chí và hành động, vừa phát huy dân chủ, quy tụ được sức mạnh, trí tuệ của tập thể trong hoạt động của Đảng. Nhưng cũng chính vì thế mà không thực hiện nguyên tắc TTDC, hoặc thực hiện một cách hình thức thì lại có thể biến tập thể, biến số đông thành bình phong; thành “giấy thông hành” cho số ít, thậm chí cho một người làm trái với Điều lệ Đảng.
Trong thực tế rất dễ một buổi sinh hoạt Đảng trở nên hình thức nếu cấp ủy và Bì thư chủ động “lái” cuộc họp theo hướng qua loa, đại khái rồi biểu quyết lấy số đông. Nhưng lại rất khó cho công tác kiểm tra kết luận tổ chức Đảng đó thực hiện nguyên tắc TTDC hình thức! Đó là chưa nói nếu cấp ủy “tê liệt” trong phê bình và tự phê bình…
Ví dụ như vụ cựu Tư lệnh Cảnh sát biển Nguyễn Văn Sơn cùng cấp dưới tham ô 50 tỷ đồng đầu tháng 4-2019, được bắt đầu không phải trong phòng họp mà tại phòng ăn của thủ trưởng BTL Cảnh sát biển; ông Sơn trao đổi với bốn cấp dưới, người là bí thư, người trong cấp ủy - đương nhiên tất cả là đảng viên, gồm Trung tướng Hoàng Văn Đồng (Phó tư lệnh kiêm Chính ủy) cùng ba Thiếu tướng Doãn Bảo Quyết, Phạm Văn Hậu, Bùi Trung Dũng về kế hoạch "rút ruột" 50 tỷ đồng, để chia nhau.
Tất cả đồng ý và không có ý kiến gì khác. “Nhiệm vụ rút ruột” được ông Sơn giao cho Đại tá Nguyễn Văn Hưng - cựu Cục trưởng Cục Kỹ thuật. Khi ông Sơn giao cho 6 Trưởng phòng thuộc Cục thực hiện, cả 6 đều kêu khó, nhưng vì “Nhiệm vụ thủ trưởng giao và phải hoàn thành" nên bi kịch đã xảy ra.
Rõ ràng, Đảng ủy BTL Cảnh sát biển lúc đó đã “tê liệt” trước lòng tham. 6 Trưởng phòng thuộc Cục Kỹ thuật cũng đã “quỳ hàng” trước quyền lực cấp trên, không còn tính chiến đấu của người đảng viên trước cái xấu.
Vụ thứ hai là, trong Ngành Đăng kiểm Việt Nam, thuộc Bộ Giao thông - Vận tải. Bộ trưởng Bộ Công an đánh giá: “Sai phạm trong lĩnh vực đăng kiểm là vụ tham ô, tham nhũng tập thể, có hệ thống trên phạm vi rất rộng”. Không chỉ Cục trưởng đương nhiệm mà cả tiền nhiệm đều đã bị bắt. Điều đó có nghĩa là “ung nhọt” đã diễn ra từ rất lâu.
Cũng như vụ việc ở Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam, vụ việc này cho thấy Đảng ủy Cục Đăng kiểm Việt Nam, trên thực tế cũng đã “tê liệt” trong thời gian dài. Bộ máy của Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy gần như chỉ còn hoạt động “bàn giấy”, đóng dấu “bảo hành”, hình thức công vụ.
Ở đây, có câu chuyện “đấu tranh tránh đâu” mà dân gian đã tổng kết; có vấn đề hiệu lực và hiệu quả của hệ thống kiểm tra nội bộ Đảng; hệ thống thanh tra chuyên ngành ở từng ngành, lĩnh vực. Rất ít (nếu không muốn nói là không có) vụ việc tiêu cực, tham ô, tham nhũng nào được phát hiện bằng tự kiểm tra, tự thanh tra, mà chủ yếu qua tin báo tội phạm, do mâu thuẫn nội bộ, hoặc từ cơ quan kiểm tra cấp trên. Nghĩa là công tác kiểm tra của tổ chức Đảng ở cơ sở rất hạn chế.
Chúng ta đều biết, phê bình và tự phê bình là một nguyên tắc rất quan trọng trong sinh hoạt Đảng, góp phần thực hiện có hiệu quả nguyên tắc TTDC. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng nguyên tắc tự phê bình và phê bình. Người coi đây là nguyên tắc sinh hoạt của Đảng, là quy luật tồn tại và phát triển của Đảng, nhưng hiện nay đây lại là “khâu yếu” .
Về luật, từ lâu cũng đã có Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo; đáng tiếc, vẫn còn nhận thức kỳ thị người dám chất vấn, dám khiếu nại, tố cáo nội bộ; chưa có hành lang khuyến khích chất vấn, bảo vệ người dám tố cáo khuất tất, mờ ám trong nội bộ.
Chắc chắn tổ chức Đảng, đảng viên giữ cương vị lãnh đạo cao cấp bị kỷ luật Đảng, sau đó là chính quyền; thậm chí vướng lao lý thời gian qua, đều có những báo cáo kiểm điểm của cấp ủy, báo cáo tự kiểm điểm cá nhân, tập thể trong 4 mức, nhưng thường là hoàn thành tốt và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ! Điều đó, đã phần nào nói lên nguyên tắc TTDC ở những tổ chức Đảng đó là hình thức. Tự phê bình và phê bình, suy cho cùng là thành tố của văn hóa trong Đảng, trong nội bộ cơ quan, đơn vị. Bao giờ tự phê bình và phê bình trung thực vẫn đang là vấn đề lớn phải suy nghĩ.
Như vậy, nguyên tắc TTDC trong Đảng phải là hệ thống những quy định về cách thức thực hiện, sao cho cụ thể; dễ định lượng, định tính; tránh trừu tượng, chung chung… thì mới có cơ sở thực hiện tốt nguyên tắc quan trọng này.
Ngô Đức Hành