
Các chiến sĩ kíp xe tăng 390 giao lưu trong Chương trình “Toàn thắng về ta” do Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam tổ chức. Từ phải qua trái Lái xe Nguyễn Văn Tập, chỉ huy xe Vũ Đăng
Tôi may mắn được gặp gỡ nhiều CCB, tướng lĩnh, doanh nhân và các CCB đã góp phần làm nên chiến thắng của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đến tham dự các chương trình giao lưu tại T.P Hồ Chí Minh, nhân kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, trong đó có 3 chiến sĩ của kíp xe tăng 390 (Quân đoàn 2) đã húc đổ cổng Dinh Độc Lập, ngày 30-4-1975.
Thật ấn tượng và xúc động khi thấy Thượng tướng Bế Xuân Trường - Chủ tịch Hội CCB Việt Nam; Trung tướng, Anh hùng phi công Phạm Tuân; Đại tá, Anh hùng phi công Nguyễn Văn Nghĩa; Anh hùng Lao động Lê Văn Kiểm; Anh hùng Lao động Nguyễn Đình Trường... cùng đồng chí, đồng đội chúc tụng và ca hát bên nhau ngay giữa lòng T.P Hồ Chí Minh. Nghe Đại úy Vũ Đăng Toàn - nguyên chỉ huy xe tăng 390, chiến sĩ lái xe Nguyễn Văn Tập, Trung uý Ngô Sỹ Nguyên - pháo thủ số 1 hồn nhiên cùng mọi người cất cao tiếng hát “Năm anh em trên một chiếc xe tăng...” mà như được thấy hình ảnh của chiếc “chiến xa” húc đổ cánh Dinh Độc Lập cách đây 50 năm về trước.
Sáng ngày 16-4-2025, khi cùng tôi và mọi người trò chuyện tại Hội trường Dinh Thống Nhất, các chiến sĩ kíp xe tăng 390 như sống lại thời khắc lịch sử mà họ đã góp phần làm nên chiến thắng. Nhìn về phía cánh cổng hướng ra đại lộ Lê Duẩn - nơi các đoàn du khách đang nườm nượp bước vào, Đại uý Vũ Đăng Toàn bồi hồi nhớ lại: “Sáng ngày 30-4-1975, sau khi quân ta tiêu diệt các tuyến cố thủ chắc chắn của địch ở Biên Hoà, cầu Rạch Chiếc, cầu Sài Gòn, chúng tôi tiến thẳng về trung tâm Sài Gòn. Nhưng đường đi đến thắng lợi cuối cùng vẫn còn nhiều hy sinh mất mát”. Dừng một vài giây, giọng ông lắng xuống: “Tôi đã chứng kiến anh em bộ binh hy sinh phía trước và hai bên xe tăng. Máu thịt của đồng đội bắn cả lên thân và kính xe. Chúng tôi ngồi trong xe tăng còn có lớp thép bảo vệ, còn anh em bộ binh thì chỉ có tấm áo mỏng và da thịt thôi...”. Nói rồi, ông mím chặt đôi môi, đôi mắt nhoà lệ. Thấy vậy, pháo thủ Ngô Sỹ Nguyên nói đỡ lời cho người chỉ huy cũ: “Đến ngã tư Hàng Xanh, anh Toàn phát hiện thấy 2 xe bọc thép M113 và M48 của địch đang tiến đến gần. Anh nói nhanh với tôi: “Nguyên, mục tiêu”. Tôi ngắm nhanh và nhả đạn tiêu diệt gọn bọn chúng. Chỉ chậm một tí thôi, xe của tôi có thể đã bị bắn cháy rồi”. Ít nói hơn là lái xe Nguyễn Văn Tập, người đồng hương cùng quê Gia Lộc, Hải Dương với chỉ huy xe Vũ Đăng Toàn cũng đang trào dâng cảm xúc. Ông nhớ về thời khắc chiếc xe của mình tiến sát đến cổng Dinh Độc Lập. Cùng lúc đó, xe tăng 843 do Đại đội trưởng Bùi Quang Thận chỉ huy từ hướng khác cũng tiến vào cổng Dinh và lao vào cánh cổng phụ nhưng bị kẹt lại. “Thấy xe của anh Thận như vậy, tôi hỏi anh Toàn giờ mình làm gì. Chỉ huy xe nói: Chú húc đổ cửa chính đi. Tôi lập tức cho xe 390 lao qua cửa chính và tiến về sảnh Dinh Độc Lập. Sau đó anh Bùi Quang Thận cầm cờ chạy về cửa Dinh, anh Vũ Đăng Toàn cầm súng chạy theo bảo vệ” - lái xe Nguyễn Văn Tập chậm chãi kể lại. Đúng 11 giờ 30 ngày 30-4-1975, lá cờ Quyết chiến, Quyết thắng của quân ta đã tung bay trên nóc Dinh Độc Lập, toàn bộ nội các của chính quyền ngụy Sài Gòn bị bắt giữ và phải tuyên bố đầu hàng không điều kiện, Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng.
Nhìn những đoàn người đang đi vào Dinh Thống Nhất và ở hai bên đường Lê Duẩn tham quan, chụp ảnh, những người lính chiến một thời như thấy cảnh người dân Sài Gòn đổ ra đường đón chào quân ta tiến vào giải phóng thành phố năm xưa. Gương mặt ai cũng rạng rỡ, tiếng nói tiếng cười đan vào nhau, tạo ra không khí náo nức, hân hoan khiến các chiến sĩ kíp xe tăng 390 rưng rưng cảm động. Tôi nói với 3 ông: “Người dân thành phố và du khách bây giờ vẫn chào đón các anh đấy”. Ông Toàn và ông Tập gật gật mái đầu đã bạc trắng. Đúng là khung cảnh “Vui sao nước mắt lại trào” của 50 năm về trước như ùa cả lại, rạo rực, bâng khuâng trong lòng người, khiến ai cũng thấy mình như trẻ lại, hồn nhiên, ngây thơ trong dịp kỷ niệm ngày đại thắng. Đại uý Vũ Đăng Toàn kể với tôi: “Mấy hôm trước, anh em chúng tôi đến chụp ảnh bên chiếc xe tăng 390. Lúc đầu bà con không biết, nhưng nghe cô hướng dẫn viên giới thiệu chúng tôi đã ở trên chiếc xe này húc đổ cánh cổng Dinh Độc Lập thì mọi người chen vào hỏi chuyện và xin chụp ảnh cùng”.
Tôi được biết, lần nào vào T.P Hồ Chí Minh, kíp xe tăng 390 cũng được chào đón nhiệt tình và nhận vô vàn tình cảm quý trọng của chính quyền, quân và dân ở thành phố. Từ các đồng đội CCB, các cháu học sinh, sinh viên, bộ đội, công an, đến những người dân, đều dành cho các ông những lời khen ngợi, ngưỡng mộ và trân quý. “Có một cháu thanh niên đã hỏi tôi: Chú ơi! Lái xe tăng có khó lắm không? Khi húc đổ cánh cổng của Dinh Độc Lập cảm giác của chú thế nào? Tôi chỉ biết trả lời: Nếu các cháu được học tập, rèn luyện thì máy bay cũng lái được. Còn khi tiến qua cánh cổng Dinh Độc Lập, chú chỉ có một suy nghĩ đó là miền Nam đã được giải phóng. Đất nước hoà bình, thống nhất rồi, không còn phải hy sinh nữa” - CCB Nguyễn Văn Tập bộc bạch. Ở góc độ pháo thủ số 1 của chiếc xe tăng, CCB Ngô Sỹ Nguyên nhận được rất nhiều câu hỏi vui như: “Để ngắm trúng mục tiêu bác phải làm như thế nào?”, “Khi bắn vào quân thù, anh có run không?”, hoặc “Nếu trong Dinh Độc Lập địch bắn ra, anh sẽ bắn trả chứ”... Ông Nguyên giãi bày bằng chất giọng xứ Nghệ trầm ấm: “Được mọi người dành cho nhiều tình cảm anh em chúng tôi cảm kích lắm. Những người lính khi ra trận chỉ mong ước làm sao chiến đấu hiệu quả, tiêu diệt hết quân thù để Tổ quốc nhanh được thống nhất, hoà bình, nhân dân được hưởng tự do, độc lập. Sau đó chúng tôi sẽ được trở về với gia đình”.
Tháng Tư năm nay, được về lại Dinh Độc Lập năm xưa (sau này đổi lại là Dinh Thống Nhất), các chiến sĩ kíp xe tăng 390 vẫn bồi hồi, xúc động khi thấy Dinh được trang trí lộng lẫy hơn. T.P Hồ Chí Minh đã thêm nhiều con đường rộng thoáng đan chồng lên nhau và nhiều tòa nhà to đẹp ở khắp các quận, huyện. Các ông thấy mình là những người may mắn, vừa được chiến đấu vào những thời khắc lịch sử, vừa sống khoẻ mạnh cho đến ngày hôm nay. Trong khi đó, nhiều đồng đội đã ngã xuống trên các chiến trường, nhiều người cũng đã mất khi đất nước được thống nhất 50 năm và nhiều người cũng không còn khoẻ mạnh nữa...
Càng tiếp xúc trò chuyện với các chiến sĩ kíp xe tăng 390 và các CCB khác đã tham gia chiến đấu trên chiến trường miền Nam, tôi càng thấy những người lính chiến đã làm nên chiến thắng của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm1975 thật bình dị, cao đẹp và tự hào biết nhường nào. Cho đến tận bây giờ, mục tiêu của họ vẫn là chiến đấu để thống nhất non sông, đem lại hoà bình, độc lập cho đất nước, đem lại hạnh phúc cho nhân dân.
Trước khi chia tay ở Dinh Thống Nhất, CCB Nguyễn Văn Tập đã nói với tôi: “Những ngày ở T.P Hồ Chí Minh, chúng tôi như được sống lại một thời trai trẻ cầm súng chiến đấu với quân thù và thời khắc tiến vào giải phóng Sài Gòn. Anh em sẽ nhớ mãi tình cảm và sự quan tâm mà thành phố, cũng như đồng chí đồng đội đã dành cho mình, để tri ân mọi người và tiếp tục giữ vững phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, góp phần truyền cảm hứng cho thế hệ con cháu”. Câu nói hết sức bình dị của ông, khiến tôi cảm thấy nao nao, nhớ nhớ. Trên thực tế, chính những người đang được hưởng hoà bình, hạnh phúc, ấm no ngày hôm nay mới phải cảm ơn các ông - những chiến sĩ Giải phóng quân anh hùng, đã cùng dân tộc anh hùng làm nên chiến thắng vĩ đại 30-4-1975. Chúng ta biết sau ngày giải phóng, các ông đã trở về những vùng quê nghèo của mình vất vả cày cấy, lo miếng cơm manh áo trong những năm tháng khó khăn của đất nước. Cho đến nay, đất nước và nhân dân vẫn chưa quan tâm, bù đắp thoả đáng với công sức và sự hy sinh, mất mất mà những người lính chiến đã hiến dâng cho Tổ quốc. Chỉ mong các ông đón nhận những tình cảm chân thành và quý trọng nhất của đất nước, của nhân dân dành cho mình trong những ngày tháng Tư lịch sử này, để cùng Tổ quốc hân hoan trong 50 mùa Xuân đại thắng.
Phi Hùng