
Đại tá Hoàng Kim Nông (thứ hai từ phải sang), cùng đồng đội kể lại chuyện giải phóng Trường Sa
Trong khi 5 cánh quân chủ lực như 5 mũi giáp công hùng mạnh tiến vào giải phóng Sài Gòn, thì có 1 cánh quân của những người lính biển bí mật vượt ngàn sóng gió ra giải phóng quần đảo Trường Sa. Đó là cánh quân thứ 6 trong mùa Xuân đại thắng.
Giải phóng Trường Sa qua ký ức CCB
Chúng tôi tìm gặp CCB, Đại tá Hoàng Kim Nông - nguyên chiến sĩ hàng hải trên biển Đội 647 - con tàu đã đưa ông Nông và hàng trăm đồng đội vượt ngàn sóng gió bí mật giải phóng Trường Sa năm 1975.
Đại tá Hoàng Kim Nông phân trần: “Đã nửa thế kỷ rồi nhưng ký ức đi giải phóng Trường Sa vẫn vẹn nguyên trong tôi. Trên đất liền có 5 cánh quân chủ lực tiến vào giải phóng Sài Gòn thì trên biển có cánh quân chủ lực của Hải quân Việt Nam quyết chiến giải phóng các đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Được chiến đấu giải phóng Trường Sa là niềm vinh dự, tự hào nhất của đời lính đảo”. Rồi ông chậm rãi kể lại những ngày sôi động và hào hùng đó.
Năm 1975, Thượng sĩ Hoàng Kim Nông là chiến sĩ đặc công của Đoàn Đặc công 126 Hải quân. Ngày 10-4-1975, dưới sự chỉ huy của đồng chí Mai Năng - biên đội tàu Hải quân 673, 674, 675 xuất phát từ cảng Tiên Sa (Đà Nẵng) đưa hơn 200 cán bộ, chiến sĩ Đoàn 126 Hải quân và Quân khu 5 vượt biển đi giải phóng quần đảo Trường Sa.
Đêm 13-4, đảo Song Tử Tây - điểm tiến công đầu tiên đã hiện ở đằng xa. Theo lệnh của chỉ huy, tàu 673 tiếp cận quanh đảo, định hướng đổ bộ. Hai tàu 674 và 675 án ngữ phía bắc, cách đảo hơn 10 hải lý đề phòng đối phương từ phía Bắc xuống và nghi binh các tàu chiến của đối phương đang lởn vởn ở khu vực đảo Nam Yết.
1 giờ sáng ngày 14-4, tàu 673 tiếp cận sát mép đảo, Đội trưởng Nguyễn Ngọc Quế được lệnh chỉ huy 3 mũi tấn công đổ bộ vào đảo. Song Tử Tây lúc này vẫn chìm trong màn đêm đen thẫm, thỉnh thoảng có vài ánh đèn le lói của đám lính tuần tra trên đảo. Sau 2 giờ vật lộn với dòng nước xoáy, lực lượng đổ bộ đã tiến vào đảo, chiếm lĩnh các vị trí.
Đúng 4 giờ 30 phút ngày 14-4, đội trưởng Nguyễn Ngọc Quế hạ lệnh nổ súng. Khẩu ĐKZ gầm lên, một tia chớp lửa lao vút ra, vạch một đường sáng thẳng phía lô cốt địch. Bị tấn công bất ngờ, địch chống trả quyết liệt. B40, B41 của bộ đội ta ở các mũi tiến công liền bịt họng các ổ đề kháng của địch. Bọn địch bị dồn ra sát bờ biển. Sau 30 phút chiến đấu, quân ta làm chủ hoàn toàn đảo. Lá cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam được kéo lên đỉnh cột cờ trước bia chủ quyền. Sau khi thu dọn chiến trường, cắt cử lực lượng phòng thủ đảo, đưa tù binh về đất liền, quân ta nhanh chóng rút kinh nghiệm, chuẩn bị lực lượng giải phóng các đảo còn lại.
Cũng như Đại tá Hoàng Kim Nông, Trung tá Nguyễn Viết Chức - nguyên thuyền trưởng tàu HQ-07, Lữ đoàn 171 Hải quân vẫn nhớ như in những ngày cùng đồng đội trên tàu 673 hành trình đi đảo Trường Sa. Trong niềm xúc động, ông kể: “Ngay sau khi giải phóng đảo Song Tử Tây, biên đội tàu 673, 674, 675 chúng tôi được lệnh đưa tù binh về Đà Nẵng, kiện toàn lại lực lượng, sau đó tiếp tục giải phóng các đảo còn lại ở Trường Sa theo kế hoạch. 4 giờ sáng ngày 21-4, biên đội tàu lại rời cảng Tiên Sa.
Đêm 24-4, theo phân công, tàu 673 đưa đặc công đổ bộ vào đảo Nam Yết. Theo nhận định của ta, đây là trung tâm đầu não của lính Việt Nam cộng hòa ở quần đảo Trường Sa. Trong khi đó, tàu 641 tiến vào đánh chiếm đảo Sơn Ca. Hai đảo này cách nhau 5 hải lý về hướng đông bắc có thể thấy nhau nên dễ yểm trợ. Việc bí mật đổ bộ đánh địch trên biển rất khó khăn vì mặt biển trống trải, dễ bị địch phát hiện. Mặt khác, điều kiện sóng to gió lớn thì tàu không thể tiếp cận được đảo. Và cho dù có lực lượng đặc công nhái bơi giỏi đến mấy cũng khó lòng tiếp cận đảo khi tàu ở cách xa trên 10km trong điều điều kiện sóng lớn. Vì vậy, sau hai lần bí mật, Tàu 641 mới vào được đảo Sơn Ca, trong khi đó tàu 673 chạy vòng vòng ngoài biển để nghi binh địch.
1 giờ 30 sáng 25-4, các chiến sĩ đặc công bí mật ém quân quanh đảo báo cáo về Sở chỉ huy “đủ điều kiện nổ súng”. Đến 2 giờ 30 phút sáng, trận chiến đấu bắt đầu. Bất ngờ, súng cối, súng đại liên, 12,7 ly, AK của ta đồng loại tấn công vào các ụ súng, lô cốt, giao thông hào của đối phương. Lúc đó quân địch đang ngủ, một số lính gác ở sở chỉ huy và công sự phía trước đảo cũng không kịp trở tay vì người nhái của ta nhanh chóng quật ngã tại chỗ. Một số đua nhau bỏ chạy ra ngoài bị ta bắt sống. Biết không thể giữ được đảo nữa, số lính còn lại nghe ta kêu gọi đầu hàng đã kéo cờ trắng ra hàng. 3 giờ sáng, ta bắt hết tù binh, thu toàn bộ vũ khí. Lá cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam vừa kéo lên trên đỉnh cột cờ của đảo Sơn Ca cũng vừa lúc trời hừng đông trên đảo.
Ngay sau khi giải phóng đảo Sơn Ca, tối 26-4, tàu 673 và 641 tiếp cận đảo Nam Yết theo lệnh của Sở chỉ huy tiền phương quân chủng Hải quân. Khi thấy hai tàu của ta tiến vào, quân ngụy vội vã xuống tàu bỏ chạy. Hai tàu của ta khẩn trương áp sát đảo và chiếm giữ toàn bộ Nam Yết. Đến 10 giờ 30 ngày 27-4, ta để một lực lượng trên đảo Nam Yết chốt giữ, còn lại xuống tàu 641 tiến sang đảo Sinh Tồn. Đến 10 giờ 30 ngày 28-4, ta làm chủ hoàn toàn đảo Sinh Tồn.
Trên hướng đảo Trường Sa Lớn, lúc 16 giờ chiều 28-4, được lệnh tiến đánh đảo Trường Sa Lớn, cán bộ, chiến sĩ trên tàu 673 bừng bừng khí thế tiến công nhanh chóng giải phóng đảo Trường Sa Lớn và các đảo khác còn lại. Các đảo chìm trong cụm đảo An Bang cũng được giải phóng nhanh chóng ngay sau đó. Đến 9 giờ sáng 29-4, ta hoàn toàn làm chủ quần đảo Trường Sa, Đài Tiếng nói Việt Nam đã chính thức công bố quần đảo Trường Sa của Việt Nam đã hoàn toàn được giải phóng.
Trưa 30-4-1975, khi biên đội tàu chúng tôi đang thả neo ngoài Trường Sa Lớn thì Đài phát thanh thông báo ta đã giải phóng Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn miền Nam. Tất cả cán bộ, chiến sĩ phấn khởi hò reo: “Việt Nam thống nhất rồi, thống nhất rồi các đồng chí ơi!”.
Trường Sa ngày mới
50 năm trước, Trường Sa là một đồi cát vàng nhỏ nhoi giữa khơi xa với “khói súng, sỏi cát và phân chim”. Sau 50 năm, Trường Sa trở thành quần đảo sầm uất .
Các đảo nổi đều có chùa tâm linh và có âu tàu rộng lớn có sức chứa hàng trăm tàu cá vào trú tránh mùa bão tố và thu mua, chế biến hải sản mùa sóng biển lặng. Hằng năm, Quân chủng Hải quân tổ chức từ 20-22 chuyến tàu chở các đoàn đại biểu quân và dân trên mọi miền đất nước ra thăm, động viên, tặng quà cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo.
Kỷ niệm 50 năm giải phóng, cán bộ, chiến sĩ quần đảo Trường Sa luôn khắc sâu và ghi nhớ tinh thần của Đại tướng Lê Đức Anh trong bài phát biểu tại Lễ mít tinh kỷ niệm 33 năm Ngày thành lập Hải quân nhân dân Việt Nam trên đảo Trường Sa ngày 7-5-1988: “Chúng ta xin thề trước hương hồn của tổ tiên ta, trước hương hồn của cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc, xin hứa với đồng bào cả nước, xin nhắn nhủ với các thế hệ mai sau: Quyết tâm bảo vệ bằng được Tổ quốc thân yêu của chúng ta, bảo vệ bằng được quần đảo Trường Sa - một phần lãnh thổ và lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc chúng ta”.
MAI THẮNG