Các hội viên cựu chiến binh Ninh Phước vay vốn nuôi dê, cừu có thu nhập bình quân hằng năm hơn 100 triệu đồng.
Trong giai đoạn 2016-2021, Hội Cựu chiến binh (CCB) các cấp ở huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận đã triển khai nhiều hoạt động giúp đỡ hội viên đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng, đóng góp vào sự phát triển chung của địa phương. Đặc biệt là qua thực hiện phong trào “Cựu chiến binh giảm nghèo, làm kinh tế giỏi”, đã xuất hiện nhiều mô hình, điển hình tiên tiến trên từng lĩnh vực sản xuất, kinh doanh.
Gần giữa tháng 5, theo chân ông Võ Thanh Sơn, Chủ tịch Hội CCB thị trấn Phước Dân, chúng tôi đến gặp anh Nguyễn Ngà, hội viên Chi hội CCB khu phố 10, một CCB sản xuất giỏi. Anh Ngà cho biết đang nuôi đàn dê (16 con), cừu (18 con), cứ mỗi năm 2 lứa nuôi xuất chuồng, hằng năm thu nhập trên 150 triệu đồng. Theo Hội CCB thị trấn Phước Dân, nhờ thực hiện có hiệu quả các nguồn vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), kết hợp với vốn tự có của gia đình và vốn vay của các ngân hàng, nhiều hội viên đã mạnh dạn đầu tư trồng nho, táo, chăn nuôi bò, dê, cừu vỗ béo..., có thu nhập bình quân hằng năm hơn 100 triệu đồng. Ngoài anh Nguyễn Ngà, còn có các hội viên như Phạm Văn Hành, Nguyễn Thiên Đình, Trần Văn Toàn, Nguyễn Viết Hoàng, Nguyễn Văn Đại, Đỗ Minh Thắng, Phan Thạch..., cũng từ nguồn vốn vay ưu đãi của NHCSXH, đã chăm lo con cái học hành, có việc làm ổn định và thành đạt... Đặc biệt có hội viên Đỗ Thanh Toàn, hội viên Chi hội CCB khu phố 1, với mô hình kinh tế trang trại (trồng vườn mít, bưởi và trồng rừng bạch đàn) quy mô trên 22 ha, thu nhập hằng năm hàng trăm triệu đồng, được coi là điển hình phong trào thi đua giúp nhau phát triển kinh tế gia đình của Hội CCB thị trấn và huyện.
Tìm hiểu ở phong trào CCB phát triển kinh tế gia đình, xóa nhà tạm, giảm nghèo, vươn lên ổn định cuộc sống, chúng tôi nhận ra không chỉ thị trấn Phước Dân mà cả các xã cũng xuất hiện một số tấm gương hội viên CCB tiêu biểu. Đơn cử Hội CCB xã An Hải có hội viên Hoàng Trọng Dõng, thôn Long Bình 1, kinh doanh hàng tiêu dùng, đại lý nước giải khát; hội viên Châu Văn Mắng, thôn Tuấn Tú, trồng 5 sào măng tây xanh theo mô hình tưới nước tiết kiệm. Hội CCB xã Phước Hải có hội viên Nguyễn Văn Nhiên, Nguyễn Kẹp, thôn Hòa Thủy, thực hiện mô hình nuôi dông trên cát (diện tích hồ nuôi 2.000 m2 ) có 4 hội viên tham gia. Hội CCB xã Phước Hậu có hội viên Dương Lại, Lê Văn Do chuyển đổi cây trồng từ lúa sang trồng táo và nho, lãi suất cao gấp 3 lần so với cây lúa. Hội CCB xã Phước Sơn có hội viên Phan Văn Mai trồng táo kết hợp nuôi vỗ béo bò. Hội CCB xã Phước Hữu có hội viên Trần Bảy vượt khó, áp dụng tiến bộ kỹ thuật canh tác 3 ha lúa cho năng suất cao, đồng thời làm dịch vụ vận tải, máy kéo, cưới hỏi thu nhập trên 300 triệu đồng/năm, giải quyết việc làm cho 4-5 lao động. Hội CCB xã Phước Vinh có hội viên Cao Văn Tỵ, thôn Liên Sơn 1, đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi hàng trăm con bò, cừu bằng nguồn vốn vay NHCSXH...
Theo ông Phan Văn Khanh, Chủ tịch Hội CCB huyện Ninh Phước, những điển hình trên đã góp phần tăng tỷ lệ hội viên khá, giàu từ 22% lên 27,2%, góp phần tích cực vào công tác giảm nghèo tại địa phương giai đoạn 2016-2021. Nếu năm 2016 Ninh Phước có 26 hộ hội viên CCB nghèo, tỷ lệ 4,73%, thì đầu năm 2020 giảm còn 3 hộ hội viên nghèo, tỷ lệ 0,3% và 21 hộ cận nghèo, tỷ lệ 2,5%. Tính đến tháng 4-2021, toàn Hội đã xóa 28 nhà tạm, trị giá ước tính khoảng 1,350 tỷ đồng, hiện chỉ còn 1 nhà tạm (do chưa có đất xây nhà) phải tiếp tục xóa. Nhìn chung, qua 5 năm thực hiện phong trào CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi, các cấp Hội CCB ở Ninh Phước đã đoàn kết năng động, sáng tạo, vượt khó, phấn đấu hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, nhiệm vụ kinh tế - xã hội đã đề ra hằng năm. Đa số hội viên đã hưởng ứng tham gia, tạo sức lan tỏa, góp phần nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến trên từng địa bàn hoặc sang địa bàn khác, hiệu quả nhất là nâng cao mức sống bình quân hội viên bằng, có nơi cao hơn so với mức sống bình quân của Nhân dân trong khu vực; có 8/9 xã, thị trấn không còn hộ hội viên CCB nghèo, ở nhà tạm.
Từ kinh nghiệm thực tiễn phong trào trong 5 năm qua, Hội CCB huyện Ninh Phước tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức tổ chức phong trào CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi từ việc xây dựng kế hoạch, đăng ký, phát động, hưởng ứng, ký kết, đến việc phân công theo dõi chỉ đao; kiểm tra, đôn đốc thực hiện; phát hiện, bồi dưỡng, nhân rộng điển hình tiên tiến phong trào ra diện rộng. Theo đó, trong giai đoạn 2021-2026, toàn Hội tích cực hưởng ứng và tham gia các phong trào CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi do các cấp, các ngành phát động. Phấn đấu đến năm 2026, toàn huyện có trên 40% hộ hội viên CCB khá, giàu; không còn hộ hội viên ở nhà tạm và tái nghèo; giảm hằng năm 1,5% hộ cận nghèo theo tiêu chí mới; đặc biệt là xây dựng từ 9-12 mô hình kinh tế do CCB làm chủ.
Vân Tuyền