Vụ cháy quán karaoke ở Bình Dương để lại nhiều hậu quả thương tâm.
Vụ cháy quán karaoke tại Bình Dương ngày 6-9-2022 đã gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Sau mỗi vụ cháy, nhiều nguyên nhân, bài học kinh nghiệm được phân tích, chỉ ra. Trước mắt, việc thực thi pháp luật của các cấp chính quyền, các ban ngành liên quan cần phải được thực thi nghiêm minh, quyết liệt hơn nữa thì mới mong tránh được các thảm kịch xảy ra.
Liên tiếp các vụ cháy thương tâm
Trước vụ cháy quán karaoke ở Bình Dương khiến 32 người chết, nhiều vụ việc tương tự xảy ra thời gian qua khiến không ít người bàng hoàng khi điểm lại vì mức độ thảm khốc. Ngày 3-5-2014, vụ cháy xảy ra tại quán karaoke Nhật Thực ở số 4B, ngõ 43 Giảng Võ (quận Đống Đa, T.P Hà Nội) khi quán này đang hoạt động. Ngôi nhà dùng làm quán karaoke này có 4 tầng và một tum nằm trên diện tích đất rộng khoảng 100m2. Đám cháy khiến toàn bộ quầy bar cùng tầng 1 của ngôi nhà, biển quảng cáo phía trước bị ngọn lửa thiêu rụi. Vụ cháy đã khiến 5 người tử vong. Cũng trong năm 2014, quán karaoke ở phường Đông Kinh (T.P Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn) cũng xảy ra cháy khiến 4 người tử vong. Theo đó, khoảng 16 giờ ngày 6-11, đám cháy bùng phát từ tầng 2 tại quán karaoke NonStop, sau đó lan lên tầng 3 và gây ra sự cố đáng tiếc.
Ngày 1-11-2016, quán karaoke 68 Trần Thái Tông (T.P Hà Nội) bốc cháy và nhanh chóng lan ra 4 căn nhà bên cạnh. Sau hơn 5 giờ dập lửa, đám cháy mới cơ bản được khống chế. Vụ cháy đã khiến 13 người tử vong và quán karaoke cùng 4 căn nhà xung quanh hư hỏng nặng. Ngày 1-8-2022 vừa qua, quán karaoke ISIS tại số nhà 231 Quan Hoa (quận Cầu Giấy - T.P Hà Nội) đã xuất hiện đám cháy. Thời điểm xảy ra cháy, quán karaoke ISIS đang tạm ngưng hoạt động để sửa chữa. Vụ cháy khiến 3 cán bộ, chiến sĩ thuộc Đội Cảnh sát PCCC&CNCH Công an quận Cầu Giấy hi sinh.
Mới đây nhất và cũng đau đớn nhất, vụ cháy xảy ra trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Theo đó, khoảng 21h ngày 6-9-2022, quán karaoke An Phú trên đường Trần Quang Diệu, phường An Phú, T.P Thuận An bốc cháy ngùn ngụt. Sau nhiều nỗ lực của các lực lượng cứu hộ, đám cháy mới được khống chế, nhưng để lại nỗi đau quá lớn. Sau khi khống chế đám cháy, lực lượng chức năng ghi nhận có 32 người là khách và nhân viên quán tử vong.
Điểm lại những vụ cháy trong khoảng 5 năm trở lại đây dễ dàng nhận thấy: Các địa điểm, cơ sở kinh doanh như karaoke, vũ trường... lại là nơi hiểm họa cháy nổ xảy ra cực lớn. Một trong những nguyên nhân gây thiệt hại lớn về người khi xảy ra cháy quán karaoke là bởi đa số các cơ sở này là nhà ống nhiều tầng, lối đi chật hẹp, khó thoát nạn. Hầu hết quán karaoke còn gắn biển hiệu quảng cáo che kín toàn bộ mặt tiền tòa nhà. Việc này không chỉ gây khó khăn trong công tác chữa cháy mà còn bịt luôn lối thoát nạn của những người bên trong.
Tổng kiểm tra karaoke
Ngày 12-9, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị về công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) và sơ kết 5 năm thực hiện Nghị định 83/2017 quy định công tác cứu nạn, cứu hộ (CNCH) của lực lượng PCCC. Hội nghị kết nối trực tuyến tới tất cả các địa phương trên cả nước.
Báo cáo tại hội nghị, Thiếu tướng Nguyễn Văn Long - Thứ trưởng Bộ Công an cho biết: 5 năm qua, toàn quốc xảy ra 17.055 vụ cháy, làm chết 433 người, bị thương 790 người, thiệt hại tài sản ước trên 7.000 tỉ đồng và trên 7.500ha rừng; 149 vụ nổ, làm 64 người chết, 190 người bị thương, thiệt hại nhiều tỉ đồng. Địa bàn xảy ra cháy chủ yếu ở thành thị, khoảng trên 60%. Nguyên nhân là do sự cố về hệ thống, thiết bị điện, chiếm khoảng 45%. Qua tổng kiểm tra an toàn PCCC, CNCH, đã phát hiện trên 1,1 triệu tồn tại, thiếu sót; xử phạt gần 50.000 trường hợp với tổng số tiền 520 tỉ đồng; tạm đình chỉ 1.368 trường hợp, đình chỉ 1.013 trường hợp.
Bộ Công an đề nghị UBND các địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra, siết chặt công tác quản lý nhà nước về PCCC, kiên quyết thu hồi giấy phép, tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động của các cơ sở không đủ điều kiện về PCCC; xử lý nghiêm, kể cả pháp luật hình sự đối với các cơ sở kinh doanh không bảo đảm yêu cầu về PCCC, cố tình hoạt động để xảy ra các vụ cháy gây hậu quả nghiêm trọng.
Chủ tịch UBND T.P Hồ Chí Minh - Phan Văn Mãi cho biết: Sắp tới, thành phố sẽ tách Đội CNCH khỏi PCCC và triển khai PCCC cho các công trình ngầm, metro. Ông Phan Văn Mãi kiến nghị Chính phủ quan tâm đầu tư để tăng tính cơ động và hiệu quả PCCC trên địa bàn, kể cả trang bị trực thăng chữa cháy, tàu chữa cháy trên sông hoặc robot, người máy tham gia chữa cháy; tăng cường xe, thang và các phương tiện CNCH khác.
Phó chủ tịch UBND T.P Hà Nội - Lê Hồng Sơn cho biết: Hà Nội đã hoàn thành tổng kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, quán bar, vũ trường; xử lý nghiêm các vi phạm. Giám sát chặt chẽ các cơ sở đã bị tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động và yêu cầu chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã, phường, thị trấn, doanh nghiệp chịu trách nhiệm nếu xảy ra vi phạm. Hiện Hà Nội có trên 1.400 quán bar, vũ trường đang hoạt động. Toàn thành phố đã đình chỉ 326 trường hợp.
Nhằm tăng cường công tác quản lý về PCCC và CNCH, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo: "Xử lý trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương nếu để các cơ sở có nguy cơ cháy, nổ cao hoạt động khi chưa bảo đảm các điều kiện an toàn PCCC và khi xảy ra các vụ cháy gây hậu quả nghiêm trọng do thiếu lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát, thanh tra".
Võ Hóa