(Tiếp theo kỳ trước)
Đến công tác tại Cục Chính trị Quân khu 1 với cương vị là Phó chủ nhiệm Chính trị Quân khu; tôi vui mừng vì được sống và làm việc bên cạnh Thủ trưởng Bế Xuân Trường - “người thầy thực tiễn” của tôi từ 10 năm trước. Nhờ đó, tôi có điều kiện tham gia các hoạt động thực tiễn về chính trị - quân sự ở cấp Quân khu nên đã đúc kết cho mình những bài học kinh nghiệm sâu sắc và nó đã theo tôi lên giảng đường của Học viện Chính trị, của toàn quân và toàn quốc.
Trước hết, tôi học tập phương pháp tư duy biện chứng và cách “nhìn người giao việc” thấu tình, đạt lý, nhất là việc tạo môi trường thuận lợi cho cán bộ thực tế giữ chức vụ chỉ huy đơn vị của Thủ trưởng Bế Xuân Trường, giúp cán bộ vừa nắm chắc các kỹ năng của người lãnh đạo, chỉ huy cấp chiến dịch, chiến lược, vừa “phát huy tốt phẩm chất, tay nghề sư phạm” của một nhà giáo, làm cho hai công việc gắn bó, được thực hiện song hành; cán bộ rèn đức, luyện tài, hiện thực hóa phương châm “thầy giỏi thì trò giỏi”.
Gặp lại “người thầy thực tiễn”, Tư lệnh Bế Xuân Trường trên Quân khu 1, tôi hy vọng sẽ được học nhiều điều mới về phong cách lãnh đạo, chỉ huy của Thủ trưởng. Tôi tâm niệm: “Không giấu dốt” và nhờ Thủ trưởng bù đắp những mảng thiếu hụt về các mảng tri thức và phong cách chỉ huy; từ đó, san lấp các “khoảng trống” để làm phong phú hơn cuộc sống nhà giáo.
Với lòng biết ơn sâu sắc Quân đội và Nhân dân vì đã “ban thưởng” cho tôi một đặc ân là được gặp Thủ trưởng Bế Xuân Trường, được Thủ trưởng trực tiếp giao nhiệm vụ từ ngày “chân ướt chân ráo” tôi vừa đến Sư đoàn 3 - Sao Vàng. Quyết định của Thủ trưởng giao Trung đoàn 2 - An Lão “nhận khẩu tôi vào đội hình Trung đoàn với chức vụ Phó Chủ nhiệm Chính trị”. Sau đó, Thủ trưởng căn dặn tôi phải phát huy vai trò của một Tiến sĩ Triết học - Chủ nhiệm Bộ môn Khoa Triết học Học viện Chính trị vào việc nâng cao chất lượng công tác đảng, công tác chính trị trong thực hiện nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, nhất là tham mưu cho lãnh đạo, chỉ huy Trung đoàn 2 - An Lão đổi mới nâng cao chất lượng giáo dục chính trị phù hợp với đối tượng hạ sĩ quan, binh sĩ là con em đồng bào các dân tộc.
Đồng thời, giao nhiệm vụ cho tôi giúp cấp ủy, chỉ huy Trung đoàn 2 - An Lão chuẩn bị tốt các công việc chào mừng kỷ niệm 40 năm Ngày truyền thống Trung đoàn (...); tập trung nghiên cứu, biên soạn cuốn “Lịch sử Trung đoàn 2 - An Lão: 40 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành” để phục vụ ngày lễ. Sau khi hoàn thành công trình này, tôi lại được Thủ trưởng giao nhiệm vụ tham gia tư vấn, giúp bộ phận Lịch sử Quân sự của Sư đoàn 3 - Sao vàng xây dựng đề cương, viết bản thảo cuốn sách “Lịch sử Sư đoàn 3 Sao Vàng Anh hùng”.
Mong tôi tiến bộ, trưởng thành là điều sâu sắc mà Thủ trưởng Bế Xuân Trường dành cho tôi dù không nói ra nhưng luôn dặn tôi phải học “song hành hai bộ môn, gắn chặt nhà trường và đơn vị”. Hơn ai hết, Thủ trưởng là người biết rõ sau khi hoàn thành nhiệm vụ “học thực tế lãnh đạo, chỉ huy ở đơn vị”, tôi sẽ trở về Học viện Chính trị công tác trên cương vị là một nhà giáo. Thủ trưởng muốn tôi giữ mạch nguồn của nhà giáo, không bị đứt gẫy chỉ vì lý do rời xa giảng đường, học viên..
Vì vậy, lần thứ hai trở lại Quân khu, tôi đã được phân công tham gia thẩm định và hiệu đính cuốn sách Lịch sử Cục Chính trị Quân khu 1 và cuốn Lịch sử Lực lượng vũ trang Quân khu 1 do Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu chủ trì, tôi có điều kiện hiểu biết sâu hơn về các sự kiện lịch sử đã diễn ra ở Chiến khu Việt Bắc xưa.
Bài học sâu sắc thứ hai là học cách chuẩn bị và phương pháp phát biểu của Thủ trưởng Bế Xuân Trường để vận dụng phù hợp với từng đối tượng, cốt lõi là chọn lời nói ngắn gọn, rõ ràng, đi vào lòng người, chuyển được thông điệp đến người nghe trên các hội nghị và người học trên giảng đường với bài giảng hay, tự tin, lưu loát, có sức thuyết phục cao.
Ai đã từng nghe Thủ trưởng Bế Xuân Trường phát biểu dù là trên các hội nghị của Sư đoàn 3, Quân khu 1 cũng như phát biểu trên Hội trường Bộ Quốc phòng, Hội trường Quốc hội đều có chung nhận xét: Thủ trưởng phát biểu hay, thuyết phục, không đọc bài diễn văn viết sẵn mà phát biểu từ trái tim, bằng vốn sống, kinh nghiệm và nền tảng tri thức vững chắc của mình với ngôn ngữ chọn lọc, dễ nghe, dễ hiểu, dễ tiếp nhận; đặc biệt khi Thủ trưởng phát biểu, bao giờ quân dung cũng tươi tỉnh, luôn có nụ cười trên môi với ngữ điệu “nhấn nhá” giống như một nhà giáo sành nghề. Không ít người đã tấm tắc khen tài diễn thuyết, sự hùng biện và khiếu hài hước của Thủ trưởng.
Với một nhà giáo như tôi, việc làm chủ bài giảng, chọn cách tiếp cận và phương pháp cuốn hút người nghe đặc biệt có ý nghĩa. Vì thế, khi ra đơn vị công tác, lần đầu được nghe các bài phát biểu của Thủ trưởng Bế Xuân Trường ở Sư đoàn 3 - Sao Vàng, tôi thật sự “ngạc nhiên” và thích thú, đã đi tìm lời giải đáp về Thủ trưởng thông qua mọi người với việc liên hệ bản thân và nảy sinh nhiều ý tưởng mới là phải tiếp nhận bằng được phương pháp phát biểu của Thủ trưởng vào giảng dạy.
Sau này, qua tìm hiểu, tôi mới vỡ lẽ trong suốt quá trình đi học, từ phổ thông cho đến đại học, các học viện, nhà trường quân đội, Thủ trưởng đều tốt nghiệp loại xuất sắc; đã từng là lớp trưởng nhiều năm và tham gia công tác Đội, công tác Đoàn của Nhà trường. Khiếu ăn nói và phong thái ung dung của Thủ trưởng một phần do năng khiếu nhưng chủ yếu do Thủ trưởng dày công rèn luyện. Mỗi lần được phân công phát biểu, Thủ trưởng đã dành thời gian nghiên cứu tài liệu, tự chuẩn bị kỹ từng bài phát biểu với sự công phu, nghiêm túc, ngay cả khi có bài chuẩn bị của cơ quan, Thủ trưởng vẫn tự mình nghiên cứu, xây dựng lại kết cấu và chuẩn bị tâm thế cho bài phát biểu, nhất là việc tìm hiểu kỹ đối tượng cần nói là ai và họ cần nghe những điều gì để chọn phương pháp tiếp cận và sử dụng ngôn ngữ phù hợp. Đây chính là bí kíp thành công của Thủ trưởng.
Tôi đã học cách tiếp cận này và đem nó về Học viện, giữ nó như một báu vật, là tài sản riêng, đã lan tỏa nó cho cán bộ, giảng viên trong Khoa Triết học, Học viện Chính trị. Từ đây, từng bài giảng của tôi đều được chuẩn bị theo phong cách mà Thủ trưởng truyền cho trên cơ sở tích hợp, làm mới bài giảng của mình, tự xây dựng phong cách riêng: Giảng đúng điều người học cần chứ không phải giảng những điều mình có.
Học tập phương pháp của Thủ trưởng Bế Xuân Trường, tôi đã rút ra công thức riêng để soạn và giảng bài; chính nó đã giúp tôi thành công, đó là: “Đọc, đọc, đọc, đọc thật kỹ! Suy nghĩ, suy nghĩ, suy nghĩ, suy nghĩ thật sâu! Viết đi viết lại, viết đi viết lại và viết đi viết lại đến khi thuộc bài, rồi đứng trước gương giảng lần 1, lần 2, lần 3... đến lần “n”, cho đến khi nhuần nhuyễn nội dung, hình thức và phương pháp thì “mở máy nói” công diễn. Vì vậy, các lần bầu giảng viên giỏi cấp Bộ, Nhà giáo Ưu tú, Nhà giáo Nhân dân tôi đều đạt số phiếu cao. Đó là sự ghi nhận của đồng nghiệp và các thế hệ học viên “ban thưởng” cho tôi.
(Còn nữa)
1 Uỷ viên Hội đồng Lý luận T.Ư, Phụ trách Nhóm Chuyên gia 35 Quân ủy T.Ư, Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Xã hội Nhân văn quân sự Bộ Quốc phòng.