Tác phẩm “Dòng sông bên chùa” của nhà văn Nguyễn Quốc Trung.

Hai năm rồi kể từ ngày Đại tá, nhà văn Nguyễn Quốc Trung mất vì dịch Covid-19, trong tôi lại hiện về những ký ức về anh; một người anh, người bạn, người đồng hương kính quý, tài năng và tốt bụng.

Nhà văn Nguyễn Quốc Trung với tôi vừa như một người thầy, vừa như một người anh thân thiết. Cùng quê hương và lập nghiệp ở T.P Hồ Chí Minh, cơ duyên và nghề nghiệp đã cho tôi may mắn được gặp anh, kết giao. Từ anh, tôi học được nhiều điều về chuyện văn chương. Anh cũng chính là người đã gửi bản thảo truyện ngắn của tôi cho báo Người đại biểu nhân dân - cơ quan của Quốc hội Việt Nam và Hội đồng Nhân dân, được báo này đăng tải.

Anh là người bận rộn nên chúng tôi cũng không có nhiều thời gian gặp nhau. Khi anh mất trong dịch Covid-19, tôi cũng chỉ biết tin qua những bậc tiền bối trong nghề văn báo tin. 2 năm rồi, anh đã ra đi, tôi ngồi nhớ lại vài ký ức về anh, từ buổi đầu tôi được gặp anh.

Hơn 10 năm trước, tôi đi thực tế ở Củ Chi cùng Đoàn nhà văn của Hội Nhà văn T.P Hồ Chí Minh theo diện tác giả trẻ. Đại diện cho Đoàn nhà văn của Hội có các anh Phan Hoàng, Phan Trung Thành, chị Thu Trân...

Xuống Củ Chi, chúng tôi đi thăm địa đạo, đền bến Dược... Trong khu rừng ở khu địa đạo, tôi gặp một ông già tầm ngoài 65 tuổi, dáng thấp đậm, tóc điểm bạc gương mặt phúc hậu. Ông nói giọng miền Nam ấm áp, mãi sau tôi mới biết đó là nhà thơ Hoài Vũ - tác giả bài thơ và lời ca khúc “Vàm Cỏ Đông” nổi tiếng (sau này bài “Chia tay hoàng hôn” của nhạc sĩ Thuận Yến cũng phổ từ thơ ông).

Đi bên cạnh ông lúc đó là một người đàn ông khoảng 50 tuổi cao và gầy khẳng khiu da đen, nói giọng miền Trung. Gương mặt hiền khắc khổ và kín đáo giấu chút suy tư. Chính cái chất giọng của anh đã làm tôi chú ý tới họ. Tôi nhận ra giọng quen quen của đồng hương nên lân la đến hỏi thăm.

Hóa ra chúng tôi cùng quê Hà Tĩnh. Anh nói tên anh Nguyễn Quốc Trung - thuộc Văn phòng đại diện Tạp chí Văn nghệ quân đội ở quận 3, T.P Hồ Chí Minh. Lúc đó anh không mặc quân phục nên tôi không biết anh cấp hàm gì, cũng thấy không cần hỏi. Chúng tôi nói vài câu qua loa. Tôi nói em đang làm cho báo Đ. Anh hỏi thăm về công việc của tôi ở đó. Anh cho tôi số điện thoại hẹn đến cơ quan anh chơi. Tôi cảm ơn và hẹn sẽ xin gặp anh.

Vài ngày sau chuyến đi đó, tôi gọi cho anh, anh hẹn đến quán cà phê gần cơ quan anh. Khi tôi đến đó ngồi một lúc thì anh đi đến. Tôi mang theo mấy tờ báo nhà có đăng bài của tôi để tặng anh. Anh xem qua rồi nói giỏi, viết lấp kín cả trang vậy không dễ!...

Lần này anh mặc quân phục nhưng cảm giác thân thiện dễ gần ở anh khiến câu chuyện giữa chúng tôi cởi mở và kéo dài hơn. Chúng tôi nói về văn chương và vài câu chuyện phiếm rồi anh mời tôi đi ăn trưa. Anh bảo anh không nhậu mà tôi cũng ít uống bia, rượu, thế là hai anh em tìm quán mì Quảng gần đó.

Sau lần đó, thỉnh thoảng tôi có gọi điện hỏi thăm anh và nói xin được viết về anh để đăng trên báo nhà. Anh đồng ý, nên tôi có được bài viết giới thiệu về anh. Khi báo ra, tôi gọi điện cho anh, anh hẹn tôi ghé chơi. Tôi đến chỗ hẹn mang tờ báo tặng anh. Anh cảm ơn rồi đọc chăm chú.

Bài viết dài nguyên trang A3 đăng 2 ảnh của anh do anh chọn gửi cho tôi, 1 ảnh chân dung và 1 ảnh anh mặc quân phục cười tươi ngồi giữa các em bé người dân tộc thiểu số hình như ở Tây Nguyên. Xem xong, trên gương mặt khắc kỷ của anh thoáng hiện ra một nụ cười. Anh bảo bài viết ổn lắm, tốt. Em chọn ảnh khéo.

Chúng tôi nói vài câu chuyện phiếm. Anh chợt hỏi tôi có sáng tác gì không gửi qua email cho anh xem. Tôi hứa sẽ gửi cho anh. Rồi chúng tôi đi ăn trưa và chia tay. Sau này tôi có gửi một số truyện ngắn cho anh, trong đó có truyện ngắn được đổi tên là “Giấc mơ” đăng hai kỳ trên báo “Người đại biểu nhân dân”.

Bẵng đi một thời gian, tôi bị mất liên lạc với anh. Thế rồi vào ngày 10-9-2021, tôi biết tin anh Quốc Trung mất, khi xem facebook của nhà văn Bích Ngân và nhiều nhà văn, nhà báo tôi quen biết. Anh ra đi đột ngột vì bị Covid-19! Tôi lặng người đi không tin nổi! Thật buồn lòng quá! Dịch bệnh nên tôi không thể đến thắp nén hương tiễn biệt anh được! Khi anh mất, niềm xúc động khiến tôi viết vài câu thơ tiễn biệt anh:

Nhớ lại

(Thương tiếc anh, Đại tá, nhà văn Nguyễn Quốc Trung!)

"Biên giới", "Thời chúng mình yêu nhau"

"Trong tiết thanh minh" xanh biếc

Những hò hẹn giấu vào đáy mắt

Đất nước chiến chinh đôi lứa chia ly

Những người trai bước vào trận mạc...

"Đêm trừ tịch", "Bên rừng thốt nốt"

Nhớ máu người Việt đổ giải phóng cho nước bạn

"Người trong cõi người" mơ tình nhân ái xóa biên cương

Ôi "Người đàn bà hồn nhiên" một thời

Thành "Người đàn bà khóc mướn"

"Dòng sông bên chùa" lặng lẽ trôi…

(Những từ đặt trong ngoặc kép là tên các tác phẩm của nhà văn Nguyễn Quốc Trung).

Nhà văn Nguyễn Quốc Trung sinh năm 1956 tại xã Sơn Ninh (Hương Sơn, Hà Tĩnh). Ông học hết phổ thông rồi gia nhập Quân đội, rời quê hương vào chiến trường từ năm 1974. Nguyễn Quốc Trung là người lính thuộc Sư đoàn 341 chủ lực do Tư lệnh Trần Văn Trân chỉ huy tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh mùa xuân năm 1975.
Truyện “Những tia chớp phía chân trời” của nhà văn Nguyễn Quốc Trung được trao giải nhất cuộc thi truyện ngắn của báo Sài Gòn giải phóng năm 1982. Ông còn đoạt giải thưởng văn học của Đài Tiếng nói Việt Nam, báo Văn nghệ (Hội Nhà văn Việt Nam), Bộ Quốc phòng và giải Mê Kông. Các tiểu thuyết: “Biên giới”, “Bên rừng thốt nốt”, “Thời chúng mình yêu nhau”, “Người trong cõi người”, “Đất không đổi màu”; và 5 tập truyện ngắn: “Người đàn bà hồn nhiên”, “Trong tiết thanh minh”, “Đêm trừ tịch”, “Người đến từ nước Mỹ”, “Cô gái tính nhảy cầu Rạch Miễu”đều thu hút độc giả và bạn văn. Tác phẩm gần đây của ông được bạn văn biết đến là tiểu thuyết “Dòng sông bên chùa” (NXB Văn học, 2019).

Nguyễn Văn Thịnh