Một điểm tái định cư ở xã A Nông, huyện Tây Giang (Quảng Nam).
Dự án khu nghỉ dưỡng cao cấp được Công ty cổ phần Ðầu tư xây dựng Việt Sip xây dựng trên diện tích khoảng 50.000m2 tại xã Atiêng, với 75 căn biệt thự theo kiểu nhà truyền thống, tổng vốn đầu tư 188 tỷ đồng. Đồng thời, Tây Giang chọn ngọn đồi ở trung tâm huyện để phục dựng ngôi làng cổ, vừa làm “Mái nhà chung” cho đồng bào Cơ Tu nhằm giới thiệu, lưu giữ bản sắc văn hóa truyền thống đến du khách. Việc khôi phục làng truyền thống Cơ Tu gồm các làng: Pơr'ning (xã Lăng), Tà Vàng (xã Atiêng), nhà Gươl, nhà Mool, nhà Dài mang nét kiến trúc đặc trưng của đồng bào Cơ Tu, điều này làm cho du khách cảm nhận sự chân tình, hiếu khách, nồng hậu của những con người nơi đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ với những ché rượu cần, rượu sắn bên bếp lửa rực hồng…
*“Biển mây” Tây Giang.
*
Huyện miền núi Tây Giang không chỉ có những khu rừng nguyên sinh mà còn nhiều nơi có cảnh quan thiên nhiên đẹp như con thác Ra-ai dựng đứng, hùng vĩ, chảy từ đỉnh A Rùng ngày đêm tung bọt trắng xóa; nét hoang sơ dần hiện ra với “cổng trời” A zứt đầy thơ mộng và đỉnh Quế với độ cao 1.369m so với mực nước biển, quanh năm mây mù bao phủ, dường như chỉ cần vươn tay ra là có thể chạm đến mây, đến trời. Đặc biệt người dân nơi đây còn giữ nguyên vẹn các phong tục, tập quán, lễ hội, trang phục, nhạc cụ… của dân tộc mình. Ðây chính là những tiềm năng lớn cho phát triển du lịch địa phương.
Những năm qua, huyện Tây Giang luôn quan tâm phát triển du lịch, phấn đấu đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. Các điểm du lịch sinh thái được xây dựng như: Pơr’ning, khu dân cư Arớch (xã Lăng), Azứt (xã Bha Lêê), Arầng I (xã A Xan), làng truyền thống Cơ Tu tại trung tâm huyện sẽ tạo dấu ấn riêng cho du lịch Tây Giang ngày càng phát triển.
Thúy Hương