Các CCB tại phiên tòa xét xử sơ thẩm (lần 3) bị hoãn ngày 4-7-2025.

Sáng 4-7, Tòa án nhân dân (TAND) Khu vực 6 (Lâm Đồng), mở phiên xét xử sơ thẩm vụ án hình sự (lần 3), xảy ra từ năm 2015 đối với 6 bị can (ban đầu là 7 bị can, nhưng bị can Đoàn Xuân Trường đã chết trong giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm (lần 1), nên TAND thành phố Gia Nghĩa trước đây đã có Quyết định số 01/2017/HSST, ngày 29-8-2017 đình chỉ vụ án đối với bị can), gồm: Đỗ Mạnh Hùng, sinh năm 1962; Ngân Xuân Dũng, sinh năm 1960; Vũ Tất Đắc, sinh năm 1953; Hoàng Văn Sằn, sinh năm 1957; Nguyễn Nam Thái, sinh năm 1967; và Cao Minh Điến, sinh năm 1968 cùng trú tại thôn 6, xã Trường Xuân về tội “hủy hoại rừng”, theo khoản 1 Điều 189 Bộ luật Hình sự năm 1999. Thẩm phán Mai Đoàn Minh Hương, Chủ tọa phiên xét xử. Tuy nhiên, xét thấy phiên tòa thiếu một số nhân chứng quan trọng, trong đó có giám định viên và nguyên đơn dân sự, nên Hội đồng xét xử đã quyết định hoãn phiên tòa. Đây là lần thứ 3, phiên xét xử sơ thẩm vụ án hình sự (lần 3) này bị hoãn.

Các CCB và Luật sư tại phiên tòa xét xử sơ thẩm (lần 3) bị hoãn ngày 4-7-2025.

Vụ án này, Báo CCB Việt Nam đã phản ánh trong bài: Từ dọn đất được giao để “trồng keo”…đến bị kết tội “hủy hoại rừng”, số báo ra ngày 19-2-2025, của tác giả Thành Nam; Và bài: “Kỳ vọng phán quyết công minh”, số báo ra ngày 8-6-2025, của tác giả Kiều Bình Định.

Cần khẳng định lại lần nữa, sở dĩ vụ án kéo dài hơn 10 năm, và dẫn tới phiên xét xử sơ thẩm (lần 3), là do ngay trong quá trình bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, cũng nhưng khi đã thi hành xong án tù giam và bồi thường đủ khoản tiền thiệt hại về rừng như phán quyết tại Bản án phúc thẩm số 117/2017/HS-PT, ngày 14, 15-12-2017 của TAND Đắk Nông, cả 6 CCB luôn kêu oan,  kháng án. Trên cơ sở kháng án của các CCB, ngày 18-5-2020, Ủy ban Thẩm phán TAND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh đã ban hành Quyết định giám đốc thẩm số 16/2020/HS-GĐT hủy toàn bộ Bản án phúc thẩm số 117/2017/HS-PT, ngày 14, 15-12-2017 của TAND tỉnh Đắk Nông và Bản án sơ thẩm số 45/2017/HS-ST ngày 12-9-2017 của TAND thành phố Gia Nghĩa để điều tra lại. Vì xét thấy trong vụ án này, Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm xác định các bị cáo phạm tội “hủy hoại rừng” là chưa đủ căn cứ.

         Vụ việc tóm tắt như sau: Vào năm 2008, UBND xã Trường Xuân, huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông giao 21 ha đất rừng tại khu vực Đắk Nhu thuộc thôn 6, xã Trường Xuân cho cán bộ, hội viên Chi hội CCB thôn 6, xã Trường Xuân quản lý, bảo vệ. Đến cuối năm 2014, diện tích này bị lấn chiếm, chỉ còn lại 3 ha. Ngày 17-12-2014, Chi hội CCB thôn 6 họp thống nhất phát dọn 3 ha đất rừng để trồng keo gây quỹ hội. Trong các ngày 24, 25-1-2015 và 19, 20-4-2015, hội viên CCB tiến hành phát dọn đất thì bị Công an Gia Nghĩa “bắt quả tang”; sau đó bị truy tố, kết án 6-7 tháng tù giam về tội “hủy hoại rừng” và bồi thường thiệt hại tổng cộng 42.708.146 đồng.

Đại tá Nguyễn Thái Bình, Phó trưởng Ban Kiểm tra – Pháp luật (Hội CCB Việt Nam) động viên 6 CCB.

         Trong khi chờ phiên xét xử sơ thẩm (lần 3) được TAND Khu vực 6 mở lại trong thời gian tới, trên cơ sở nội dung Kết luận điều tra số 95/CQĐT-ĐCSHS, ngày 11-11-2022 của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Gia Nghĩa; và Cáo trạng số 32/CT-VKS-GN, ngày 28-4-2025 của Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) thành phố Gia Nghĩa (Đắk Nông) - nay là VKSND Khu vực 6 (Lâm Đồng), các CCB, Luật sư và người bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho các bị cáo đều có lập luận phản bác, và khẳng định các cơ quan tố tụng hình sự Khu vực 6 quá “Thiếu căn cứ để buộc tội hủy hoại rừng đối với 6 bị cáo là CCB!”.

Luật sư Nguyễn Thanh Huy (bên trái), Văn phòng luật sư Nguyễn Thanh Huy trao đổi với báo chí.

Đại tá Nguyễn Thái Bình, Phó trưởng Ban Kiểm tra – Pháp luật (Hội CCB Việt Nam), được sự phân công của Trung ương Hội CCB Việt Nam với tư cách là bào chữa viên nhân dân cho rằng: “Bản Kết luận điều tra số 95/CQĐT-ĐCSHS, ngày 11-11-2022 của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Gia Nghĩa sử dụng kết quả khám nghiệm hiện trường theo Biên bản khám nghiệm hiện trường ngày 21-4-2015 của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Gia Nghĩa; và Kết luận Giám định ngày 24-4-2015 của giám định viên Huỳnh Văn Triệu thuộc Hạt kiểm lâm Gia Nghĩa là những căn cứ chính để buộc tội các bị cáo đã có hành vi “hủy hoại rừng” với diện tích 0,98 ha, tại Lô 3, Lô 6, Khoảnh 1, Tiểu khu 1710 do Xí nghiệp lâm nghiệp Nghĩa Tín quản lý. Tuy nhiên, cả 2 văn bản này đều vi phạm nghiêm trọng về trình tự, thủ tục tố tụng hình sự như khẳng định của Ủy ban Thẩm phán TAND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh tại Quyết định giám đốc thẩm số 16/2020/HS-GĐT, ngày 18-5-2020.”. Phó trưởng Ban Kiểm tra – Pháp luật Nguyễn Thanh Bình còn khẳng định: Tội hủy hoại rừng theo quy định tại Điều 189 Bộ luật Hình sự năm 1999 là một tội danh có cấu thành vật chất, cần phải định lượng được diện tích rừng, khối lượng gỗ bị thiệt hại. Trong khi ở vụ án này là “bắt quả tang” vi phạm tại hiện trường, và giám định khối lượng gỗ bị thiệt hại lên tới hơn 64 m2, nhưng các cơ quan tố trụng hình sự thành phố Gia Nghĩa (Đắk Nông) trước đây, nay Khu vực 6 (Lâm Đồng) lại không thu được tấc gỗ nào làm vật chứng. Cũng không có bản ảnh ghi nhận sự thiệt hại về diện tích rừng, cây rừng nào(!).

Luật sư Nguyễn Thị Kim Vinh (bên trái), Công ty Luật TNHH TNJ trả lời phỏng vấn báo chí.

Luật sư Nguyễn Thanh Huy, Văn phòng luật sư Nguyễn Thanh Huy (Đoàn Luật sư tỉnh Lâm Đồng) phân tích rõ hơn: Để tiến hành phiên xét xử sơ thẩm (lần 3) được mở lại tới đây, ngày 21-10-2021, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Gia Nghĩa ban hành Quyết định trưng cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giám định lại. Và Hội đồng giám định tư pháp thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kết luận: “Thiếu căn cứ về hệ thống số liệu của các Biên bản hiện trường, không có ảnh vệ tinh nên không thể giám định được ranh giới diện tích rừng, trạng thái rừng bị thiệt hại tại các Lô 3, Lô 6, Khoảnh 1, Tiểu khu 1710.”. Như vậy, đủ căn cứ để Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) Khu vực 6 đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can theo quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 230, Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015. Vì không chứng minh được hành vi phạm tội của các bị can thì mới đảm bảo đúng quy định.

Hội đồng xét xử tuyên hoãn phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án hình sự (lần 3) ngày 4-7-2025.

Tham gia bào chữa cho các bị cáo là CCB suốt chặng đường hơn 10 năm qua, Luật sư Nguyễn Thị Kim Vinh, Công ty Luật TNHH TNJ (Đoàn Luật sư thành phố Hồ Chí Minh) nêu luận cứ: Các cơ quan tố tụng hình sự Khu vự 6 điều tra, truy tố, xét xử các CCB theo tội danh “Hủy hoại rừng” theo quy định tại Khoản 1 Điều 189 Bộ luật Hình sự 1999 là hoàn toàn không có căn cứ. Bởi lẽ, các cơ quan tiến hành tố tụng vẫn chưa chứng minh được rừng nhóm CCB khai phá có phải là rừng hay không, cũng như cho đến nay vẫn không thực hiện được các công tác kiểm đếm, xác định diện tích rừng thiệt hại và xác định mức độ thiệt hại theo hướng dẫn của Quyết định Giám đốc thẩm số 16/2020/HS-GĐT, ngày 18-5-2020, của Ủy ban Thẩm phán TAND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh. Mà vẫn tiếp tục căn cứ vào kết luận giám định của ông Huỳnh Văn Triệu, dựa trên Quyết định số 1578/QĐ-UBND, ngày 4-10-2013 của UBND tỉnh Đắk Nông (cũ) về ban hành quy định chi tiết giá rừng bình quân của các loại rừng trên địa bàn tỉnh Đắk Nông tính trên đơn vị m2 để nhân với 0,98 ha, cho ra giá trị 53.658.953 đồng là không có cơ sở, và không đúng quy định pháp luật. Theo tôi hành vi của các CCB chỉ sai phạm ở mức xử phạt hành chính. Hội đồng xét xử sơ thẩm hình sự (lần 3) được mở lại tới đây cần áp dụng quy định tại Khoản 1 Điều 189 Bộ Luật hình sự 1999; khoản 2 Điều 157, Điều 298 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 tuyên các CCB không phạm tội “Hủy hoại rừng”; đồng thời tuyên hoàn trả cho các CCB khoản tiền các CCB khắc phục hậu quả không đúng quy định!”.

Bài và ảnh: KIỀU BÌNH ĐỊNH