Miền Tây Nam Bộ, trong đó có Cà Mau đang những ngày nắng nóng, oi bức. Cà Mau là tỉnh duy nhất của Việt Nam ba mặt giáp biển; vừa được ngắm bình minh, vừa được ngắm hoàng hôn đều từ phía biển. Thế nhưng, cữ này không dễ chịu.
Sau một hành trình vất vả, bởi lạc đường, “hoa tiêu” trên xe không theo Google Map, “thổ công” nghiệp dư cũng sai đường, thế nhưng rồi chúng tôi vẫn trườn được đến Vườn Quốc gia U Minh Hạ. Đó là một ngày cuối tháng 4. Khi đến, trời lắc rắc mưa. Trời cho vài hạt mưa, báo hiệu điều may mắn. Cả khu điều hành của Vườn Quốc gia U Minh Hạ rộng rãi, nhiều lúc gió thổi ràn rạt.
Vườn Quốc gia U Minh Hạ, U Minh Thượng là những cái tên nhắc đến ai cũng mơ ước được đến một lần trong đời. Bởi đây không những là những cánh rừng ngập mặn nổi tiếng; còn là nơi chứa đựng trong lòng nó những sự kiện lịch sử hào hùng. Và nữa, ai chưa từng xem tác phẩm “Đất rừng phương Nam” của nhà văn Đoàn Giỏi và bộ phim cùng tên của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng? U Minh Hạ, vì thế vừa là sinh thái, vừa là lịch sử, vừa là văn hóa. U Minh Thượng tít bên tỉnh Kiên Giang. U Minh Hạ đang trước mặt chúng tôi.
Trước đây, U Minh Hạ có tên là Vồ Dơi. Tôi nghĩ chắc là nhiều dơi dữ? Trong tiếng Việt “vồ” là động từ, có nghĩa là đi rình, bắt dơi chăng? 17 năm trước, ngày 20-1-2006, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 112/QĐ-TTg về việc chuyển Khu bảo tồn thiên nhiên Vồ Dơi thành Vườn Quốc gia U Minh Hạ. Khu vực quản lý của Vườn có tổng diện tích 8.256ha nằm trên địa bàn các xã Khánh Lâm, Khánh An thuộc huyện U Minh và các xã Trần Hợi, Khánh Bình Tây Bắc thuộc huyện Trần Văn Thời. Trong đó, có 2.500ha ở “chế độ” bảo vệ nghiêm ngặt.
Bao bọc Vườn Quốc gia U Minh Hạ có hơn 25.000ha vùng đệm thuộc Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp U Minh Hạ, Trại giam K1 Cái Tàu và Trung tâm nghiên cứu ứng dụng rừng ngập Minh Hải. Khi chúng tôi đi, do nhầm đường nên xe có vòng qua con đường trước Trại giam K1. May quá, gặp một Thiếu tá công an để hỏi. Tôi chỉ quan sát trên xe, qua cửa, vì ngồi cuối xe, không nhìn được tên vị Thiếu tá gắn trên nắp túi áo.
U Minh Hạ là khu vực có hệ động thực vật đặc trưng vùng đất ngập nước trên lớp than bùn do xác thực vật tích tụ lâu năm tạo thành. Thực vật đặc hữu ở đây là các loài: tràm, móp, năn, sậy, choại... Động vật đặc trưng có nhiều loại như rái cá lông mũi, tê tê, nai, khỉ đuôi dài, lợn rừng, rùa, rắn, trăn, các loại cá nước ngọt, chim, côn trùng... Trong các loài này, ‘nguy nhất” là rái cá, bởi các cậu chén cá không biết giới hạn.
U Minh Hạ hiện nay là một trong hai vườn Quốc gia tại tỉnh Cà Mau. Cách đây 14 năm, ngày 26-5-2009, cùng với Cù Lao Chàm - Quảng Nam, Vườn quốc gia Mũi Cà Mau và U Minh Hạ được UNESCO đưa vào danh sách các khu dự trữ sinh quyển của thế giới. Có lẽ vì thế, trụ sở của Ban Quản lý Vườn được đầu tư, xây dựng khang trang, có chòi quan sát cao ngang 7 tầng nhà, có thang máy đến đỉnh chòi. Thường thế, cơ ngơi, liên quan đến phận sự.
Theo Giám đốc Trần Công Hoằng, Vườn với tư cách là đơn vị hành chính sự nghiệp thành lập theo quyết định và trực thuộc UBND tỉnh còn có nhiệm vụ bảo tồn, tái tạo các giá trị về cảnh quan thiên nhiên, môi trường sinh thái và đa dạng sinh học của hệ sinh thái đất ngập nước đặc thù, rừng tràm trên đất than bùn; bảo tồn và phát triển nguồn gen các loài động thực vật quý, các giá trị văn hóa, tinh thần, di tích lịch sử, phục vụ công tác nghiên cứu khoa học, tham quan và phát triển du lịch.
Trần Văn Hoằng mới được bổ nhiệm hơn một năm nay. Trước đây, anh là Hạt trưởng Kiểm lâm U Minh. Hoằng bảo, trước đây làm Hạt trưởng, chỉ làm công việc thừa hành theo pháp luật; “giờ sang đây, nhiều việc quá à?”. Tất nhiên rồi, làm quản lý Vườn, nhiệm vụ rộng lớn hơn. Vườn Quốc gia U Minh hạ có 79 biên chế, trong đó có 65 viên chức và 14 hợp đồng lao động, thuộc 14 tổ công tác khác nhau.
Thời điểm này đang là cao điểm của mùa khô, các dòng kinh trong Vườn đang cạn nước. Linh là tài công lái vỏ lãi đưa chúng tôi đi một vòng trong khu vực lõi của U Minh Hạ. Vỏ lãi, còn gọi là vỏ tắc ráng hay vỏ vọt, là tên một loại thuyền máy, hoặc xuồng, ghe nhỏ và dài hình thoi, thường làm bằng gỗ và gắn thêm máy...
Ngày xưa tôi đi sang xã Hòa Thành của T.P Cà Mau bằng vỏ lãi gỗ. Thời nay, vỏ lãi đều bằng vật liệu composite, cốt sợi thủy tinh nhập khẩu có độ bền cao, chống ăn mòn, chống mối mọt, không bị thấm nước. Linh làm việc ở U Minh Hạ đã 14 năm, có vợ và hai con. Linh chăm chú công việc của một tài công thuần thục. Chiếc lần của máy được Linh đưa xuống nước nhẹ nhàng. Tay kia khởi động máy. Chiếc lãi rung rung chuyển động, lướt trên mặt kinh.
- Có phải do mùa khô, không mưa và nước kinh không luân chuyển mà ô nhiễm? - Tôi hỏi Linh khi thấy nước sền sệt, màu nâu đỏ cuộn lên mỗi khi vỏ lãi trườn qua.
- Không phải đâu. Cá ở dưới đầy nhóc à? Linh trả lời, hiền lành.
Tất nhiên, tôi cũng đủ hiểu, kinh còn do lá cây tràm rụng xuống lâu ngày, lớp bùn châu thổ dày đặc. Sau này tìm hiểu thêm, tôi biết U Minh Hạ giàu có bởi trữ lượng than bùn. Theo Liên đoàn Bản đồ địa chất miền Nam, thuộc Cục Ðịa chất khoáng sản Việt Nam, U Minh Hạ có khoảng 13 triệu tấn than bùn, với giá trị kinh tế hàng nghìn tỷ đồng. Than bùn là nguồn tài nguyên tự nhiên, không tái tạo, có giá trị kinh tế cao, đặc biệt quý hiếm và cần được bảo tồn. Như vậy, Vườn Quốc gia U Minh Hạ không chỉ bảo vệ tài sản trên đất, thảm thực - động vật, mà còn bảo vệ hàng nghìn tỷ đồng dưới đất. Nếu không bảo vệ được rừng, nhỡ xảy ra cháy rừng thì than bùn sẽ bị cháy theo, từ đó trữ lượng giảm.
- Hiện trong vùng đệm có bao nhiêu dân? - Tôi hỏi Trần Văn Hoằng.
- Dạ anh, khoảng 4.000 hộ, sống ở vùng đệm của rừng.
Bảo vệ rừng không chỉ là nhiệm vụ của Ban Quản lý vườn. Tai họa cháy, ngoài những rủi ro từ tự nhiên, chủ yếu do con người. Do vậy, bài toán bảo vệ rừng, từ lâu rồi đã phải giải quyết vấn đề đời sống, công ăn việc làm của người dân vùng đệm. Khi chúng tôi chuẩn bị vào Vườn Quốc gia U Minh Hạ, anh Sáu Đức, nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Giao thông vận tải, nay là Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật Cầu đường Việt Nam đã nhắc: “Ông nào nghiện thuốc thì tranh thủ hút đi. Vào Vườn không được hút đâu nghe”. Cấm tiệt lửa, bởi “bà hỏa” có thể đến từ một bất trắc.
- Theo anh thì khó khăn nhất hiện nay của Vườn là gì? - Tôi hỏi Trần Văn Hoằng.
- Nhiều thứ lắm anh. Anh em đời sống vất vả quá. - Hoằng trả lời.
Tôi hiểu để thực hiện nhiệm vụ được giao, có nhiều việc phải quan tâm nhưng Hoằng chọn câu trả lời về phía con người. Lương cơ sở dù đã được tăng lên 1,8 triệu đồng/tháng, kể từ ngày 1-7-2023 theo Nghị quyết của Quốc hội nhưng vẫn không bõ bèn gì. Câu chuyện lương, quyết định thu hút, giữ chân nhân lực, không chỉ là đời sống mà cả tâm tư, tình cảm. Về vĩ mô, chúng ta vẫn lúng túng với cải cách tiền lương, nhiều năm qua.
Giám đốc Trần Văn Hoằng cho biết, không nhiệm vụ, Vườn được phép tổ chức các hoạt động du lịch sinh thái. “Bọn em đang xây dựng Đề án, sẽ phối hợp với các đơn vị khai thác du lịch để làm”, Hoằng chia sẻ. Là người đi nhiều nơi, tôi chia sẻ với Trần Văn Hoằng những kinh nghiệm về chuỗi giá trị trong kinh tế du lịch, nhất là ở thời “chuyển đổi số”. “Bọn em tính cả rồi, đang tính để làm” - Hoằng phấn chấn.
U Minh Hạ từng được biết đến như cái nôi, là căn cứ địa cách mạng trong hai thời kỳ kháng chiến. Nơi đây một thời từng là đại bản doanh của Xứ ủy, Khu ủy Nam Bộ, là căn cứ vững chắc để tập hợp và xây dựng lực lượng cho các cuộc cách mạng. Nói không ngoa, U Minh Hạ cũng là một “địa chỉ đỏ”, tham gia vào việc giáo dục truyền thống, lòng yêu nước. Sự phong phú về sản vật của vùng đất U Minh, tất nhiên sẽ tạo cho khách du lịch thích thú muốn khám phá. Thật may, những con đường trên bộ, đúng nghĩa “giao thông đi trước một bước”, nay đã có thể đưa du khách đến cửa rừng một cách thuận lợi, nhanh chóng.
Chúng tôi chia tay U Minh Hạ nhiều cảm xúc, vẹn nguyên mơ ước. U Minh Hạ phải được đánh thức.
Ký của Ngô Đức Hành