Thào A Lừ (bên trái) cho cá ăn trong ao nhà mình.
CCB Thào A Lừ, thuộc Chi hội CCB thôn Phiêng Bung, xã Mường Báng (Điện Biên) đi bộ đội về nhà có 2ha ruộng nương để trồng ngô và trồng lúa.
Lừ chăm chỉ canh tác. Hai loại cây lương thực này tuy thiết thực, nhưng cứ sau mỗi vụ lại thấy cây cằn cỗi đi, thu nhập ngày càng kém, thậm chí có vụ không đủ công chăm bón.
Đã có không ít đêm Lừ trằn trọc nghĩ hướng thay đổi cây trồng cho phù hợp với thổ nhưỡng xem sao, nhưng “lực bất tòng tâm”, nên vẫn chọn chỗ đất bằng đắp bờ trồng lúa; chỗ đất dốc thì trồng ngô…
Mãi cho đến năm 2014 có chút vốn, lại được sự động viên của mọi người, nhất là Chị hội CCB thôn Phiêng Bung còn khích lệ hứa sẽ tôn Lừ lên là “Hội viên tiên phong thay đổi cây trồng”.
Như cờ gặp gió, Lừ quyết bỏ cả cây lúa và cây ngô để trồng bạch đàn, loại cây dễ trồng, dễ chăm bón, giống cây lại rẻ, rất phù hợp với những người có đất đồi để canh tác, nhưng ít vốn như Lừ.
Cây bạch đàn đương nhiên là không ăn được ngay như hạt cây lúa, cây ngô. Nhưng rõ ràng mới sau 2 năm trồng mà bạch đàn đã nhìn thấy “lãi đơn, lãi kép” - thân cây có thể bán ngay cho nhà máy giấy, lá để chiết suất tinh dầu…
Không chỉ “tai nghe” mà còn được “mắt thấy, tay sờ” nên dân làng ai nấy đều vui. Nhất là bà Nguyễn Thị Tuyết - Chủ tịch Hội CCB xã Mường Báng. Bà báo cáo lên cấp trên và quyết định thông qua Hội tín chấp, cho Thào A Lừ vay 30 triệu đồng từ Chương trình Tín dụng thuộc Ngân hàng CSXH.
Khỏi phải nói Lừ mừng đến mức nào, vì sẽ không phải bán “lúa non” (cây xà cừ sau 7 năm mới là thời điểm cho thu hoạch cao nhất), lại có tiền để phát triển cả chăn nuôi.
Đến nay “cánh đồng” của CCB Thào A Lừ cho thu nhập từ 80 đến 100 triệu đồng/năm.
Phạm Nguyễn