Đại tá Mai Trọng Phước - nguyên Cục trưởng Cục Xăng dầu Tổng cục Hậu cần, nguyên Chỉ huy trưởng Công trường 18 và Trung đoàn đường ống 592, kể lại kỷ niệm tổ chức tuyến đường ống xăng dầu đầu tiên vượt Trường Sơn:
“…Sau khi hoàn thành việc thi công tuyến đường ống X.42 vượt qua “tam giác lửa” Vinh - Nam Đàn - Linh Cảm, Công trường 18 tiếp tục thi công kéo dài tuyến đường ống lên phía Hương Khê (Hà Tĩnh) để đi vào Quảng Bình nối vào trạm Khe Ve của Binh trạm 12, Đoàn 550.
Ngày 1-11-1968, Mỹ tuyên bố ngừng đánh phá miền Bắc. Sau hôm đó, tôi nhận điện của Cục Xăng dầu gọi ra Hà Nội gấp để nhận nhiệm vụ mới. Anh Phan Tử Quang - Cục trưởng đưa tôi lên gặp Chủ nhiệm Tổng cục Đinh Đức Thiện. Trong khi khi làm việc, sau khi phân tích tình hình và âm mưu, thủ đoan mới của địch, anh Thiện cầm bút chì đỏ vạch trên bản đồ một đường từ Cổng Trời vượt qua đèo Mụ Giạ - 050 xuống Na Tông (Khăm Muộn - Lào), rồi nói: “Các cậu phải nhanh chóng làm tuyến đường này, đặt kho dầu ở khu vực bãi rộng của suối Cha Lo phía bắc Mụ Giạ và một kho ở Na Tông. Phải làm xong trước Tết Nguyên đán để kịp thời phục vụ cho Đoàn 559 tổ chức vận chuyển đột kích”.
Sau khi vạch tiếp đoạn từ Na Tông vượt qua ngã ba Lằng Khằng, xuống Xiêng Phan - Pha Nốp đến Ka Vát và kết thúc ở Lùm Bùm, anh Thiện nói tiếp: “Sau khi đến Na Tông, các cậu phải nhanh chóng đưa đường ông xuống Ca Vát rồi đi Lùm Bùm tiếp cận nhanh đường 9, tạo điều kiện cho các đơn vị nam đường 9…”.
Sau khi nghe tôi trình bày những khó khăn khi thi công trên địa hình có nhiều núi đá cao, vực sâu, nhiều sông suối; địch đánh phá ác liệt, nhất là chưa có kinh nghiệm thi công và vận hành trên đồi núi cao, anh Thiện chỉ thị cho anh Phan Tử Quang cần tăng cường cán bộ kỹ thuật cho Công trường đủ mạnh, chỉ thị cho Bộ Tham mưu Hậu cần điện cho Bộ Tư lệnh 500 và Đoàn 559 tăng cường lực lượng giúp đỡ.
Về đến Công trường, chúng tôi vừa nghiên cứu chuyển Công trường bộ lên đóng ngay ở khu vực lèn đá cạnh Cổng Trời trên đường 12, vừa cử cán bộ đi khảo sát và thiết kế tuyến đường ống từ Cổng Trời xuống Na Tông. Bộ phận Vật tư tổ chức tiếp nhận ống, bể 25 khối và máy bơm các loại…; nhanh chóng đưa vào tuyến thi công. Khó khăn đầu tiên chúng tôi gặp phải là không đưa xe chở ống dài 6m và xe chở bể 25 khối vượt qua Cổng Trời được, vì địa hình dốc cao, nhiều cua gấp. Vào thời gian này, cấp trên phối thuộc cho chúng tôi 2 tiểu đoàn công binh. Chúng tôi cùng với Ban Chỉ huy tiểu đoàn ra ngay thực địa nghiên cứu tìm cách cho xe vượt Cổng Trời.
Sau khi thống nhất phương án, đồng chí Nguyễn Đình Cự - Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn trực tiếp chỉ huy thi công. Bốn hôm sau, Cổng Trời đã được mở rộng. Đại đội 8 của Cục Xăng dầu tiếp tục vận chuyển bể sắt cùng máy thi công…
Tiếp nhận ống đến đâu, chúng tôi thi công đến đó; kho bể 500 khối ở Na Tông cũng đã làm xong. Trung tuần tháng 12-1968, sau hoàn chỉnh tuyến ống, chúng tôi tiến hành bơm nước để rửa ống, kiểm tra việc lắp ráp ống và tìm các thông số vận hành (gọi tắt là thử rửa). Một máy đẩy không bơm được nước lên đỉnh đèo Mụ Gia, trên “tọa độ lửa” đã diễn ra hết sức gay go ác liệt; để đánh lừa địch, chúng tôi vẫn tiếp tục khắc phục như như thật trên tuyến bị địch đánh phá. Để đảm bảo bí mật cho tuyến tránh, anh em phải vác ống leo qua đèo Mụ Giạ, men theo bìa rừng tập kết vào khu vực an toàn, đến tối mới đưa vào lắp ráp theo đường hào đã đào hôm trước. Lắp ráp đến đâu, chôn ngay đến đó và dùng cây cối để ngụy trang. Việc đưa ống vào tuyến thi công đã khó thì việc chuyển máy bơm PUN 35/70 nặng hàng tấn bằng sức người đưa vào vị trí càng khó hơn. Khắc phục được khó khăn đưa máy vào xong, tôi nhận được điện gọi ra Sở chỉ huy Tiền phương Tổng cục đóng ở Hương Đô, Hương Khê, Hà Tĩnh. Tôi nghĩ chắc Chủ nhiệm Tổng cục nóng ruột vì Tết sắp đến, nếu không có xăng dầu cho Đoàn 559 vận chuyển đột kích 3 ngày Tết, là một khó khăn lớn. Chủ nhiệm Đinh Đức Thiện rất nóng tính; không khéo kỳ này ra gặp, sẽ bị cụ “cạo” cho một trận.
Gặp anh Thiện, anh hỏi ngay: “Anh có làm được không thì nói?”. Tôi bình tĩnh báo cáo tình hình địch đánh phá, cách khắc phục của chúng tôi và bảo đảm chỉ vài ngày nữa là xong... Nghe tôi nói, anh Thiện bớt dần vẻ căng thẳng, hỏi thêm tôi tình hình kho hậu cần sau khi bị địch đánh phá, tình hình xe vận tải trên đường, sinh hoạt của anh em trụ bám trên khu vực này… Anh không quên bảo thư ký gửi tôi mang quà Tết về cho anh chị em trên tuyến và nhắc phải tuyệt đối giữ bí mật; sau khi nối thông tuyến phải bơm ngay xăng; kết quả ra sao phải báo cáo ngay về Sở chỉ huy tiền phương.
Trở về Công trường, tôi truyền đạt ý kiến của anh Thiện và đưa quà Tết của anh gửi cho đơn vị. Mọi người rất phấn khởi, thấy sự quan tâm của Chủ nhiệm Tổng cục. Chỉ 2 ngày sau, chúng tôi nối xong tuyến ống và tổ chức bơm rửa thử. Rửa thử xong, chúng tôi tiến hành bơm ngay xăng vào kho Na Tông và tổ chức cấp phát kịp thời cho các xe. Đến đêm Giao thừa Tết Kỷ Dậu - 1969, xăng vẫn còn đầy kho Na Tông để chuẩn bị cho nhiệm vụ tiếp theo…”.
Đại táMai Trọng Phước