Đại tá Mai Xuân Tâm - nguyên chiến sĩ lái xe thuộc Sư đoàn ô tô 571 Bộ đội Trường Sơn, nguyên Bí thư Đảng ủy Lữ đoàn vận tải 972 Cục Vận tải TCHC. Từ năm 1971-1975, chiến đấu và phục vụ chiến đấu trên trên tuyến đường mang tên Bác, đã để lại trong ông nhiều kỷ niệm sâu sắc, trong đó có kỷ niệm tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh. Nhân kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ông kể lại:

Thoát “cửa tử” ngày đầu vào Trường Sơn

Tôi quê cố đô Ninh Bình, nhập ngũ năm 1971. Sau khi nhập ngũ, tôi được học lái xe và trở thành chiến sĩ lái xe thuộc Đại đội 1, Tiểu đoàn 67, Trung đoàn 11 ô tô vận tải, Đoàn 559 - Bộ Tư lệnh Trường Sơn. Tháng 10-1971, đoàn xe chúng tôi nhập tuyến; từ Bố Trạch, Quảng Bình,sangđứng chân tại Saravan, Nam Lào.

Làm nhiệm vụ vận chuyển trên tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, mỗi chuyến vận chuyển đối với chúng tôi là một trận chiến đấu, phải đối mặt với kẻ thù trên không và mặt đất.

Vào tuyến một thời gian, tôi và Nguyễn Hữu Tạo, quê Nga Lĩnh, Nga Sơn, Thanh Hóa, được giao nhiệm vụ lái chiếc xe Giải phóng mang số hiệu TS.4239, chuyển 4 tấn đạn vào giao cho Binh trạm 32. Đây là chuyến đi đầu tiên, nên cả tôi và Tạo không khỏi thấp thỏm, lo lắng.

Ngày 19-12-1971, trong đội hình Đại đội 1, xe chúng tôi mang theo đạn, xuất phát từ một cánh rừng thuộc tỉnh Saravan. Trên cung vận chuyển, xe phải vượt nhiều trọng điểm đánh phá của máy bay Mỹ, trong đó có ngầm Sê Băng Hiêng thuộc tỉnh Saravan.

Đội hình xe tới cách ngầm Sê Băng Hiêng khoảng 3km, chúng tôi được lệnh dừng xe, vì máy bay địch đã thả pháo sáng phát hiện xe ta qua trọng điểm khi trời tối. Khi được lệnh xuất phát, chúng tôi lập tức cho xe chạy và khẩn trương vượt ngầm. Nhưng, vừa ra giữa ngầm, thì bánh xe của tôi sa xuống hố bom, xe chết máy. Tình huống bất ngờ, nếu không xử lý ngay thì không chỉ xe của tôi mà cả đội hình xe sẽ thành mục tiêu của máy bay Mỹ.

Với kinh nghiệm trận mạc, Trung đội trưởng Mai Văn Huấn (quê Xuân Đài, Xuân Trường, Nam Định) lệnh cho các xe đi cùng và lực lượng công binh trực trọng điểm nhanh chóng giỡ hàng trên xe tôi. Liền đó, xe cứu hộ trực chiến cơ động tới, dùng tời kéo xe của tôi qua ngầm. Khi cả đội hình xe vượt ngầm, vào gần tới quãng đường kín, thì máy bay địch gầm rú thả pháo sáng, rải bom phá, bom nổ chậm, bom bi... xuống trọng điểm.

Nếu lần ấy, chỉ huy đơn vị không bình tĩnh xử trí tình huống, thì chắc chắn cả xe và người chúng tôi đã vĩnh viễn nằm lại ngầm Sê Băng Hiêng!

Sau chiến dịch vận chuyển mùa khô 1971-1972, đơn vị được điều động tham gia phục vụ mặt trận Quảng Trị. Đại đội tôi đóng tại thôn Mai Lộc, xã Cam Chính, huyện Cam Lộ, Quảng Trị. Suốt “mùa hè rực lửa” năm 1972, đơn vị tôi đã đối mặt, vượt qua mưa bom, bão đạn của địch; hứng chịu những trận B.52 rải thảm nhằm ngăn chặn việc chuyển quân, chuyển hàng quân sự phục vụ các đơn vị chiến đấu tại động Ông Do, động Bà Thìn...

Năm 2024, tôi về thăm thôn Mai Lộc, gặp lại một số nhân chứng (năm 1972, có người mới 15 tuổi); thăm lại địa bàn đứng chân của Đại đội 1 ngày ấy; dâng nén hương tưởng niệm những đồng chí, đồng đội đã hy sinh bởi 2 trận B.52 ném bom rải thảm trúng đội hình đơn vị. Hy sinh trong một trận B.52 rải thảm trước khi đơn vị đi làm nhiệm vụ, có các đồng chí: Đại đội trưởng Sinh, Chính trị viên đại đội Nguyễn Văn Phà (quê Thái Bình), Trung đội phó Nguyên (quê Hà Tây) và Tiểu đội trưởng Nguyễn Văn Tái (quê Ninh Bình)... Yên nghỉ tại Nghĩa trang liệt sĩ xã Cam Chính có hàng trăm liệt sĩ chưa xác minh được danh tính, trong đó có nhiều liệt sĩ thuộc Sư đoàn 571 anh hùng.

Vượt “cửa tử” trước cửa ngõ Sài Gòn

Trong Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, Sư đoàn 571 cơ động Quân đoàn 2 đánh địch trong hành tiến theo quốc lộ 1, tiến về giải phóng Sài Gòn; riêng Đại đội 2, Tiểu đoàn 57 của chúng tôi lại nhận nhiệm vụ phối thuộc, cơ động Sư đoàn 7, Quân đoàn 4 tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh. Xuất phát từ Quảng Trị, sau một chặng dài hành quân, đội hình Đại đội 2 tập kết tại một cánh rừng cao su ở Long Khánh, Đồng Nai.

Phát hiện lực lượng của ta tiến công Sài Gòn từ hướng đông bắc, địch tập trung nhiều máy bay, hỏa lực ngăn chặn quyết liệt.

Vào lúc 17 giờ, ngày 28-4-1975, chiếc xe mang biển số TS.4236 do tôi và Đặng Văn Cán lái (anh Cán sau này công tác tại Tỉnh đoàn Vĩnh Long) cùng với xe mang biển số TS.4234, do đồng chí Tính lái, chở trung đội trinh sát của Sư đoàn 7 tiến về Biên Hòa (đây là lực lượng trinh sát tinh nhuệ được giao nhiệm vụ đánh chiếm và bảo vệ cầu Rạch Chiếc trên xa lộ từ Thủ Đức vào nội đô Sài Gòn).

Xe vừa xuất phát một lúc, thì máy bay trinh sát của địch phát hiện, thả nhiều quả bom khói chặn đầu, khóa đuôi, để chỉ điểm mục tiêu. Khói đen bốc lên mù mịt! Với kinh nghiệm có được từ mấy năm ở Trường Sơn, nếu chúng tôi dừng xe lại để bộ đội tản ra là mắc mưu địch, chúng sẽ cho máy bay cường kích đến ném bom tiêu diệt; vì vậy tôi trao đổi với đồng chí Diện - Đại đội trưởng đại đội trinh sát: “Tôi sẽ cho xe chạy hết tốc lực qua đám bom khói. Khi nào tôi dừng xe và hô di chuyển thì đồng chí lệnh cho bộ đội xuống xe và tản ra ngay...”.

Dứt lời, tôi cho xe lao nhanh qua khỏi đám khói. Kinh nghiệm ở Trường Sơn cho hay: Khi máy bay trinh sát của địch phát hiện, thả bom khói chỉ điểm mục tiêu, thì máy bay cường kích của chúng sẽ tới nem bom trong bán kính khoảng 500m (tính từ mục tiêu chỉ điểm). Có thể chúng đánh từ giữa ra xung quanh, cũng có thể đánh chặn đầu, khóa đuôi, dồn ta vào giữa...

Khi đội hình xe vượt qua đám khói bom khoảng 600m, tôi lập tức cho dừng xe, rồi hô to: Tản ngay ra hai bên rừng cao su!

Bộ đội vừa tản ra, tìm chỗ ẩn nấp, thì máy bay địch ào tới ném bom vào khu vực đã được chỉ điểm. Bom nổ chát chúa, lửa khói bốc lên ngùn ngụt... Nhưng đội hình xe và lực lượng trinh sát đều an toàn. Riêng xe của tôi bị thủng lốp và cánh cửa buồng lái bị rách vì mảnh bom.

Qua khỏi tình thế hiểm nghèo, cán bộ, chiến sĩ Trung đội trinh sát cảm ơn bộ đội lái xe Trường Sơn nhanh trí, quả cảm...

Sau khi đưa lực lượng trinh sát Sư đoàn 7 tới đích, xe tôi cùng đơn vị quay ra chuyển thương binh của Sư đoàn 7 về cơ sở cấp cứu dã chiến.

Ngày 30-4-1975, chúng tôi tham gia cơ động trung đội pháo 12,7mm và cối 82mm đánh địch trong hành tiến, bảo vệ đội hình Lữ đoàn xe tăng 203 phối hợp với các đơn vị khác của Quân đoàn 2 tiến đánh các căn cứ Nước Trong, Thành Tuy Hạ..., rồi nhanh chóng phát triển vào nội đô. Đơn vị chúng tôi được biệt động dẫn đường tới Bộ Tổng tham mưu ngụy. Lúc đó, một đơn vị bộ binh của ta đã đánh chiếm, bắt toàn bộ tướng tá, sĩ quan... địch. Chúng tôi tiếp tục cơ động tới chiếmNgân hàng Sài Gòn, bắt giữ khoảng một trung đội địch, thu vũ khí và cho về với gia đình. Ba ngày sau, chúng tôi bàn giao Ngân hàng cho lực lượng quân quản, rồi hành quân về Cam Ranh, Khánh Hòa. Sau đó, Sư đoàn 571 nhận nhiệm vụ vận chuyển qua Lào theo đường số 9 từ Đông Hà lên Khe Sanh, qua Lao Bảo...

Nghĩ về cuộc hành binhlịch sử từ đại ngàn Trường Sơn, vượt qua biết bao gian khổ, hy sinh, để đúng 11 giờ 30 phút ngày 30-4-1975, vinh dự có mặt ở thành phố mang tên Bác Hồ trong ngày đại thắng,tôi vô cùng xúc động nhớ lại biết bao đồng chí, đồng đội đã từng một thời “vào sinh, ra tử”. Nhân dịp này, chúng tôi muốn tìm lại các đồng đội thuộc Đại đội 1, Tiểu đoàn 67, Trung đoàn 11, Đoàn 559 và các đồng đội thuộc Đại đội 2, Tiểu đoàn 57, Trung đoàn 512, Sư đoàn vận tải 571, Bộ Tư lệnh Trường Sơn. Mong các đồng đội liên hệ qua đồng chí Tạ Quang Chiến - nguyên Chính trị viên Đại đội 2, Tiểu đoàn 57, Trung đoàn 512 (quê Nam Thịnh, Tiền Hải, Thái Bình), điện thoại: 0373220858.

Đại táMai Xuân Tâm kể; Duy Tường ghi