Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết gắn Huân chương Hữu nghị cho ông Kostas Sarantidis năm 2011.
Như một lẽ thường của quy luật sinh tử, tối 25-6 (giờ Việt Nam), gia đình, người thân, những người yêu mến người chiến sĩ cộng sản, Anh hùng lực lượng vũ trang (LLVT) nhân dân Việt Nam Kostas Sarantidis (Nguyễn Văn Lập) phải đón nhận tin buồn ông từ trần tại thủ đô Athens (Hy Lạp).
Kostas Sarantidis (Nguyễn Văn Lập) đã có một quãng đời trẻ trung, sôi nổi, cống hiến hết mình cho cách mạng Việt Nam. Ngay cả sau này, khi đã trở về Hy Lạp sinh sống, trái tim ông vẫn luôn hướng về nước Việt. Kostas Sarantidis (Nguyễn Văn Lập) từng nhiều lần chia sẻ, ông coi Việt Nam như quê hương, Tổ quốc của mình.
Sinh ra trong một gia đình công nhân ở miền Bắc Hy Lạp, năm 1943 khi mới 16 tuổi, Kostas Sarantidis bị bắt đi lính để đưa sang Đức phục vụ cho các lực lượng phát xít. Đến Nam Tư, ông trốn thoát, sống trên những chuyến tàu lửa ngược xuôi dọc biên giới Nam Tư - Hy Lạp.
Sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, ông Kostas không thể trở về Hy Lạp vì không còn giấy tờ tùy thân. Sau đó, ông bị tham gia đội quân lê dương của Pháp và được điều tới Đông Dương để tham gia cuộc chiến chống phát xít và giải giáp quân Nhật.
Tuy nhiên, ngay khi tới Nam Bộ và Sài Gòn năm 1946, ông Kostas Sarantidis đã chứng kiến những cảnh tượng tố cáo tội ác và sự đàn áp của chủ nghĩa thực dân với nhân dân bản địa.
Chứng kiến những hiện thực tội ác, chàng thanh niên người Hy Lạp đã mau chóng giác ngộ, quyết định gia nhập hàng ngũ những người Việt Nam đang kháng chiến chống quân Pháp xâm lược để giành độc lập, tự do cho dân tộc này.
Trong cuốn sách "Chiến sĩ quốc tế, Bộ đội Cụ Hồ Kostas Sarantidis-Nguyễn Văn Lập" do Nhà xuất bản Quân đội nhân dân ấn hành, Kostas Sarantidis-Nguyễn Văn Lập đã trực tiếp ghi lại những hồi ký, sự kiện quan trọng, giải thích lý do vì sao ông theo Việt Minh. Đó là những trang nhật ký rất sinh động, không chỉ đơn thuần ghi sự việc xảy ra trong ngày mà còn là những trang tả cảnh, tả tình, những thay đổi khi chứng kiến về sự tàn bạo của quân xâm lược Pháp, những suy nghĩ dằn vặt của người thanh niên nước ngoài trẻ tuổi để rồi cuối cùng, chàng trai Hy Lạp đã dứt khoát chọn con đường theo chính nghĩa, đứng vào hàng ngũ cách mạng giải phóng dân tộc giành độc lập của Việt Nam.
Ông Kostas Sarantidis đã tìm cách bắt liên lạc với mặt trận Việt Minh và xin gia nhập hàng ngũ những người kháng chiến chống Pháp. "Món quà" ông mang theo là một khẩu súng trường và một khẩu súng máy. Sau khi tham gia lực lượng Việt Minh, mọi người gọi ông với cái tên Việt Nam là Nguyễn Văn Lập. Người chiến sĩ Nguyễn Văn Lập sau đó giữ nhiều cương vị và tham gia nhiều trận đánh trong hàng ngũ quân đội Việt Nam.
Cấp bậc cao nhất của ông Kostas Sarantidis (Nguyễn Văn Lập) là Đại tá. Năm 1949, ông Nguyễn Văn Lập vinh dự được kết nạp vào Đảng Lao động Việt Nam. Sau Hiệp định Geneva, năm 1954, ông Nguyễn Văn Lập tập kết ra Bắc và tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Việt Nam. Năm 1958, ông lập gia đình với một cô gái Hà Nội và hai người có với nhau bốn người con, một trai ba gái, tất cả đều lấy tên Việt Nam.
Năm 1965, ông Nguyễn Văn Lập cùng gia đình xin phép trở về Hy Lạp sau khi biết tin người mẹ già đang sống tại quê nhà. Dù không còn ở Việt Nam nhưng ông Kostas Sarantidis (Nguyễn Văn Lập) luôn nỗ lực không ngừng để hỗ trợ Việt Nam và góp sức thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Hy Lạp. Ông từng có nhiều năm tận tụy làm công tác ngoại giao nhân dân và tâm huyết xây dựng cộng đồng người Việt tại Hy Lạp như một "Đại sứ tự nguyện" và được bà con Việt Kiều đánh giá là công dân Hy Lạp nhưng trái tim luôn hướng về Việt Nam.
Ngày 9-11-2010, ông Kostas Sarantidis được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Nguyễn Minh Triết ký quyết định công nhận là công dân Việt Nam. Tháng 5-2013, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã ký quyết định số 934-QĐ/CTN phong tặng ông danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam. Ông là người nước ngoài duy nhất được phong tặng danh hiệu cao quý này.
Với những cống hiến không mệt mỏi không chỉ trong suốt thời kỳ kháng chiến tại Việt Nam mà ngay cả khi đã không còn ở Việt Nam, cuộc đời của ông Kostas Sarantidis (Nguyễn Văn Lập) thực sự là một kho sử liệu phong phú, hấp dẫn mà ai một lần nghe qua cũng muốn biết tường tận.
THẾ TRUYỀN