Cụm công nghiệp Thanh Đa đang được chủ đầu tư tiến hành san lấp…
Vụ việc liên quan đến thu hồi đất triển khai xây dựng Cụm công nghiệp Thanh Đa (xã Thanh Đa, huyện Phúc Thọ, T.P Hà Nội ), mới đây, UBND T.P Hà Nội ban hành Quyết định thụ lý đơn tố cáo và Thanh tra thành phố vào cuộc xác minh theo nội dung tố cáo của công dân…
Trong đơn và hồ sơ gửi Báo CCB Việt Nam, CCB Nguyễn Duy Biên Thùy (địa chỉ: Phúc Xá, Ba Đình, Hà Nội) và ông Nguyễn Văn Sáng (công dân thôn Phú An, xã Thanh Đa, Phúc Thọ, Hà Nội) trình bày: Năm 2011, ông Thùy có nhận chuyển nhượng lại 6.000m2 đất Dự án Trang trại kinh tế nông nghiệp trên địa bàn thôn Phú An, xã Thanh Đa từ ông Kim Quang Bàn (trú tại phường Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội). Dự án được UBND huyện Phúc Thọ phê duyệt tại Quyết định số 383, ngày 17-9-2002 và ký hợp đồng thuê đất 30 năm (Đại diện Phòng Địa chính ký).
Hợp đồng thuê đất được tính từ ngày 17-9-2002 đến 17-9-2032. Giá tiền thuê đất là 280 đồng/m2/năm, được ổn định trong 5 năm. Ngoài 5 năm, nếu Nhà nước có chính sách thay đổi sẽ điều chỉnh cho phù hợp. Tiền thuê đất được trả theo hằng năm, mỗi năm trả 1 kỳ vào ngày 30-4.
Tương tự, Dự án chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp từ đất màu sang chăn nuôi thủy sản, trồng cây ăn quả và chăn nuôi gia súc của ông Nguyễn Văn Sáng cũng được UBND huyện Phúc Thọ phê duyệt tại Quyết định 532, ngày 4-6-2007. Theo quyết định, UBND huyện Phúc Thọ cho phép UBND xã Thanh Đa được chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp 7.690m2 đất công do hộ xã viên và UBND xã Thanh Đa giao cho HTX Nông nghiệp Phú An quản lý tại xứ đồng Đầm La, từ đất màu hiệu quả kinh tế thấp sang nuôi cá, trồng cây ăn quả; chăn nuôi gia súc quy mô nhỏ, có hiệu quả kinh tế cao hơn. Hình thức và thời gian chuyển đổi là 20 năm. UBND huyện giao chủ Dự án (ông Nguyễn Văn Sáng - PV) thực hiện theo nội dung Dự án lập ngày 22-4-2006.
Đồng thời, quyết định của UBND huyện Phúc Thọ cũng giao Phòng TNMT, UBND xã Thanh Đa, Phòng Nông nghiệp và PTNT, TCKH, Chi Cục thuế… kiểm tra, hướng dẫn theo chức năng của từng phòng, ban, đơn vị để Chủ dự án thực hiện.
Theo ông Sáng, diện tích ông lập Dự án xin chuyển đổi đã được ông sử dụng từ năm 2002 và ký Hợp đồng giao thầu đất tại xứ đồng Đầm La với HTX Nông nghiệp Phú An và nộp tiền 1 lần đến hết năm 2042. Đến năm 2006, để sử dụng đất có hiệu quả, ổn định, ông Sáng tiếp tục lập Dự án trình xã và huyện phê duyệt như nêu trên.
“Ngày 19-11-2018, Phòng TNMT và UBND huyện Phúc Thọ lập Tờ trình số 1257, gửi UBND T.P Hà Nội xin thành lập Cụm công nghiệp Thanh Đa (gọi tắt là CCN) đã quy hoạch trùm lên 3 Dự án đã được UBND huyện và thành phố phê duyệt trước đó và quy hoạch chồng lấn vào cả hành lang đường đê đi QL32 (Thị trấn Phùng) thuộc địa giới hành chính huyện Đan Phượng quản lý”.
Cụ thể, Dự án do ông Thùy nhận chuyển nhượng lại là 6.000m2; Dự án của ông Sáng là 7.700m2 và một phần diện tích (khoảng 1.200m2/8.500m2) Dự án của Công ty CP SXKD thương mại Bắc An Phát do UBND thành phố phê duyệt, đã được cấp Giấy CNQSDĐ.
Do dự án trang trại của các ông Sáng, ông Thùy đang chuẩn bị vào mùa thu hoạch để thu hồi vốn và thời hạn của hợp đồng vẫn còn, giá cả đền bù chưa thỏa đáng nên 2 ông chưa đồng ý với việc thu hồi đất để giao cho doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng cũng như cách thức giải quyết hậu quả của các quyết định phê duyệt dự án, hợp đồng cho thuê đất trước đó của chính quyền.
Bất ngờ đến ngày 14-1-2022, khi người người, nhà nhà đang lo chuẩn bị Tết cổ truyền thì ông Nguyễn Đình Sơn - Phó chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ lại ký quyết định cưỡng chế, kiểm đếm bắt buộc đối với diện tích do ông Sáng, ông Thùy đang quản lý. Thời gian kiểm đếm bắt buộc từ ngày ký quyết định đến ngày 24-1-2022. Tuy nhiên, theo ông Sáng phản ánh, đến ngày 27-1-2022 (cách Mồng 1 Tết âm lịch 4 ngày) việc cưỡng chế kiểm đếm bắt buộc mới được thực hiện. Đáng chú ý, trước 1 ngày tổ chức cưỡng chế kiểm đếm bắt buộc (26-1) ông Sáng và các thành viên trong gia đình ông còn nhận được quyết định cách ly y tế (F0) của chính quyền xã Thanh Đa, khiến ông không thể ra kiểm đếm cùng.
Tiếp đó, ngày 15-6-2022, ông Sơn tiếp tục ký quyết định cưỡng chế thu hồi đất đối với diện tích ông Sáng, ông Thùy đang quản lý và một phần diện tích của Công ty CP SXKD thương mại Bắc An Phát đang sử dụng theo Quyết định của UBND T.P Hà Nội… để quy hoạch làm đường vào CCN. Ngày 22-6-2022, lực lượng cưỡng chế đã triển khai thực hiện theo quyết định cưỡng chế. Toàn bộ diện tích, tài sản trên đất của các hộ này sau đó đã được giải tỏa xong.
Bức xúc trước việc cưỡng chế thu hồi đất, đền bù không thỏa đáng, CCB Nguyễn Duy Biên Thùy và ông Nguyễn Văn Sáng đã làm đơn tố cáo ông Nguyễn Đình Sơn và 1 số cán bộ Trung tâm PTQĐ huyện Phúc Thọ... tới UBND T.P Hà Nội. Ngày 21-9-2022, Chủ tịch UBND T.P Hà Nội đã ban hành Quyết định thụ lý đơn tố cáo của ông Sáng.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Đức Dũng - Phó chủ tịch UBND xã Thanh Đa cho biết: Vụ việc đang được Thanh tra thành phố vào cuộc xác minh theo nội dung đơn tố cáo của công dân.
Vị lãnh đạo xã này còn thông tin, việc triển khai thực hiện thu hồi đất để xây dựng CCN cũng như trình tự các bước thu hồi đất đã được chính quyền và cơ quan chức năng của huyện Phúc Thọ và xã Thanh Đa thực hiện theo quy định của pháp luật. Vị này cũng xác nhận ông Sáng đã nộp tiền thầu khoán 1 lần và toàn bộ số tiền nộp đã được đầu tư vào công trình phúc lợi của thôn Phú An.
Trước câu hỏi về hợp đồng cũng như Dự án của ông Sáng, ông Thùy được cấp có thẩm quyền phê duyệt, đã ký hợp đồng thuê đất, giao thầu khoán sẽ được giải quyết thế nào? Ông Dũng cho rằng, Dự án do UBND huyện phê duyệt nên thẩm quyền giải quyết thuộc cấp trên.
Trước đó, ngày 26-6-2020, UBND T.P Hà Nội có Quyết định số 2743/QĐ-UBND, do ông Nguyễn Văn Sửu - Phó chủ tịch UBND T.P Hà Nội ký, phê duyệt thành lập CCN Thanh Đa.
Theo quyết định của UBND thành phố, CCN có quy mô khoảng 8,3ha. Chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật: Công ty CP phát triển dịch vụ Long Biên, do ông Nguyễn Đức Thuận làm Chủ tịch Hội đồng quản trị. Tổng mức vốn đầu tư khoảng 227,5 tỷ đồng. Vốn tự có của chủ đầu tư (30%): 68,3 tỷ đồng, vốn vay của ngân hàng (50%): 113,7 tỷ đồng, vốn huy động từ nhà đầu tư thứ phát (20%): 45,5 tỷ đồng.
Dù vậy, nguồn tin phản ánh, vào ngày 23-1-2022, khi chưa có mặt bằng sạch, chưa có quyết định giao đất, chưa có hạ tầng…, chủ đầu tư Dự án đã tổ chức “Hội nghị xúc tiến đầu tư” tại Hội trường UBND xã Thanh Đa và chào giá “7.500.000 đồng/m2” cho các nhà đầu tư có nhu cầu; vài ngày sau một số nhà đầu tư đã xuống tiền “đặt cọc 30%” giá trị hợp đồng để giữ chỗ!
Liên quan đến nội dung tố cáo của CCB Nguyễn Duy Biên Thùy và ông Nguyễn Văn Sáng, Báo CCB Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin khi có kết quả xác minh của Thanh tra thành phố Hà Nội.
Chỉ tính riêng tài sản trên đất tại Dự án của ông Sáng bao gồm: 250 cây bưởi Diễn có tuổi đời 17 năm; 4.000 cây đinh lăng 8 năm tuổi; gần 100 cây táo đại có tuổi đời 5 năm và nhiều cây cảnh, cây ăn quả khác lâu năm... cộng với 1,5 tấn đến 2 tấn cá dưới ao... đang chuẩn bị thu hoạch, ước tính mang lại doanh thu hàng tỷ đồng đã bị san phẳng trong buổi cưỡng chế. Trong khi đó, phương án đền bù hỗ trợ được UBND huyện Phúc Thọ lập, chi trả cho ông Sáng vỏn vẹn là 157.295.600 đồng. Theo ông Sáng, việc tổ chức cưỡng chế thu hồi đất đã gây tổn thất cho gia đình ông rất lớn về kinh tế và tinh thần...
Bài và ảnh: Chính Nhi