Giáo hoàng Francis nhóm họp các nhà lãnh đạo Nam Sudan tại Tòa thánh Vatican ngày 11-4.
Vatican vừa công bố một đoạn video trong đó Giáo hoàng Francis, 82 tuổi, đang thở khó nhọc và được một trợ lý giúp đỡ để ông quỳ xuống hôn chân Tổng thống Nam Sudan cùng hai Phó tổng thống. Đây là một cử chỉ vô tiền khoáng hậu bởi đây là lần đâu tiên ông làm như vậy với các lãnh đạo chính trị.
Trong đoạn video ghi ngày 11-4, Giáo hoàng nói: "Đối với ba ngài, những người đã ký hiệp ước hòa bình, tôi yêu cầu với tư cách một người anh em rằng hãy gìn giữ hòa bình bằng cả trái tim mình. Sẽ có nhiều vấn đề nhưng chúng không khuất phục được chúng ta".
Ra vậy, hành động của Giáo hoàng không gì khác ngoài động viên ba nhà lãnh đạo của Nam Sudan vượt lên mọi khó khăn, mâu thuẫn để cùng nhau xây dựng hòa bình ở quốc gia Đông Phi nghèo đói vừa thoát ra khỏi chiến tranh này.
Tổng thống Nam Sudan - Salva Kiir Mayardit và Phó tổng thống Riek Machar từng là đối thủ của nhau khi Kiir buộc tội Machar tổ chức đảo chính năm 2013, dẫn đến cuộc nội chiến kéo dài nhiều năm. Khoảng 400.000 người đã thiệt mạng và hơn 1/3 trong số 12 triệu người dân Nam Sudan phải sơ tán. Năm 2018, hai bên ký hiệp ước hòa bình ở Ethiopia và đang cùng nhau cố gắng thành lập chính phủ ổn định.
Số người thiệt mạng và sơ tán nói trên là con số thống kê tính từ cuộc đảo chính năm 2013. Trước đó, tình cảnh của người dân Nam Sudan cũng không kém phần thê thảm do cuộc xung đột dài nhất trong lịch sử châu Phi được biết với cái tên Nội chiến Sudan lần hai. Cuộc nội chiến này kết thúc với một cuộc trưng cầu dân ý tháng 1-2011 với kết quả gần 100% cử tri chọn tách Nam Sudan ra khỏi Cộng hòa Sudan và dẫn tới sự hình thành của quốc gia Nam Sudan trẻ nhất thế giới ngày 9-7-2011.
Như vậy, vừa thoát ra khỏi cuộc nội chiến để rồi hình thành quốc gia mới, Nam Sudan lại rơi tiếp vào cuộc chiến tranh giành quyền lực đẩy quốc gia non trẻ này vào tình cảnh nghèo nàn tới mức kiệt quệ. Hai phe đối đầu đã có thỏa hiệp để chấm dứt chiến tranh nhưng trên thực tế vẫn còn những cuộc đụng độ nhỏ giữa các nhóm sắc tộc bởi Nam Sudan có trên 200 dân tộc cùng tình trạng nghèo đói hoành hành.
Liên Hợp quốc, trong đó có Việt Nam, đã cử lực lượng Gìn giữ hòa bình tới quốc gia này để giúp ổn định tình hình vào cung cấp chăm sóc y tế cho nhân dân Nam Sudan ở một số địa phương. Sự hỗ trợ đó cùng quyết tâm chính trị của lãnh đạo Nam Sudan được hy vọng sẽ từng bước củng cố, xây dựng một nền hòa bình lâu dài và mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân ở đây.
Sự tôn trọng các lãnh đạo Nam Sudan bằng cách quỳ gối hôn chân của Giáo hoàng Francis có thể hiểu ông tôn trọng chính nỗ lực của họ trong việc vượt qua mâu thuẫn để kiến tạo hòa bình. Suy một cách rộng hơn, mong mỏi hòa bình là ước nguyện của mọi người dân trên thế giới dù họ có phải chịu hy sinh, thiệt thòi để có được điều đó.
Vậy nhưng, ngay ở quốc gia Sudan láng giềng nơi Nam Sudan mới tách ra, tình hình lại trở nên rất căng thẳng. Các cuộc biểu tình liên tiếp xảy ra từ cuối năm 2018, khi người dân phản đối tình trạng giá lương thực tăng mạnh, bất bình với những chính sách kinh tế yếu kém của chính quyền khiến đời sống của người dân khó khăn hơn. Sau khi bắt giữ Tổng thống Omar al-Bashir (người đã ký đồng ý cho Nam Sudan tách ra sau cuộc trưng cầu dân ý), quân đội Sudan đã lập Hội đồng Quân sự chuyển tiếp nhằm điều hành đất nước trong thời gian 2 năm. Hội đồng chuyển tiếp cũng đã cam kết thành lập một chính phủ dân sự nhưng tình hình đang trở nên mất kiểm soát.
Xung đột, chiến tranh vẫn liên miên. Còn cần bao nhiêu nụ hôn nữa của Giáo hoàng để cùng xây dựng hòa bình?
Ngọc Hưng