Ngày 12/3, tại Trung tâm Phật giáo thế giới ở thủ đô New Delhi, Ban quản lý cộng đồng người Việt Nam tại Ấn Độ và Ban đại diện tăng ni sinh Việt Nam tại Ấn Độ tổ chức lễ cầu siêu tưởng niệm các anh hùng hy sinh để bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Ngày 14/3/1988, khi các tàu vận tải cùng bộ đội Việt Nam đang thực hiện nhiệm vụ bảo vệ đảo Cô Lin, Gạc Ma và Len Đao thuộc quần đảo Trường Sa thì nhiều tàu chiến Trung Quốc ngang ngược lao đến dùng pháo lớn bắn vào các tàu HQ-604 (đảo Gạc Ma), HQ-605 (đảo Len Đao) và HQ-505 (đảo Cô Lin). Quân Trung Quốc sau đó đổ bộ lên đảo Gạc Ma nhổ cờ Việt Nam, nổ súng vào bộ đội.
Cuộc chiến không cân sức đã cướp đi sinh mạng của 64 chiến sĩ. Những đồng đội còn lại cũng bị thương tích giữa bão đạn và sóng biển.
Phát biểu tại buổi lễ, đại tá Nguyễn Quang Chiến, tùy viên quốc phòng, nhấn mạnh rằng đã 28 năm trôi qua nhưng tấm gương của 64 cán bộ, chiến sĩ trên đã để lại một tượng đài bất tử về chủ nghĩa anh hùng, truyền thống yêu nước và bảo vệ lãnh thổ của Tổ quốc.
Đại đức Thích Hạnh Chánh đã chủ trì các nghi lễ để cầu chúc cho anh linh của các liệt sĩ siêu thoát về với miền Tây phương cực lạc. Đại đức cũng cầu mong cho nhân dân và đất nước Việt Nam luôn được hưởng thái bình và an lạc.
Cùng ngày, lễ cầu siêu diễn ra tại chùa Phước Long ở thành phố Battambang, Campuchia. Đại diện Tổng lãnh sự quán Việt Nam, ông Sambath Muniroth, giám đốc Sở Lễ nghi tôn giáo tỉnh Battambang, các đội tìm kiếm hài cốt bộ đội tình nguyện Việt Nam, 10 nhà sư và khoảng hơn 100 Việt kiều, người dân ở địa phương và các vùng lân cận đã đến tham dự.
Dưới sự chủ trì của sư Thích Minh Thắng, trụ trì chùa Bình An Xuân Quang, tỉnh Pursat, buổi lễ tưởng niệm anh linh các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trong cuộc đấu tranh giải phóng đất nước, giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi nạn diện chủng Pol Pot, và bảo vệ chủ quyền biển đảo...diễn ra trong không khí trang nghiêm, xúc động.
Sau khi kết thúc lễ cầu siêu, các đại diện tham dự buổi lễ còn tổ chức trao quà cho một số hộ gia đình Việt kiều khó khăn trong tỉnh.
Hôm qua, tại Trúc Lâm Thiền viện ở Paris, Pháp, lễ cầu siêu tri ân các chiến sĩ Việt Nam hy sinh để bảo vệ đảo Gạc Ma diễn ra với đông đủ tăng ni của chùa và hơn 200 người, trong đó có cả người gốc Việt và người Pháp.
Đứng cạnh vòng hoa tưởng niệm và tri ân các chiến sĩ đã hy sinh, Hòa thượng Thích Phước Đường, trụ trì chùa, đã nhắc lại việc Trung Quốc đánh chiếm đảo Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam năm 1988 cũng như sự hy sinh anh dũng của các chiến sĩ bộ đội Việt Nam để bảo vệ đảo cũng như chủ quyền biển đảo của đất nước.
Hòa thượng Thích Phước Đường cho hay dù sinh sống ở nước ngoài, kiều bào vẫn nhớ đến đất nước và hàng năm cứ đến ngày 14/3, nhà chùa lại cùng bà con tổ chức tri ân các chiến sĩ. Vị hòa Thượng cho biết lễ cầu siêu cũng là để cầu cho đất nước được thanh bình, dân chúng được an lạc.
Chương trình Đại trai đàn cầu siêu chùa Vĩnh Nghiêm Nuremberg do Hội người Việt Nam tại thành phố Nuremberg và Munich, Đức, tổ chức bắt đầu từ 10h sáng qua với các nghi lễ cúng trang nghiêm. Lễ tưởng niệm và cầu siêu cho các anh linh liệt sĩ bảo vệ chủ quyền đảo Gạc Ma sau đó kéo dài suốt nhiều giờ.
Điểm lại sự kiện 28 năm trước, ông Văn Mười, chủ tịch Trung tâm văn hóa phật giáo Việt Nam Franken thành phố Nuremberg, cho rằng, hiện nay Trung Quốc vẫn tiếp tục bất chấp luật pháp quốc tế khi tiến hành các hành động phá vỡ nguyên trạng, tiến hành bay thử nghiệm trái phép ở Trường Sa và triển khai hệ thống tên lửa ở đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Những hành động này không chỉ làm leo thang căng thẳng mà còn đe dọa nghiêm trọng tới ổn định, hòa bình, an ninh, an toàn hàng hải trên Biển Đông.
Đại đức Thích Thông Đạt đã chủ trì buổi lễ cầu siêu kéo dài trong gần 3 tiếng đồng hồ, cùng Phật tử và bà con tham dự buổi lễ dâng nến lên anh linh các liệt sĩ hy sinh vì biển đảo quê hương.
Hôm nay, chùa Khánh An, tỉnh Udon Thani, Thái Lan phối hợp với Chi hội Việt kiều cũng tổ chức Đại lễ cầu siêu - Tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc và đồng bào tử nạn, nhân kỷ niệm 28 năm trận hải chiến bảo vệ Đảo Gạc Ma.
Chương trình Đại lễ cầu siêu được bắt đầu từ 9h sáng với các nghi lễ trang nghiêm. Đại đức Thích Thiện Thật, trụ trì chùa Khánh An, chứng minh và chủ trì buổi lễ. Mở đầu buổi lễ là phút mặc niệm nhằm tỏ lòng thành kính, tưởng nhớ sự hy sinh của những chiến sĩ đã ngã xuống trong cuộc chiến bảo vệ đảo Gạc Ma và một số đảo khác thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Buổi lễ thu hút đông đảo đồng đạo, phật tử, bà con cộng đồng và người dân sở tại tham gia và được truyền hình trực tiếp.
Các đại lễ cầu siêu cũng được tổ chức tại các nước khác như Czech và Lào, cho thấy cộng đồng người Việt ở xa quê hương luôn trân trọng sự hy sinh của những anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống để bảo vệ Tổ quốc, đồng thời khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, lên án các hành động trái phép, vi phạm luật pháp quốc tế của Trung Quốc trên Biển Đông hiện nay.
Theo VNExpress