CCB Nguyễn Văn Lê tìm hiểu thêm chữ Hán.

Giữa cái thời người ta đổ xô đi học thêm ngoại ngữ, vi tính mong kiếm việc làm thì ở thôn Ba, thị trấn Nam Giang (Nam Trực, Nam Định) có một lớp học chữ Hán khá đặc biệt. Ở lớp học này, người CCB, thày giáo già Nguyễn Văn Lê miệt mài truyền dạy miễn phí cho học trò chữ Nhân, chữ Đức, những lẽ sống ở đời, còn học trò thì chăm chú theo dõi tững nét chữ nét người của ông. Mỗi tuần tuy chỉ tổ chức vào hai ngày thứ bảy, chủ nhật, nhưng lớp học đã tồn tại nhiều năm nay. Người dân xung quanh gọi bằng cái tên khá ấn tượng: “lớp học của những người…hoài cổ”.

Xuất thân trong một gia đình có truyền thống Nho học, ông Lê được hưởng gia tài của bố để lại. Những năm là giáo viên cấp 1 (nay là tiểu học) ông đã vừa dạy vừa nghiên cứu thêm chữ Nho để truyền thụ cho học sinh qua những bài tập đọc. Năm 1966, ông xung phong vào bộ đội. Gần 10 năm trong quân ngũ, những nét chữ dọc ngang ấy vẫn được ông nâng niu và truyền dạy cho một số cán bộ cấp trung đội, đại đội.

Xuất ngũ, ông  trở về tiếp tục nghề dạy học ở quê. Nghỉ hưu, ông có thời gian đầu tư cho chữ Nho nhiều hơn. Trong làng, ngoài xã ai cần đến chữ nghĩa đều đến nhờ cậy. Thấy chữ Nho được nhiều người tin dùng, ông quyết định mở lớp học tại nhà cốt để giữ lại những gì tinh túy của người đời mà mình biết được cho những người kế cận. “Dạy ở lớp học này dễ mà khó. Bởi học sinh có đủ các thành phần: giáo viên, cán bộ văn hóa xã, người trông nom di tích đền chùa, lại có cả sinh viên khoa Ngữ văn Trường đại học Sư phạm I Hà Nội…” - ông Lê chia sẻ. Nhưng với kinh nghiệm của một nhà giáo về hưu, kết hợp với niềm say mê Hán học, ông Lê tìm ra được phương pháp truyền thụ phù hợp. Những năm gần đây có chương trình dạy chữ Hán trên internet, ông kết hợp cả hai cách cổ truyền và hiện đại để sọan giáo án, nhờ vậy người học tiếp thu nhanh. Nhiều học sinh đã trưởng thành dịch được các câu đối đại tự cổ.

Bước sang tuổi 85 nhưng CCB, cựu giáo chức Nguyễn Văn Lê vẫn say mê  đọc sách Hán tự để truyền đạt cho học trò. Cụ tâm sự “Sống được ngần này tuổi vẫn thấy mình làm được việc có ích cho đời thì đó là món học phí đáng giá hơn cả ngàn vàng rồi”.

Nguyễn Đức Hòe