Đây là nơi được biết đến như một kiểu mẫu về sự hợp tác quốc tế trong lĩnh vực nhân đạo nhằm khắc phục hậu quả chiến tranh. Những hoạt động có hiệu quả đã cho thấy, nơi này thực sự là một ngôi làng sống động, ở đó, các CCB và trẻ em bị nhiễm chất độc da cam/đi-ô-xin cùng được nuôi dưỡng, chăm sóc, chia sẻ cuộc sống với nhau.

Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng được sự chỉ đạo, hỗ trợ kịp thời của Hội CCB Việt Nam và sự động viên, giúp đỡ tích cực về tài chính của Ủy ban Quốc tế Làng Hữu Nghị Việt Nam, các bộ, ban, ngành T.Ư và các địa phương, đặc biệt là Bộ Quốc phòng đã tặng Làng 120 giường, 60 tủ bằng Inox, thay thế cho số giường tủ bị hư hỏng do trận mưa lụt lịch sử năm 2008 gây ra; tặng một xe ô tô 29 chỗ và hàng năm tiếp tục hỗ trợ xăng dầu, thuốc chữa bệnh phục vụ cho các đối tượng ở Làng. Bên cạnh đó là sự quan tâm chia sẻ, giúp đỡ của các tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước, sự cộng tác tích cực của các tình nguyện viên, sự tận tâm phục vụ của cán bộ, nhân viên của Làng, nên các hoạt động ở đây đã phát triển tốt đẹp với chất lượng và hiệu quả ngày càng cao, gây được ấn tượng sâu sắc ở trong nước và quốc tế.

Hàng chục nghìn lượt người từ các quốc gia trên thế giới và trong nước đã đến thăm, tặng quà và chia sẻ mọi khó khăn. Nhờ đó, Làng Hữu Nghị đã làm tốt nhiệm vụ chăm sóc, nuôi dưỡng các đối tượng là nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin được đưa đến Làng, góp phần xoa dịu nỗ đau da cam.

Sự phấn đấu và tinh thần trách nhiệm cao, với tình thương, lòng nhân ái vì nạn nhân chiến tranh, thể hiện Làng Hữu Nghị luôn duy trì đủ số 160 người trong đó có 40 CCB và 120 cháu. Trong 3 năm qua, Làng đã đón nhận và điều dưỡng cho 546 lượt CCB, đón nhận 82 cháu và đưa 82 cháu có sức khỏe tốt trở về sống với gia đình và hòa nhập với cộng đồng, xã hội.

Trong nuôi dưỡng và phục hồi chức năng, Làng Hữu Nghị luôn chú trong việc điều chỉnh mức ăn do biến động của giá cả thị trường, đồng thời duy trì vườn rau hữu cơ vừa tạo cảnh quan môi trường, vừa có rau sạch cung cấp cho bếp ăn, mỗi năm thu được từ 3 đến 3,5 tấn rau. Chăm sóc, chữa trị bệnh tật là vấn đề luôn được chú trọng bằng phương pháp đông tây y kết hợp, đã góp phần phục hồi chức năng cho CCB và các cháu bước đầu đạt kết quả tốt. Bên cạnh đó, Làng Hữu Nghị đã khám, điều trị tại Làng cho đối tượng CCB 546 lượt người; đưa đi khám và điều trị ở các bệnh viện quân đội 50 lượt người; cấp thuốc điều trị hàng ngày cho hơn 10.000 lượt người. Đối với trẻ em, đã khám và điều trị cấp tỉnh cho 1.000 trẻ em, đưa đi chỉnh hình cho 4 em…

Công tác giáo dục dạy nghề luôn được xác định là một nhiệm vụ trung tâm của Làng Hữu Nghị, bởi nơi đây sẽ giúp các cháu xóa đi những mặc cảm về tật nguyền, vươn lên trong học tập để sớm trở về hòa nhập với cộng đồng. Để duy trì được 5 lớp giáo dục đặc biệt và 4 lớp tin học, may thêu, làm hoa lụa, mỗi lớp từ 12 đến 15 cháu, đòi hỏi các giáo viên ở đây phải có lòng kiên trì, giàu lòng yêu trẻ, coi các cháu như con mình. Các lớp thêu, may, làm hoa đã tạo ra được gần 20.000 sản phẩm các loại với nhiều mẫu mã mới… Những cháu có khả năng học tập đã được gửi học ở các trường phổ thông. Hiện có 3 cháu khiếm thính theo học ở Trường câm điếc Xã Đàn, 2 cháu học tiểu học, 5 cháu học phổ thông cơ sở, 4 cháu học phổ thông trung học, một cháu học năm cuối Trường đại học Khoa học xã hội nhân văn. Những kết quả đạt được trong 3 năm qua đã góp phần cải thiện đời sống vật chất tinh thần cho các CCB và các cháu tại Làng Hữu Nghị.

Những ảnh hưởng của Làng Hữu Nghị đã vang xa và ngày càng có nhiều tổ chức cá nhân trong và ngoài nước đến thăm, tìm hiểu, giúp đỡ về nhiều mặt. Trong 3 năm qua, có gần 2.000 lượt khách của 250 đoàn từ 35 quốc gia trên thế giới đã đến thăm Làng. Nhiều tổ chức và cá nhân bày tỏ nguyện vọng mở rộng các dịch vụ, ủng hộ dự án này trong tương lai và đóng góp cho sự phát triển của Làng thông qua việc hợp tác, xây dựng cơ sở vững chắc, khắc phục những khó khăn trong quá trình thực hiện trong việc nuôi dưỡng, chăm sóc sức khỏe, giáo dục đặc biệt, dạy nghề, tương lai của vườn rau hữu cơ, xử lý nước thải, an toàn về điện… Đồng thời hoàn thành việc xuất bản cuốn lịch sử về quá trình hình thành và phát triển của Làng Hữu Nghị.

Những hoạt động thành công của Làng Hữu Nghị những năm qua đã gây được những ấn tượng sâu sắc đối với dư luận trong nước và quốc tế về một biểu tượng của sự hợp tác quốc tế vì hòa bình, nhân ái nhằm khắc phục hậu quả chiến tranh, đặc biệt đối với nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin. Xây dựng Làng Hữu Nghị thành một làng kiểu mẫu trong hoạt động từ thiện, biểu tượng của tình hữu nghị hợp tác và hòa giải để biến giấc mơ của ông Gióoc-giơ Mai-dô thành hiện thực về “Một tượng đài sống để minh chứng những gì mà con người trên thế giới có thể thực hiện khi họ cùng làm việc trong tư thế bạn bè”.

Đình Anh