Khu tập thể Dâu tằm tơ Nam Định nằm ven quốc lộ 21B (bên trái). Do không giải quyết dứt điểm về giao đất nên hiện nay xuống cấp, nhiều gian nhà đã đổ xụp.

(Tiếp theo và hết)

Bài 3: Cần một quyết định công tâm - trả lại quyền lợi cho người dân

Nửa thế kỷ sống, lao động và gắn bó với mảnh đất tập thể Xí nghiệp Dâu tằm tơ, gia đình CCB Lê Song Hào - bà Phạm Thị Bính giờ trở thành nạn nhân của những bất cập trong đo đạc, quản lý đất đai. Nhưng điều lớn hơn cả là sự bào mòn niềm tin của người dân vào công lý, công bằng. Giải quyết dứt điểm vụ việc không chỉ là trách nhiệm pháp lý, mà còn là phép thử cho sự nghiêm minh và uy tín của chính quyền cơ sở.

Hệ lụy nhãn tiền khi không chỉ còn là một thửa đất

Việc không được đo đạc, xác lập quyền sử dụng đất không chỉ ảnh hưởng đến đời sống, sinh kế của bà Bính, mà còn khiến gia đình không thể thực hiện các thủ tục như thế chấp vay vốn, phân chia tài sản, thừa kế... Phần đất bà đang sống hợp pháp nay bị “treo” trong một vùng mờ pháp lý.

Hệ quả nghiêm trọng hơn là làm gia tăng đơn thư khiếu nại, khi người dân cảm thấy quyền lợi bị xâm phạm mà không được giải quyết minh bạch. Trong khi đó, chính quyền xã Việt Hùng và huyện Trực Ninh (cũ) lại có biểu hiện né tránh, đùn đẩy.

Vụ việc của bà Bính không phải là cá biệt. Trên thực tế, tình trạng đo đạc thiếu nhất quán, phân biệt đối xử và giải quyết khiếu nại chậm trễ xảy ra ở không ít địa phương. Những vụ việc tưởng chừng nhỏ lẻ này đang tích tụ thành khối u nhức nhối trong công tác quản lý đất đai, tạo ra cảm giác bất công trong nhân dân.

Đây chính là lúc các cơ quan chức năng của UBND tỉnh Ninh Bình (mới) và Thanh tra Chính phủ cần vào cuộc, làm rõ trách nhiệm của từng cán bộ, từng cấp chính quyền (cũ) của tỉnh Nam Định. Nếu có sai sót trong đo đạc - phải sửa; nếu có khuất tất, thiên lệch - phải xử lý; nếu có sự trì trệ, né tránh - phải chấn chỉnh.

Từ vụ việc của bà Bính, mới đây, nhiều hộ dân của Khu tập thể tiếp tục có ý kiến. Ngày 16-6-2025, thương binh hạng 1/4 Trần Văn Tuyến và một số công dân của Khu tập thể đã vượt hàng trăm cây số đến Trụ sở tiếp công dân của Bộ Nông nghiệp và Môi trường phản ánh vụ việc và đề nghị được đăng ký gặp lãnh đạo Bộ trong kỳ tiếp công dân để “cầu cứu”.

Tiếng kêu đã thấu tới cấp T.Ư. Ngày 26-6-2025, tại buổi tiếp công dân định kỳ của lãnh đạo Bộ, Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa tiếp thương binh Trần Văn Tuyến và một số công dân của Khu tập thể.

Tại buổi tiếp công dân, ông Tuyến thay mặt các hộ dân có đơn trình bày về thực trạng cũng như nguồn cơn nhà cửa của Khu tập thể mà các hộ dân đã được Xí Nghiệp Dâu tằm tơ Hà Nam Ninh (cũ) bán thanh lý từ đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Theo ông Tuyến trình bày, ngày 22-1-1999, UBND tỉnh Nam Định (nay là tỉnh Ninh Bình mới) ban hành Quyết định số 82/1999/QĐ-UBND về việc thu hồi đất của Xí nghiệp Dâu tằm tơ Nam Định để giao đất cho nhân dân xã Việt Hùng (nay là xã Cát Thành, tỉnh Ninh Bình) do di chuyển GPMB xây dựng cầu Lạc Quần và cán bộ Xí nghiệp Dâu tằm tơ Nam Định để tự xây dựng nhà ở. Nhưng trớ trêu - sau đó địa phương (tức UBND huyện Trực Ninh cũ được UBND tỉnh Nam Định giao nhiệm vụ) mới tổ chức giao đất cho 21 hộ nhân dân xã Việt Hùng do di chuyển cầu Lạc Quần; đối với các hộ là cán bộ công nhân viên của Xí nghiệp thì chưa được giải quyết và giao đất làm nhà ở như Quyết định 82 của UBND tỉnh Nam Định đề cập.

Tại buổi tiếp của lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, ông Tuyến và các hộ dân đề nghị được thực hiện dứt điểm theo Quyết định 82 và lập thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ.

Trả lại sự thật cho đất - trả lại công lý cho người dân

Trong bối cảnh Đảng, Nhà nước đang đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tăng cường quản trị công minh bạch và trách nhiệm giải trình, việc giải quyết dứt điểm các vụ khiếu nại như của bà Phạm Thị Bính hay như trường hợp của thương binh 1/4 Trần Văn Tuyến là điều cần làm ngay. Không thể để một công dân - lại là vợ của một CCB và một thương binh nặng như ông Tuyến và những cựu công nhân của Xí nghiệp Dâu tằm tơ Nam Định từng có đóng góp cho đất nước - tiếp tục bị hành chính hóa nỗi khổ riêng.

Hơn cả một thửa đất, đây là bài toán về sự công bằng, về uy tín của bộ máy chính quyền cơ sở trước dân.

Nếu chính quyền địa phương thực sự cầu thị, lắng nghe và hành động vì dân, việc giải quyết vụ việc của bà Phạm Thị Bính hay như của trường hợp thương binh Trần Văn Tuyến... không phải là điều quá khó. Ngược lại, nếu tiếp tục né tránh và im lặng, không chỉ một thửa đất bị bỏ quên, mà còn là một phần niềm tin của người dân vào thể chế, vào công lý bị đánh mất.

Theo Điều 101 Luật Đất đai 2013, các trường hợp sử dụng đất ổn định trước ngày 1-7-2004 mà không có tranh chấp, có xác nhận của chính quyền hoặc đơn vị sử dụng đất thì đủ điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Hơn nữa, Điều 75 của Luật cũng quy định rõ: người sử dụng đất hợp pháp thuộc diện thu hồi sẽ được bồi thường nếu đáp ứng điều kiện sử dụng đất ổn định, có chứng từ thanh toán hoặc giấy tờ xác nhận nguồn gốc đất.

Bà Bính hay ông Tuyến cũng như các hộ dân của Khu tập thể Dâu tằm tơ Nam Định không phải là người chống đối chính quyền hay chây ỳ trong các thủ tục hành chính. Ngược lại, các hộ dân thể hiện thiện chí hợp tác cao: Chủ động báo cáo, đề xuất đo đạc; sẵn sàng cung cấp tài liệu, chứng cứ; và chấp nhận phương án di dời nếu việc thu hồi là hợp pháp và công bằng. Điều bà Bính và ông Tuyến... mong mỏi chỉ là một cách giải quyết công tâm và đúng pháp luật.

Các tài liệu bà Bính hay ông Tuyến cung cấp rất rõ ràng, gồm: Biên lai nộp tiền, văn bản xác nhận của nguyên lãnh đạo Xí nghiệp - là những thành viên Hội đồng thanh lý nhà/đất thời điểm năm 1991-1992, ảnh chụp quá trình sử dụng đất, và đơn từ gửi các cấp chính quyền. Việc không được đo đạc, không được xác nhận đất vườn gia đình bà quản lý, hay như chậm trễ việc giải quyết giao đất theo Quyết định số 82 nêu trên, khiến bà Bính và các gia đình rơi vào thế thiệt thòi, tổn thương cả vật chất lẫn tinh thần.

Từ vụ việc trên, có thể thấy rõ dấu hiệu bất cập trong cách làm việc của một số cán bộ địa phương khi xử lý hồ sơ đất đai, đặc biệt là ở các khu tập thể cũ - nơi có nhiều yếu tố lịch sử và văn bản hành chính đặc thù.

Vì vậy, Báo CCB Việt Nam kiến nghị: UBND tỉnh Ninh Bình và Sở Nông nghiệp và Môi trưởng tỉnh Ninh Bình cần kiểm tra lại toàn bộ hồ sơ đo đạc, xác minh quá trình quản lý, sử dụng diện tích đất vườn, cũng như đất ở của các gian nhà tập thể tại Xí nghiệp Dâu tằm tơ Nam Định mà các hộ dân đã mua hóa giá nhà và công khai - giải thích cho người dân.

Đồng thời tổ chức đối thoại công khai với sự tham gia của đại diện Xí nghiệp Dâu tằm tơ Nam Định - nơi phát sinh nguồn gốc đất, cùng đại diện hộ dân, để làm rõ thực tế và xác định đúng đối tượng được hưởng quyền lợi.

Gần 50 năm gắn bó với mảnh đất nhỏ bé, bà Bính hay ông Tuyến và các hộ dân của Khu tập thể chỉ mong có một cách giải quyết hợp lý và công bằng. Trong bối cảnh xây dựng Nhà nước pháp quyền, không thể có chỗ cho sự thiếu nhất quán, thiếu minh bạch và vi phạm quyền lợi chính đáng của người dân - nhất là những người từng cống hiến, phục vụ trong các cơ sở sản xuất của Nhà nước như bà Bính hay ông Tuyến...

Tư Hoành