Ví như vi khuẩn liên cầu lợn thường cư trú quanh năm ở họng một số con lợn mà không gây bệnh. Nhưng khi lợn nhiễm vi-rút thì sức miễn dịch suy giảm khiến vi khuẩn liên cầu phát triển mạnh, gây bệnh viêm phổi, nhiễm trùng huyết. Khi mổ thịt những con lợn bệnh này, hoặc đi tiêu hủy mà không đúng cách, rồi chế biến thịt trước khi đun nấu, thậm chí có nhiều người do không biết lợn bệnh nên vẫn ăn các sản phẩm tươi sống như tiết canh, lòng lợn, nem chạo… thì cơ thể người sẽ hấp thu lượng lớn vi khuẩn liên cầu lợn

Đối với lợn mắc bệnh tai xanh, rất khó để nhận biết. Vì thế, khi đi mua cần quan sát kỹ, chọn thịt tươi, không bị tụ máu, không quá bóng, không có mùi kháng sinh, sờ vào ấm, nóng, hơi dính. Nếu thịt cứng, nhão hoặc nồng mùi thuốc kháng sinh thì có thể thịt bệnh, thịt ôi. Nếu là lợn dịch còn sống, biểu hiện là tai cụp, tím tái, bỏ ăn, sổ mũi, trào bọt mép. Người tiêu dùng có thể cảnh giác với thịt lợn nhiễm khuẩn liên cầu bằng mắt thường bằng cách: Nếu thấy thịt lợn có màu đỏ khác thường, xuất huyết hoặc phù nề thì tuyệt đối không được ăn. Đặc biệt, đường lây của bệnh từ lợn sang người rất dễ dàng, vì thế người dân cần thực hiện các biện pháp bảo hộ như đeo găng tay, khẩu trang khi chế biến, giết mổ và chăn nuôi lợn.

Sau khi chế biến, phải rửa tay bằng xà phòng. Đặc biệt, mọi người nên sử dụng thịt lợn đã nấu chín, không nên ăn thịt tái, tiết canh lợn, lòng, nem chạo, nem chua… vì khi đó vi khuẩn vẫn tồn tại trong thịt và có thể gây bệnh cho người.

Cao Thúy