Vệ Út” Nguyễn Ngọc Sơn năm 1947 và hôm nay.

Chúng tôi may mắn được gặp hai chiến sĩ Vệ Út năm xưa của Trung đoàn Thủ đô ở nhà ông Phùng Đệ tại phố Phan Đình Phùng, Hà Nội. Gần đến kỷ niệm Ngày giải phóng Thủ đô,cũng là lúc Hà Nội vào thu với dịu dàng hương cốm mới.

Dường như nét thanh bình của Hà Nội hôm nay càng đáng quý hơn khi chúng tôi được nghe lại câu chuyện Hà Nội tưng bừng ngày trở về và cả những bi hùng của ngày hai ông cùng Trung đoàn phải tạm xa Thủ đô lên chiến khu.

Đến bây giờ, ông Phùng Đệ vẫn nhớ như in không khí của ngày trở về trong rạng rỡ cờ hoa: “Bốn cái xe mô-tô rô-ba, hồi đó là oai lắm. Ngồi trên tàu điện hát “Giải phóng Điện Biên”, “Tiến về Hà Nội”... Nhà nào cũng treo cờ, người dân đứng vẫy tay như đón những người con trở về...”.

        Xa Hà Nội khi mới 13 tuổi, trong thân phận một cậu bé mồ côi cả cha lẫn mẹ, ngày trở về, Phùng Đệ đã trở thành một chàng trai cường tráng. Những con phố Hà Nội ngày trở về thật quen mà như lạ. Không còn những ụ công sự, không còn cây và cột đèn nằm ngổn ngang cản xe cơ giới của địch như ngày ông vượt vòng vây rời xa Hà Nội.

        Nói về cái tên “Vệ Út”, ông Phùng Đệ kể: “Tên Vệ Út chính là chúng tôi nghĩ mãi mới ra. Hồi xưa có anh “Vệ Túm” - quần áo bộ đội rách quá, phải lấy lạt túm lại. Vệ Út là bé nhất, từ đấy Vệ Út trở thành tên chung của những thiếu niên Hà Nội quyết tử trong Trung đoàn Thủ đô”.

Cùng rời Hà Nội với Trung đoàn lên chiến khu, nhưng Vệ Út Nguyễn Ngọc Sơn không may mắn được trở về đúng ngày tiếp quản Thủ đô. Mỗi năm gặp nhau dịp tháng 10 thì hai ông lại bùi ngùi nhớ về mùa đông năm 1946 và chuyến hành quân thần kỳ phải tạm rời xa Hà Nội...

Ngày toàn quốc kháng chiến (19-12-1946) hai cậu bé Phùng Đệ và Nguyễn Ngọc Sơn, cũng như nhiều thiếu niên khác, nhất định không rời Hà Nội, mà ở lại làm chiến sĩ liên lạc và trinh sát cho các đội Tự vệ. Năm ấy, ông Đệ 13 tuổi, còn ông Sơn mới lên 10.

“Vệ Út” Phùng Đệ năm 1947 và hôm nay.

Ông Phùng Đệ kể lại chuyện xưa trong niềm hãnh diện khôn tả: “Còn bé nên chủ yếu làm liên lạc. Nhưng người nhỏ bé mà làm liên lạc thì tiện lợi lắm. Đường phố không đi được. Từ phố nọ sang phố kia đều đục tường để chui, khiến nhà nào cũng mấy cái lỗ. Người nhỏ chui dễ và nhanh hơn...”.

Còn Vệ Út Sơn hào hứng: “Là liên lạc của Đội tự vệ chợ Đồng Xuân, tôi được giao nhiệm vụ đến phố Cửa Đông đếm xe Tây ra vào và đi “rình” ở các trụ sở Quốc dân đảng xem ai đến, ai đi ra rồi về báo cáo. Khi ấy, tôi còn vận động được hai người nữa là anh Văn và anh Thuyết vào đội tự vệ. Hơn tôi vài tuổi, cùng cảnh cầu cơ cầu bất nên được làm liên lạc cho đội tự vệ thì các anh rất hăng hái. Nhờ báo cáo tình hình địch kịp thời và “tuyển” thêm được hai người vào Đội nên tôi được Trung đội thưởng cho một con dao găm...”.

Những ngày đầu toàn quốc kháng chiến, trên từng khu phố Hà Nội, tự vệ đã đắp ụ, đào hào, ngả cây… rồi mang cả bàn ghế, giường tủ làm chiến lũy đánh địch. Giao thông bằng cách đục tường để chui từ nhà nọ sang nhà kia...

Nhân dân góp tiền mua vũ khí cho đội tự vệ. Hôm phát súng, Vệ Út Sơn được Trung đội trưởng Nguyễn Duân giao cho một khẩu súng ngắn với 5 viên đạn. Dạy bắn mất một viên, còn 4 viên để khi gặp Tây thì bắn. Vũ khí thì vậy, còn quần áo thì ai có gì mặc nấy. Thiếu thốn, rách rưới cũng không sao. Hằng ngày, mọi người vẫn ăn nghỉ tại nhà, có lệnh thì tập trung làm nhiệm vụ.

Sau 2 tháng chiến đấu kìm chân địch trên địa bàn Thủ đô, Trung đoàn được lệnh rút quân khỏi Hà Nội để bảo toàn lực lượng. Cuộc lui quân được coi như là một trận đánh. Đến bây giờ cả hai Vệ Út - Phùng Đệ và Ngọc Sơn vẫn không thể quên được cuộc lui quân lịch sử ấy.

Tối 17-2-1947, trời mưa phùn, gió bấc lạnh tái tê. Cả Trung đoàn lặng lẽ rời Hà Nội. Hơn 1.000 chiến sĩ, cánh tay trái đeo băng vải màu vàng và phù hiệu bằng đồng, dập nổi hình tháp Rùa trong ngọn lửa, có bốn chữ: “Trung đoàn Thủ đô” bí mật di chuyển dưới chân cầu Long Biên. Hồi hộp, lo lắng đến thót cả tim nhưng cũng thật hãnh diện với phù hiệu. Tấm phù hiệu quý giá ấy, đến nay các ông vẫn còn lưu giữ cẩn thận. Hằng ngày hoạt động độc lập nên chẳng biết nhau, đến ngày hành quân này, hai người mới gặp và gắn bó với nhau như hai anh em vậy.

Từng hàng người nắm tay vào sợi dây thừng để khỏi lạc, vượt qua gầm cầu sang bãi giữa sông Hồng, đi tiếp đến Tứ Liên thì lên đò quay trở lại bên hữu ngạn rồi hành quân lên xã Thượng Hội, Đan Phượng, Sơn Tây. Chân bước đi, quay nhìn lại thấy lửa cháy thì xót ruột lắm, lại nhớ phố, nhớ Hà Nội...

Khi Trung đoàn đến ATK Thái Nguyên, Đội Thiếu niên Quyết tử Thủ đô đã được phân chia ra: Những em đủ 15 tuổi được biên chế vào đơn vị chiến đấu. Số 14 tuổi biên chế thành trung đội võ trang. Còn lại, dưới 14 tuổi như hai anh em tôi thì được biên chế thành Đội Tuyên truyền, sau thành Đội Tuyên văn…

Cho đến nay, những Vệ Út năm xưa luôn gắn bó với nhau như anh em ruột thịt. Ngày Trung đoàn Thủ đô thực hiện cuộc lui quân thần kỳ ấy được các ông lấy làm ngày gặp mặt hằng năm. Vì nhờ có cuộc hành quân ấymà họ gặp và biết nhau.

Quang Vũ - Hạnh Phương