Ông Dương Văn Nghiệm, xã Song Phụng (Long Phú) bên chuồng dê của gia đình cho thu nhập tốt hàng năm.

Phát huy phẩm chất truyền thống Bộ đội Cụ Hồ, những hội viên Hội Cựu chiến binh (CCB) huyện Long Phú đã mạnh dạn thực hiện các mô hình kinh tế để vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng. Nhiều hội viên đã phát triển các mô hình trồng trọt, chăn nuôi hiệu quả, đem lại nguồn thu nhập tốt tại hộ, trong số đó có ông Dương Văn Nghiệm, xã Song Phụng và ông Trần Văn Múa, thị trấn Đại Ngãi.

Tìm đến nhà ông Dương Văn Nghiệm, xã Song Phụng (Long Phú) đúng lúc ông vừa đi cắt cỏ cho đàn dê ăn về. Gặp chúng tôi, ông Nghiệm nở nụ cười rồi bộc bạch: “Có được mô hình chăn nuôi dê tại hộ phát triển tốt như hiện tại chính là nhờ sự hỗ trợ của hội CCB. Với 2 con dê sinh sản, do Hội CCB thị trấn hỗ trợ năm 2019, tôi chăm sóc cẩn thận bằng cách làm chuồng, cung cấp đầy đủ thức ăn cho dê hàng ngày. Qua 6 tháng chăm sóc, dê bắt đầu sinh sản, 2 dê mẹ sinh sản 2 lần/năm. Khi dê sinh sản thấy con cái tốt, tôi giữ lại để cho chúng sinh sản thêm".

Cứ thế mà số lượng dê của gia đình ông Nghiệm tăng dần và ông đã có thu nhập khá, gần 60 triệu đồng khi bán 17 con dê thịt. "Để có đủ lượng cỏ cho dê ăn, tôi tận dụng bờ mương quanh vườn trồng cỏ và đi tìm thêm cỏ ngoài tự nhiên. Ngoài chăn nuôi dê, tôi còn trồng đa dạng các loại cây, như: vú sữa tím, vú sữa lò rèn, nhãn xuồng cơm vàng, chanh không hạt… tại khu vườn có diện tích 8 công, cho thu nhập gần 80 triệu đồng/năm. Dự định sắp tới, tôi sẽ tăng số lượng dê cái sinh sản lên 10 con để cho chúng sinh sản bán con giống, tăng thêm thu nhập” - ông Nghiệm cho biết thêm.

Cũng là hội viên được Hội CCB huyện hỗ trợ nguồn vốn phát triển kinh tế, ông Trần Văn Múa, ấp An Đức, thị trấn Đại Ngãi (Long Phú) đã chuyển đổi vườn nhãn xuồng cơm vàng lâu năm, hiệu quả kinh tế thấp sang trồng cây thanh long ruột đỏ. Đưa chúng tôi ra thăm vườn thanh long ruột đỏ với tổng diện tích 5.000m2, ông Múa tâm tình: “Bản thân tôi luôn tìm tòi học hỏi, lựa chọn các mô hình kinh tế hiệu quả để sản xuất nhằm đem về nguồn thu nhập ổn định cho gia đình. Do đó, sau khi nhận được nguồn vốn hỗ trợ từ Hội CCB huyện là 10 triệu đồng, tôi mạnh dạn chuyển đổi vườn nhãn sang trồng cây thanh long ruột đỏ. Tính đến thời điểm hiện tại, vườn thanh long đã cho thu hoạch được 3 năm, mỗi năm thu hoạch khoảng 4 - 5 đợt trái, tổng sản lượng tầm 15 tấn/năm. Đồng thời, để thanh long bán được giá tốt, tôi chọn cách chăm sóc thanh long theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm và sau thu hoạch trái tôi thường đem thanh long đến tận vựa thu mua của tỉnh Vĩnh Long để bán. Nhờ đó, thu nhập tăng cao hơn so với bán tại vườn. Hiện tại, vườn thanh long của gia đình đang tiếp tục ra hoa và cho trái, hy vọng dịch bệnh Covid-19 qua mau, để đến khi vườn thanh long thu hoạch trái, có giá bán tốt hơn”.

Phó Chủ tịch Hội CCB huyện Long Phú Thạch Thanh Tâm thông tin: "Ông Dương Văn Nghiệm và Trần Văn Múa là gương CCB điển hình tiêu biểu trong phát triển kinh tế hộ. Mô hình của 2 hội viên trên thường được đưa ra giới thiệu tại các cuộc họp để các hội viên học hỏi, làm theo. Trong thời gian tới, Hội CCB huyện tăng cường vận động, động viên hội viên giúp nhau về vốn, giống, vật chất, kinh nghiệm, kiến thức nhằm giúp nhau giảm nghèo, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, vươn lên làm giàu. Đồng thời, tiếp tục duy trì các hoạt động tình nghĩa trong tổ chức hội, như: giúp nhau trong sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế, thăm hỏi động viên nhau khi gặp khó khăn.

THÚY LIỄU