Những năm tháng làm nhiệm vụ quốc tế ở Cam-pu-chia, trong một trận chiến đấu ác liệt với bọn diệt chủng Pôn Pốt - Iêng Xari tại thị trấn Tà Keo, anh bị thương nặng (vỡ hộp sọ, hỏng 1 mắt, vết thương ngực, tay). Sau khi điều trị và điều dưỡng một thời gian, anh về quê hương làm đủ nghề để sống, song vẫn không hết khó khăn, bởi lúc đó con gái anh bị ung thư máu, phải chạy chữa thuốc men, tốn kém, nhưng không qua khỏi.
Năm 1983, anh được Sở LĐTB & XH tín nhiệm, cử làm Chủ tịch Hội đồng thương - bệnh binh tỉnh, nhưng là thương binh nặng, mất sức 91%, nên chỉ đến năm 1990, anh lại về an dưỡng tại gia đình, có một định suất nuôi dưỡng là vợ. Vào thời điểm ấy đất nước còn biêt bao khó khăn, anh lại phải đi lên từ căn nhà lụp xụp, mấy sào ruộng, rồi con heo con gà…
Mấy năm sau, anh chuyển sang trồng cây thanh long, từ 400 trụ lên hơn 1.000 trụ, kết hợp nhiều việc khác như mở dịch vụ bi-da, bán tạp hóa sách vở, nước giải khát… Mỗi năm, trừ chi phí gia đình đã thu nhập được trên dưới 100 triệu đồng…
Khắc phục thương tật, lo làm ăn vất vả, song trong cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, anh chịu khó nghiên cứu các chuyên đề, tham dự đầy đủ các cuộc thi kể chuyện về đạo đức Hồ Chí Minh, từ đó soi rọi lại mình. Tết năm 2008, anh bàn với vợ trích khoản trợ cấp thương binh của mình 500 ngàn đồng tặng cho 5 người già neo đơn trong thôn. Năm trước nữa, anh bàn với vợ hiến 300m2 đất của gia đình cho nhân dân làm Nhà Văn hóa. Năm 2008, anh được UBND tỉnh chọn cùng 6 chị em khác đi dự Hội nghị đại biểu người có công “Gương giỏi kháng chiến, giỏi kiến quốc và giàu lòng nhân ái” do Trung tâm giáo dục truyền thống và lịch sử T.Ư tổ chức tại Hà Nội, anh vinh dự được tặng Huy hiệu Bác Hồ và Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp giáo dục truyền thống lịch sử dân tộc”…
Bài và ảnh: Phan Kế Toán