Cách đây hơn 60 năm, trong một căn lán nhỏ bên bờ sông Đáy thuộc tỉnh Tuyên Quang, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bài báo “Dân vận”. Bài đăng trên Báo Sự thật, số 120 ra ngày 15-10-1949 với bút danh X.Y.Z. Toàn bài chỉ có 612 chữ nhưng đây được coi là một tác phẩm kinh điển về công tác vận động quần chúng đối với mỗi cán bộ, đảng viên.
Ngày nay đọc lại bài báo, tưởng như Người mới viết gần đây thôi. Bác nhìn rõ tim gan của những “ông quan cách mạng” khi có quyền hành trong tay thường mắc phải. Đó là xa dân, mà xa dân là một trong những nguy cơ của Đảng cầm quyền. Trong bài viết, Bác căn dặn rất cặn kẽ: “…Nước ta là một nước dân chủ. Bao nhiêu lợi ích đều vì dân/ Bao nhiêu quyền hạn đều của dân/ Sự nghiệp kháng chiến kiến quốc là công việc của dân/ Chính quyền từ xã đến Chính phủ Trung ương do dân cử ra/ Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên/ Nói tóm lại quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”.
Thật là rõ ràng, thật là dễ hiểu với bất cứ trình độ nào. Tiếc rằng cho đến hôm nay, ở nơi này nơi kia vẫn còn có người học tập lời Bác mà cứ như nước đổ lá khoai. Còn không ít cán bộ, đảng viên chưa thông cảm với nguyện vọng, bức xúc của dân, thậm chí tệ hơn còn xâm phạm lợi ích, vi phạm quyền làm chủ của dân, bị dân oán ghét, chê trách. Mà nguyện vọng, bức xúc của dân hôm nay khác hẳn 60 năm trước. Có những việc va chạm hằng ngày ví như: Hiện tượng nhũng nhiễu ở bệnh viện, tranh nhau xếp hàng xin cho con vào nhà trẻ, giấy tờ nhà đất, giấy tờ hộ khẩu, thu hồi đất đai giải phóng mặt bằng… Lớn hơn thì ví như: Tham nhũng ngày càng phức tạp; tệ nạn xã hội chậm được khắc phục; phân hóa giàu nghèo ngày càng lớn…
Trước những ý kiến của dân, người lười biếng thường lưu “ngâm cứu” kính chuyển lên trên, gửi lại địa phương giải quyết. Những người thiếu trách nhiệm thường né tránh, đùn đẩy. Kẻ biến chất, cơ hội thì hoặc là dùng thủ đoạn tinh vi, độc ác để trả đũa; hoặc là ngạo mạn thách thức bằng sự im lặng. Những hiện tượng đó ta hay gọi đó là rơi vào “im lặng đáng sợ”!
Sự im lặng ấy gây tổn thương cho người này, người khác. Nó gây bất bình, làm mất lòng tin của dân. Lịch sử đã cho ta những bài học thực tế về lực lượng vĩ đại của dân. Điều này được Bác nhấn mạnh trong câu kết của bài báo: “Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”.
Người dân có thể nhẫn nại, điềm tĩnh, có thể nóng nảy bực bõ. Ý kiến có cái đúng, cái chưa đúng. Cái đúng thì phải giải quyết; cái chưa đúng thì phải giải thích. Im lặng để dân chán không nói nữa thì mới thật đáng sợ!
Rừng đại ngàn hoang vắng không đáng sợ bằng dân im lặng!
Xuân Lộc