Vi khuẩn HP có thể lây nhiễm vào cơ thể người bằng nhiều con đường khác nhau.
Đường miệng: Đây là con đường lây lan chủ yếu của vi khuẩn HP. Người lành tiếp xúc nước bọt hoặc dịch tiết đường tiêu hóa với người nhiễm bệnh và trở thành người mắc bệnh. Nếu trong gia đình có người mắc vi khuẩn HP thì có khả năng cao những thành viên khác trong gia đình cũng bị nhiễm bệnh thông qua các sinh hoạt hằng ngày như: Dùng chung bát, đũa, bàn chải đánh răng, bát nước chấm gia vị, hôn nhau, mẹ mớm cơm cho con…
Đường phân: Vi khuẩn sẽ được đào thải ra ngoài qua phân và là nguồn lây lan bệnh viêm loét dạ dày do vi khuẩn HP nếu người nhiễm không có ý thức rửa tay bằng xà phòng sạch sẽ sau khi đi vệ sinh. Bên cạnh đó, người lành cũng có thể nhiễm bệnh qua các loài vật trung gian như: Muỗi, gián, chuột… hoặc lây bệnh nếu ăn thực phẩm sống chưa qua chế biến như rau sống, gỏi sống…
Ngoài ra, nếu bệnh nhân đến thăm khám tại các bệnh viện hoặc cơ sở y tế nơi các thiết bị y tế không được tiệt trùng, khử khuẩn sạch sẽ, bệnh nhân rất có thể bị lây nhiễm vi khuẩn HP thông qua việc nội soi dạ dày, nội soi tai, mũi, họng, khám nha khoa…
Cách phòng ngừa vi khuẩn HP
Dựa vào nguyên nhân gây bệnh của vi khuẩn HP, chúng ta có thể chủ động phòng tránh bằng cách:
Nếu trong gia đình có người thân mắc viêm dạ dày HP, tuyệt đối nên tránh sự lây nhiễm của vi khuẩn thông qua nước bọt và dịch tiết đường tiêu hóa, rửa tay bằng xà phòng sạch sẽ sau khi đi vệ sinh.
Không ăn những thức ăn ngoài đường phố, vệ sinh sạch sẽ các dụng cụ chế biến thức ăn, không ăn những thực phẩm chưa qua chế biến như rau sống, gỏi …
Thường xuyên kiểm tra sức khỏe định kỳ 1 năm/lần với người khỏe mạnh và 6 tháng/lần với người mang mầm bệnh. Lựa chọn các bệnh viện, cơ sở khám sức khỏe uy tín để thăm khám.
Nếu đã nhiễm vi khuẩn HP, người bệnh cần được tầm soát sớm để tránh những biến chứng nặng hơn và nếu cần thiết, bác sĩ sẽ có phác đồ điều trị, tránh lây lan cho những người thân trong gia đình cũng như cộng đồng.
Minh Anh