Nhận bàn giao từ BCH lâm thời chuyển qua âm 165 ngàn đồng (năm 1994). Cận đã nhiều đêm trăn trở và quyết định thay mặt Hội nhận phát hoang thuê 25 ha rừng cho một chủ trang trại, thu về 21 triệu đồng, rồi nhận trồng ở dự án kè đập Nghĩa Hy thu về 11 triệu đồng. Việc làm của Cận làm cho hội viên phấn khởi, mặc dù vất vả một chút. Có tiền Cận tổ chức cho hội viên ra Hà Nội viếng Bác, thăm thủy điện Hòa Bình, Bảo tàng Lịch sử, Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam, quê nội quê ngoại của Bác ở Nam Đàn, thời gian 4 ngày, chi phí hết 19 triệu đồng. Những hội viên không đi được, Cận bàn với BCH mua tặng mỗi đồng chí một áo xuân hè sĩ quan quân đội. Khí thế lên, Cận mời giám đốc Ngân hàng phục vụ người nghèo tới thăm Hội và đề nghị cho lập dự án vay vốn. Được ngân hàng nhất trí, Cận thành lập Ban dự án, do Cận làm tổ trưởng và vận động vợ cho mượn sổ đỏ để thế chấp. Nhờ vậy, Hội đã vay được 1,5 tỉ đồng. Chỉ qua 2 năm vay vốn, Hội đã xóa được nghèo cho 27 hộ, trong đó có 4 hộ vươn lên khá.

Hiện tại nơi đây có HTX khai thác đá Thượng Lâm, do Hội đứng ra thành lập, thu hút 13 gia đình CCB tham gia; có cặp vợ chồng Trần Tạo, Lê thị Nga trồng tiêu, năm vừa rồi thu hoạch 4 tấn được 200 triệu đồng. Ngoài ra, có 7/22 chi hội trồng 14 ha rừng… Về các mặt công tác, Hội thực sự là chỗ dựa tin cậy của Đảng, chính quyền và nhân dân địa phương. Hội đã được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen (năm 2006), được T.Ư Hội tặng cờ thi đua xuất sắc (năm 2004), còn Nguyễn Đăng Cận thì được đi dự Đại hội thi đua yêu nước Hội CCB Việt Nam lần thứ 3, được T.Ư Hội tặng bằng khen!...

LÊ VĂN MINH