Các triệu chứng của bệnh quai bị.

Bệnh quai bị lây theo đường hô hấp. Virus có trong nước bọt hoặc dịch tiết mũi họng của người bệnh bắn ra ngoài không khí khi bệnh nhân ho, hắt hơi, khạc nhổ, nói chuyện... Người lành hít phải trực tiếp hoặc tiếp xúc gián tiếp qua các đồ dùng bị nhiễm dịch hô hấp do bệnh nhân thải ra sẽ có nguy cơ mắc bệnh.

Bệnh quai bị hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, phương pháp chủ yếu là điều trị triệu chứng, tăng cường dinh dưỡng, nâng đỡ cơ thể, phát hiện và xử trí sớm các biến chứng viêm tinh hoàn, viêm màng não... Chính vì thế, việc chủ động phòng bệnh rất quan trọng.

Để chủ động phòng, chống bệnh quai bị, người dân cần tiêm vắc-xin phòng bệnh quai bị. Đây là biện pháp dự phòng chủ động, an toàn nhất đối với bệnh quai bị. Vắc-xin quai bị có hiệu lực bảo vệ đạt trên 95%, gây được miễn dịch lâu bền. Có thể tiêm vắc-xin quai bị sớm cho trẻ từ 12 tháng tuổi, trẻ dậy thì, thiếu niên và người trưởng thành chưa có miễn dịch, đặc biệt những người làm việc trong các nhà trẻ, mẫu giáo, trường tiểu học, trường phổ thông, nhân viên khoa lây của bệnh viện. Trường hợp tiếp xúc với bệnh nhân mắc quai bị mà chưa tiêm vắc-xin phòng quai bị thì cần phải tiêm ngay trong vòng 72 giờ để có thể bảo vệ bản thân tránh lây nhiễm.

Thường xuyên rửa tay với xà phòng, bảo đảm vệ sinh nhà ở, lớp học, vệ sinh cá nhân sạch sẽ, đặc biệt là đường hô hấp, thường xuyên đeo khẩu trang để tránh những viêm nhiễm gây nên bệnh quai bị.

Khi có người bị bệnh phải cho nghỉ tại nhà để cách ly (khoảng 10 ngày), tránh lây lan cho các người khác.

Khi có người bị bệnh hoặc nghi ngờ bị bệnh phải đến ngay cơ sở y tế để được khám, tư vấn, xử trí kịp thời, đặc biệt là với những trường hợp bị khó nuốt, khó thở, viêm tinh hoàn.

Minh Anh