Thời gian gần đây, trên địa bàn thị xã Đông Triều (Quảng Ninh) xảy ra nhiều vụ lừa đảo sử dụng công nghệ cao qua mạng internet, mạng viễn thông, gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Muôn hình vạn trạng cách thức lừa đảo
Hầu hết, các đối tượng hoạt động phạm tội thường sử dụng các thủ đoạn như: Giả danh các nhà mạng gọi điện thông báo số thuê bao điện thoại đã trúng thưởng tài sản có giá trị lớn, sau đó chúng yêu cầu để nhận được tài sản đó phải mất phí, nếu đồng ý thì mua thẻ cào nạp vào số tài khoản mà các đối tượng lừa đảo cung cấp, khi người dân đóng tiền vào để nhận thưởng thì các đối tượng chặn liên lạc và chiếm đoạt số tiền đó.
Không chỉ vậy, hình thức giả danh là cán bộ ngân hàng gọi điện cho bị hại thông báo bị hại có người chuyển tiền vào tài khoản nhưng bị lỗi nên chưa chuyển được hoặc thông báo phần mềm chuyển tiền Internet Banking của khách hàng bị lỗi... nên yêu cầu khách hàng cung cấp mã số thẻ và mã OTP để kiểm tra. Các đối tượng sử dụng thông tin bị hại cung cấp để truy cập vào tài khoản và rút tiền của bị hại.
Hay giả danh cán bộ công an, tòa án gọi điện cho người dân có liên quan vụ án hoặc xử phạt nguội vi phạm giao thông yêu cầu bị hại chuyển tiền vào tài khoản mà các đối tượng lừa đảo đưa ra để phục vụ công tác điều tra. Khi người dân do lo sợ chuyển tiền vào tài khoản các đối tượng yêu cầu thì các đối tượng chuyển tiếp số tiền đó vào nhiều tài khoản khác để chiếm đoạt…
Lợi dụng không gian mạng để... lừa đảo
Ngoài các hình thức gọi điện giả danh cán bộ ngân hàng, cán bộ công an, tòa án... để lừa đảo, các đối tượng còn thông qua các sàn giao dịch trên mạng để lừa khách hàng. Thông thường chúng mời chào, lôi kéo bị hại tham gia đầu tư vào các sàn giao dịch tiền ảo do đối tượng lập, cam kết sẽ hưởng lợi nhuận cao khi tham gia hệ thống. Các đối tượng thường quảng bá, đánh bóng tên tuổi bằng cách đăng tin, bài trên các trang mạng xã hội, tổ chức các buổi hội thảo, gặp mặt online, tự nhận là chuyên gia đầu tư, người truyền cảm hứng, người dẫn đường...để lừa đảo, kêu gọi đều tư vào hệ thống do chúng thiết lập. Khi huy động được lượng tiền đủ lớn, các đối tượng sẽ can thiệp vào các giao dịch, điều chỉnh thắng, thua hoặc báo lỗi, ngừng hoạt động (sập sàn) để chiếm đoạt tiền của người tham gia.
Đối tượng sử dụng thông tin cá nhân, hình ảnh của các đồng chí lãnh đạo chính quyền, các cơ quan, đoàn thể... để thiết lập tài khoản mạng xã hội (Zalo, Facebook...) mạo danh, sau đó các đối tượng dùng tài khoản mạo danh để kết bạn, nhắn tin, trao đổi, vay mượn tiền của bạn bè, người thân, đồng nghiệp, cấp dưới... và chiếm đoạt tiền của các bị hại chuyển đến; hoặc đối tượng lừa đảo hack (chiếm đoạt quyền điều khiển) tài khoản mạng xã hội, sau đó tạo ra kịch bản nhắn tin lừa đảo đến bạn bè của chủ tài khoản mạng xã hội và chiếm đoạt tiền của các bị hại chuyển đến tài khoản ngân hàng do các đối tượng chỉ định.
Thủ đoạn cho vay tiền qua app (vay tiền online) cũng là món mồi béo bở. Chúng lợi dụng tâm lý vay tiền online thuận lợi, nhanh chóng, không phải ra ngân hàng làm thủ tục, các đối tượng lập ra các trang trên mạng xã hội (Zalo, Facebook...) chạy quảng cáo để tiếp cận các bị hại. Sau khi tiếp nhận được nạn nhân, các đối tượng sẽ gửi các đường link kết nối với CH Play để các bị hại cài đặt ứng dụng vào điện thoại và làm theo hướng dẫn. Sau đó, khi bị hại đăng nhập app để vay tiền thì app sẽ báo lỗi, các đối tượng yêu cầu phải chuyển tiền đặt cọc để mở lại app thì mới giải ngân được (sau khi giải ngân thì sẽ trả lại tiền cọc và tiền cho vay), hoặc các đối tượng yêu cầu nạn nhân mua bảo hiểm khoản vay, đóng tiền phí giải ngân...Nhiều bị hại thực hiện chuyển nhiều lần để được vay cho đến khi nghi ngờ bị lừa không chuyển nữa thì không lấy lại được số tiền đã chuyển và chiếm đoạt số tiền này của bị hại...
Trước tình trạng trên, cơ quan chức năng khuyến cáo: Để hạn chế tối đa thiệt hại, mỗi người dân cần nâng cao ý thức cảnh giác. Tuyệt đối không cung cấp mã OTP (mật khẩu sử dụng một lần) khi sử dụng tài khoản ngân hàng cho người khác; khi nhận được tin nhắn từ facebook, tin nhắn messeger từ tài khoản của người quen, thân với nội dung nhờ vay tiền, chuyển tiền, chúng ta nên kiểm tra lại bằng cách gọi điện thoại trực tiếp xác nhận thông tin, tránh tin tưởng cho họ vay tiền hoặc làm theo ngay gợi ý của họ; cảnh giác đối với mọi tin nhắn từ số lạ khi có bất cứ đề nghị, thông báo nào liên quan tới bản thân, các hình thức “chuyển nhầm tài khoản”; tuyệt đối không truy cập vào các đường link đính kèm tin nhắn lạ, không thực hiện thao tác trên điện thoại theo các hướng dẫn bởi cú pháp của người lạ; khi tài khoản của người dân tự nhiên nhận được một khoản tiền lớn không biết của ai, từ đâu chuyển đến cho mình, sau đó có người gọi điện báo “chuyển nhầm”, yêu cầu chuyển lại, thì người dân nên cẩn thận, yêu cầu “người chuyển nhầm” phải có giấy xác nhận của ngân hàng rằng họ đúng là chủ tài khoản đó. Đồng thời nên ra ngân hàng yêu cầu in sổ phụ và xem tiền của ai chuyển, nội dung chuyển khoản để có hướng xử lý tránh bị lừa…
Trường hợp phát hiện hoặc nghi ngờ bản thân bị lừa đảo cần thông tin đến Công an xã, phường nơi gần nhất để có biện pháp giải quyết. Đề nghị cơ quan chức năng điều tra phát hiện, xử lý nghiêm theo pháp luật những đối tượng vi phạm.
Bài và ảnh: Thanh Quảng