
Ngộ độc rượu xảy ra khi uống quá nhiều rượu dẫn đến lượng cồn trong máu nhiều. Lúc này, gan không kịp đào thải ra ngoài sẽ tổn thương tế bào gan, các bộ phận ở não ngừng hoạt động. Đây là một trong những dạng ngộ độc nguy hiểm, có thể để lại nhiều biến chứng nghiêm trọng như nghẹt thở, động kinh, hạ thân nhiệt, nhịp tim không đều, thậm chí tử vong.
Triệu chứng
Da hơi xanh, hoặc tím, đặc biệt vùng xung quanh môi và móng tay; lú lẫn, phản ứng chậm, không thể đi lại; khó khăn trong việc duy trì ý thức; hạ thân nhiệt; nói không rõ, nói ngọng; nôn mửa; thở chậm, thở không đều; trong tình trạng nghiêm trọng người bệnh có thể co giật, hôn mê, nghẹt thở, tổn thương não và tử vong; đi tiểu tiện không kiểm soát; cơ thể có mùi rượu nồng; đau bụng, chướng bụng; tê yếu một bên tay, chân hoặc mặt…
Khi phát hiện người có các triệu chứng như trên, cần đưa đến cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời, tránh các biến chứng nặng xảy ra.
Cách xử lý
Để xử lý những trường hợp bị ngộ độc rượu, bạn có thể áp dụng:
Liên hệ ngay với cơ sở y tế để được hướng dẫn cụ thể, đồng thời đưa người bệnh đến bệnh viện gần nhất để xử lý.
Giữ cho người bệnh ngồi thẳng, trong trường hợp muốn nằm, bạn nên kê gối để phần đầu và vai cao hơn so với phần thân. Nếu bệnh nhân bị ứ đọng đờm dãi, có biểu hiện thở khò khè và bất tỉnh thì bạn nên nằm nghiêng để khi nôn sẽ không bị sặc, có thể giúp kích thích để nôn hết rượu nhằm mục đích loại bỏ cồn trong dạ dày ra ngoài tuy nhiên phải đảm bảo an toàn tránh bị sặc chất nôn.
Nếu tình trạng ngộ độc nhẹ, bạn cho bệnh nhân uống nhiều nước ấm để cơ thể không bị mất nước (nhất là sau khi vừa nôn xong) và giúp làm loãng nồng độ của rượu. Việc này sẽ giúp quá trình đào thải rượu ra ngoài nhanh hơn. Bạn có thể cho bệnh nhân uống thêm nước gừng tươi, nước cam hay nước chanh... để giúp giải độc rượu.
Những trường hợp bị ngộ độc rượu thường có nguy cơ cao bị hạ thân nhiệt nên bạn cần phải tìm cách để giữ ấm cơ thể cho bệnh nhân. Thường xuyên nói chuyện, trấn an và giải thích để người bệnh hợp tác và không bị kích động. Ngoài ra, cần theo dõi sát ý thức của bệnh nhân.
Cách phòng ngừa
Cách tốt nhất để ngừa ngộ độc rượu là không uống rượu hoặc hạn chế uống rượu. Kiểm soát bản thân và người uống cùng, nên từ chối dứt khoát khi bị ép uống rượu. Ngoài ra, tránh chơi trò thách đố uống rượu, gây áp lực cho người tham gia và phải uống quá nhiều; uống đủ nước sau mỗi lần uống rượu; không được uống rượu khi đang điều trị thuốc kê toa; nên ăn trước khi uống rượu; không uống rượu khi chưa biết nguồn gốc xuất xứ và thành phần; không nên pha rượu với nước ngọt, hay bất cứ thứ gì…
Những việc không nên làm khi sơ cứu người bị ngộ độc rượu
Khi sơ cứu ngộ độc rượu, không nên cho nạn nhân tắm nước lạnh, vì điều này sẽ làm giảm nhiệt độ cơ thể sâu hơn, nguy cơ cao bị đột quỵ, tử vong. Cho nạn nhân ăn thức ăn cứng, lạnh hoặc các món có thể gây nôn, sặc… Để nạn nhân nằm ngửa sẽ dễ bị sặc khi nôn Không để nạn nhân ngủ li bì, phải đánh thức nạn nhân sau vài giờ. Nếu nạn nhân tỉnh, cho ăn cháo loãng để tránh hạ đường huyết. Bởi người bệnh ngừng uống rượu nhưng dạ dày vẫn tiếp tục tiêu hóa rượu và đưa vào máu. Lượng cồn vẫn tăng, khiến ngộ độc thêm nặng. Không để người bệnh tự di chuyển vì dễ té ngã.
Thành An