
Thượng tướng Bế Xuân Trường - Chủ tịch Hội CCB Việt Nam tặng Bằng khen cho doanh nhân, CCB Phạm Công Chất.
Sau hơn 10 năm được ghi danh là Di sản thế giới, Tràng An (Ninh Bình) được UNESCO đánh giá là mô hình mẫu mực trong phát triển kinh tế và du lịch bền vững mà vẫn duy trì bảo vệ thiên nhiên, bảo tồn các giá trị văn hóa; trở thành biểu tượng của sự cam kết có trách nhiệm của Việt Nam trong việc thực hiện công ước UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa, thiên nhiên của thế giới. Các giá trị nổi bật toàn cầu của di sản luôn được tôn trọng, gìn giữ; các khu, điểm du lịch trong Khu Di sản thực sự trở thành hạt nhân, là trung tâm thúc đẩy giao lưu văn hóa, thu hút đầu tư, phát triển du lịch bền vững trong toàn tỉnh.
"Những giá trị của di sản Tràng An là động lực quan trọng để Ninh Bình vươn lên phát triển trong thời kỳ đổi mới, phát triển và hội nhập vào mạng lưới di sản sở hữu danh hiệu UNESCO. Đặc biệt, Tràng An đang mang sứ mệnh mới, trở thành trung tâm của Đô thị di sản thiên niên kỷ, từ đó thúc đẩy phát triển du lịch của tỉnh" - Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình - Phạm Quang Ngọc khẳng định.
Thành tựu đưa di sản Tràng An trở thành trái tim, duy trì nhịp đập, khơi lại mạch nguồn quá khứ, được chắt lọc, bảo tồn giá trị quý báu của thiên nhiên, văn hóa có sự đóng góp của Khu du lịch sinh thái Thung Nham - nằm trọn trong vùng lõi của danh thắng Tràng An.
Thung Nham không chỉ là biểu tượng du lịch của mảnh đất Ninh Bình mà còn là nguồn cảm hứng cho khát vọng khởi nghiệp, làm giàu từ câu chuyện lập nghiệp từ hai bàn tay trắng của CCB Phạm Công Chất - người lính trở về nhận “sứ mệnh”: Kiến tạo thung lũng hoang sơ trở thành mảnh đất trù phú, xanh tươi và chan hòa ánh sáng. Khi đó, Phạm Công Chất mới ngoài 20 tuổi, chưa lập gia đình và vừa rời quân ngũ trở về. Tài sản duy nhất là nghị lực của người lính và ý chí không cam chịu đói nghèo của một thanh niên giàu khát vọng. Đến năm 2003, Khu du lịch sinh thái Thung Nham ra đời. Đây là thành quả của một tập thể những người lao động đã cùng đồng cam, cộng khổ, động viên nhau vượt qua khó khăn bởi một niềm tin mãnh liệt vào tương lai tươi sáng.
Sau hơn 20 năm “khai sơn phá thạch”, thung lũng hoang sơ ngày nào đã trở thành một “địa chỉ đỏ” trên bản đồ du lịch Ninh Bình, góp phần quan trọng vào việc bảo vệ gìn giữ môi trường, tạo công ăn việc làm ổn định cho người dân bản địa. Trong hơn 2 năm bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, Công ty vẫn đảm bảo việc làm, an sinh xã hội và thu nhập cho người lao động. Đặc biệt, Thung Nham đã nỗ lực trong việc huy động nguồn vốn đầu tư để nâng cấp cơ sở vật chất, hạ tầng đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách. Trong đó đưa vào khai thác bể bơi ngoài trời lớn nhất tại Ninh Bình với diện tích khoảng 5.000m2, cải tạo đảo hoa bốn mùa, hoàn thiện không gian sự kiện ngoài trời với sức chứa lên tới 1.000 khách. Từ chỗ chỉ có chưa đầy 20 người lao động, đến nay Khu du lịch đang giải quyết việc làm cho gần 300 lao động với mức lương từ 8 đến 15 triệu đồng/tháng, quản lý cấp cao từ 20-25 triệu đồng/người/tháng, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương theo hướng tích cực, tăng tỷ trọng ngành dịch vụ, cải thiện chất lượng cuộc sống và là “cánh tay đắc lực” bảo vệ môi trường sinh thái của Quần thể danh thắng di sản thế giới Tràng An.
Doanh nhân, CCB Phạm Công Chất - Tổng giám đốc Công ty thương mại, dịch vụ và Du lịch Doanh Sinh cho biết: “Khi tôi quyết định khai hoang lập nghiệp trên mảnh đất này, không ít người nghĩ tôi bị “điên” bởi vùng đất “khỉ ho cò gáy” bị xem như chốn “thâm sâu cùng cốc”, hoang vu tối tăm lâu nay chẳng ai buồn đặt chân mà có kẻ lại mơ mộng “xây lâu đài”. “Không có bước đường nào đến thành công lại trải hoa hồng”. Thế nhưng chính những năm tháng khoác áo lính đã hun đúc lên một Phạm Công Chất với khả năng chịu đựng gian khổ và đức tính kiên cường, bất khuất của người lính Cụ Hồ đã giúp anh vượt qua mọi gian khó để đi đến bến bờ thành công.

Điểm đến nổi bật nhất của Khu du lịch sinh thái Thung Nham là vườn chim - không gian sinh sống của rất nhiều loài chim như cò, vạc, le le, chích chòe,… đặc biệt là hai loài quý hiếm trong sách đỏ là hằng hạc và phượng hoàng. Du khách đến tham quan vườn chim có thể đi bằng đường bộ hoặc đi bằng thuyền để trải nghiệm, hòa mình với thiên nhiên. Ngồi trên thuyền xuôi theo dòng nước nhẹ nhàng, lắng nghe âm thanh mùa chim làm tổ và ngắm nhìn từng đàn chim bay lượn kiếm ăn trở về, trú ngụ kín cả một vùng đất ngập nước. Phương châm của Thung Nham mong muốn cùng du khách thực hiện để bảo vệ môi trường sinh thái, đó là “Chỉ đem về những bức ảnh, chỉ để lại những dấu chân”.
Vừa qua, doanh nhân, CCB Phạm Công Chất được vinh dự là đại biểu tham dự Hội nghị tổng kết công tác thi đua, khen thưởng của Khối Thi đua các tổ chức chính trị - xã hội và các tổ chức liên hiệp năm 2024 tổ chức tại Ninh Bình. Các đại biểu về dự Hội nghị đã tới tham quan Khu du lịch sinh thái Thung Nham - “viên ngọc xanh” giữa thiên nhiên hùng vĩ, hoang sơ. Tại đây, Thượng tướng Bế Xuân Trường - Chủ tịch Hội CCB Việt Nam tặng Bằng khen cho doanh nhân, CCB Phạm Công Chất. Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch Bế Xuân Trường khẳng định: “Với ý chí, nghị lực của người lính và bản lĩnh của một doanh nhân, mô hình phát triển du lịch xanh gắn với bảo vệ môi trường bền vững của CCB Phạm Công Chất đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương theo hướng tích cực, tăng tỉ trọng ngành dịch vụ, cải thiện chất lượng cuộc sống và là “cánh tay đắc lực” bảo vệ môi trường sinh thái của Quần thể danh thắng di sản thế giới Tràng An”.
Nhờ chiến lược bảo vệ, giữ gìn sự đa dạng sinh học cùng cảnh sắc thiên nhiên hoang dã, Thung Nham được ưu ái mệnh danh là “bản giao hưởng miền nhiệt đới” của thiên nhiên. Phát triển kinh tế du lịch bền vững trên nền tảng cộng sinh với khai thác giá trị cảnh quan, giá trị lịch sử và bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ môi trường được Công ty thương mại, dịch vụ và Du lịch Doanh Sinh xác định là chiến lược, “sứ mệnh” của mình để mang đến các giá trị “thân thiện”, “khác biệt”, “bền vững” và để “bản giao hưởng miền nhiệt đới” mãi ngân vang.
Thanh Hương