
cCiến sĩ trẻ ở chiến trường Quảng Trị năm 1972.
Đầu mùa xuân năm 1975, tin tức thắng trận dồn dập đưa về, càng làm cho chúng tôi, những người lính mới vừa vượt Trường Sơn, hành quân ròng rã cả tháng trời qua đất bạn Campuchia trở về, càng thêm náo nức, mong đến ngày tìm về đơn vị chiến đấu.
Sau khi vượt kênh Vĩnh Tế vào một đêm trăng mờ, đơn vị chúng tôi hành quân “cắt đường” mà băng tới cho kịp tiếng gọi của chiến trường sông nước miền Tây Nam bộ. Gặp sông vượt sông, gặp bãi sình vượt bãi sình, gặp lộ băng lộ…, cứ thế mà ào tới.
Cảnh vườn tược, ruộng đồng của miền Tây sông nước thật lung linh, huyền diệu một màu xanh trải dài đầy sức sống. Nắng tháng ba vào giữa mùa khô mà vẫn ấm; hành quân cả ngày không biết mệt vì những lời động viên của cấp trên, của đồng đội dành cho nhau. Hình như phát hiện được đội hình hành quân của chúng tôi, pháo địch từ các căn cứ bắn ra chặn đường. Sau những tiếng hú dài là những trái đạn nổ phía trước, phía sau; rồi nổ bên phải qua bên trái…
Chúng tôi vẫn giữ nguyên đội hình với tính kỷ luật cao, cứ theo lệnh chỉ huy hô to “Nằm xuống!” rồi “Chạy” mà thực hiện tăm tắp. Tất cả những động tác đều nhanh nhẹn, thuần thục vì đã được rèn luyện kỹ càng nơi thao trường. Giờ đây càng thấm thía câu khẩu hiệu trong những ngày huấn luyện nơi núi đồi trung du Hương Sơn (Hà Tĩnh): “Thao trường đổ mồ hôi, chiến trường bớt đổ máu!”.
Có những đêm hành quân dưới đường dừa miền quê, bất ngờ trực thăng từ đâu bay tới soi đèn. Với lá ngụy trang xanh, chúng tôi được lệnh không được bắn máy bay vì sẽ lộ đội hình và nằm im cho nó soi qua. Tiếng cánh quạt trực thăng cứ phành phạch trên ngọn dừa, cao chừng mười mấy thước là cùng, với những chiếc đèn pha cực mạnh soi tìm… Sau khi không thấy gì khả nghi, chúng lại bay đi, trả lại yên tĩnh cho đêm hành quân về đơn vị mới.
Chúng tôi đi qua một vùng giải phóng vừa bị bom pháo của giặc bắn phá ban chiều. Nhà cửa cháy rụi, chỏng chơ cột kèo. Đường quê còn rơi vãi những chiếc dép vô chủ… Thỉnh thoảng có nhà vẫn còn người, hình như tản cư chạy giặc từ đâu đó mới về, nên trước bàn thờ “Ông Thiên” có những cây nhang còn cháy lập lòe.
Cứ thế, đơn vị chúng tôi mải miết hành quân không mệt mỏi, nhằm kịp thời bổ sung quân số cho đơn vị phía trước. Khi qua tới vùng Xà Phiên, Long Mỹ (thuộc tỉnh Cần Thơ hồi đó, nay thuộc Hậu Giang), người dân vô cùng mừng rỡ, đón tiếp đoàn quân “Giải phóng” trẻ măng thật nhiệt tình. Trung đội của tôi được người dân mời ăn món cháo vịt trên đồng giữa một đêm trăng sáng .
Thiệt tình, từ nhỏ đến giờ, đây là lần đầu tiên tôi mới được ăn món cháo vịt miền Tây. Miếng thịt béo ngậy, thơm mùi đặc trưng thật hấp dẫn. Từng muỗng cháo ngọt lừ, có vị béo của thịt vịt, có mùi thơm của là rau răm, lá ngò gai.
Cả hàng tháng trời phần nhiều ăn toàn lương khô với ruốc thịt khô khan; nay có bát cháo thịt vịt, bỗng người tỉnh ra kỳ lạ! Chưa ăn hết bát này, thím Hai rồi thím Ba cứ múc ra bát khác, nói cho mau nguội, ăn lấy lại sức vì các con còn đi… Tình thương của người dân miền Tây dồn vào đây tất cả. Các má, các chị cứ lo cho người chiến sĩ ăn ngon; khi chia tay còn mang bánh tét, bánh lá dừa, trái cây cho chúng tôi.
Thật cảm động biết bao tình người miền Tây Nam Bộ trong những năm tháng chiến tranh khốc liệt. Họ không tiếc một thứ gì để lo cho bộ đội; mặc dù vùng giải phóng chỉ có những ngôi nhà lá đơn sơ… Nhưng trong những ngôi nhà lá đơn sơ đó là có cả những trái tim vàng, những tấm lòng nhân hậu, thủy chung của người dân luôn son sắt cùng cách mạng!
Lê Đức Đồng - CCB-Nguyên Chiến sĩ Đại đội 2, Tiểu đoàn 307, Trung đoàn U Minh, QK 9