Quân dân đồng lòng “Cõng nhà trên lưng” về nơi ở mới.
Đã có nhiều ngôi nhà được bộ đội cùng dân làng "cõng trên lưng" di chuyển về nơi ở mới tại làng Bi Giông, xã Pờ Tó, huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai. Đến nay đã hơn 1 năm và có sự đổi thay về diện mạo tại nơi đây.
Nhờ anh bộ đội
Nghe theo các chú bộ đội mà anh Đinh Bun, ở làng Bi Giông đã chuyển chỗ cho 3 con bò, 2 con trâu của gia đình mình ra xa nhà ở để bảo đảm vệ sinh. Anh bảo:
“Từ xưa, theo tập quán của dân tộc mình thì người ở trên, còn các con vật sẽ nuôi ở dưới gầm nhà sàn. Nay nhờ có cán bộ xã và các anh bộ đội nói thì mới biết việc này sẽ làm mất vệ sinh, phát sinh nhiều bệnh tật như tiêu chảy, hô hấp, sốt xuất huyết...”.
Ở cái tuổi 60, trưởng thôn Đinh Xoan vẫn thoăn thoắt đôi tay, hết cuốc đất lại xách nước tưới rau. Ông vui vẻ cùng các chú dân quân xã và bộ đội huyện về giúp gia đình làm cỏ mỳ. Miệng thì không ngớt những câu chuyện kể về những khó khăn trong cuộc sống trước khi về nơi ở mới. Ông vui vẻ khoe với chúng tôi:
“Chẳng riêng gì gia đình mình, mà tất cả dân làng ở đây đều được chính quyền và bộ đội giúp trồng cây ăn quả, cây bóng mát; đào, khơi thông hệ thống thoát nước... ai cũng vui lắm, vì bộ đội làm nhiều việc giúp cho cuộc sống của bà con”.
Cấp ủy, chính quyền xã quan tâm xây dựng nơi ở mới đáp ứng theo tiêu chí 17 về xây dựng nông thôn mới. Đó là bảo đảm nước sạch, xây dựng cảnh quan, môi trường; hộ gia đình có chuồng trại chăn nuôi, nhà tiêu, nhà tắm, bể chứa nước sinh hoạt hợp vệ sinh... Xã đầu tư 500 triệu đồng để trồng cây xanh bóng mát, cây ăn quả; xây dựng bồn nước, giếng khoan sâu 150m trị giá 1,4 tỷ đồng ngay tại trung tâm làng và dẫn nước sạch đến từng gia đình. Đặc biệt, mỗi gia đình được hỗ trợ 3,5 triệu đồng, bộ đội hỗ trợ ngày công, đến nay 100% gia đình tại làng đã có nhà vệ sinh.
Làm để “Dân tin, dân hiểu, dân làm theo”
Không chỉ giúp dân di dời về an cư nơi ở mới mà hằng tháng, hằng quý, khi huấn luyện dân quân Ban CHQS huyện đều bố trí thời gian làm công tác dân vận. Bộ đội giúp dân phát quang đường làng, hướng dẫn cách ăn ở hợp vệ sinh và tạo cảnh quang môi trường. “Muốn đổi được nếp nghĩ, cách làm của bà con đã từ bao đời, không thể trong ngày một, ngày hai. Chúng tôi phải kiên trì vận động theo kiểu “miệng nói, tay làm” để dân tin, dân hiểu và dân làm theo” - Trung tá Phạm Quang Hưng - Chính trị viên Ban CHQS huyện cho biết.
Nhờ thực hiện nếp sống ăn ở hợp vệ sinh tại nơi ở mới, những bệnh thường gặp như tiêu chảy, hô hấp, sốt xuất huyết đã giảm hẳn. Kết quả xây dựng môi trường xanh, sạch, đẹp của làng Bi Giông đã lan tỏa, tác động tới làng Bôn Tơ Khế, xã Ia Tul. Tại đây, xã hỗ trợ mỗi hộ 2,8 triệu đồng xây 166 nhà vệ sinh.
Không xa nữa trên địa bàn tỉnh Gia Lai sẽ có rất nhiều ngôi nhà mọc lên san sát; con đường đến trường của các em sẽ gần hơn với những hàng cây thẳng tắp hai bên; chuồng trại gia súc, gia cầm được tách biệt xa nơi người ở; nước sạch đến từng nhà; bóng điện sẽ thắp sáng cả thôn làng... Cùng với sự nỗ lực của chính quyền và nhân dân, có sự đóng góp xứng đáng của các LLVT trên địa bàn. Việc xắp xếp lại khu dân cư cơ bản ổn định tại làng Bi Giông là một điển hình, bà con rất vui và phấn khởi, tình quân dân ngày càng được thắt chặt.
Huy Bắc