Nhân viên Bảo tàng Côn Đảo giới thiệu cho khách tham quan một số hình thức tra tấn thường thấy tại hệ thống nhà tù Côn Đảo.
Trời tháng 5, nắng gió mát mẻ, những con sóng lăn tăn được gió lùa vào thân tàu oàm oạp, biển lặng pha với những giọt nắng chiều tà, xa xa là đàn hải âu chao liệng trước con tàu du lịch có tên Trưng Nhị. Trên con tàu đang rẽ sóng có chúng tôi những CCB, thương binh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc; số chiến đấu ở biên giới Tây Nam, số trấn ải ở Hà Giang, phía Bắc… Đoàn được Sở LĐTBXH tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu tổ chức chuyến đi nghỉ dưỡng tại nhà nghỉ Người có công đặt tại đường Phạm Văn Đồng, huyện Côn Đảo và thăm lại những di tích lịch sử của nhà tù Côn Đảo được Pháp, Mỹ, ngụy dựng lên để đày ải hơn 20.000 chiến sĩ cách mạng nhằm làm lung lay và làm nhụt ý chí của Đảng ta.
Với 30 người, tuổi đời nhỏ nhất là 60, còn lại đã trên 75 cả, những người lính ấy trước mũi tên hòn đạn chẳng hề nao núng tinh thần, không lung lay ý chí, sẵn sàng xông lên diệt kẻ thù, thà chết chứ không cho chúng đụng tới non sông bờ cõi của dân tộc; ấy vậy mà hôm nay trước nấm mồ của những Anh hùng liệt sĩ tại Côn Đảo, cũng như được nghe những huyền thoại về quá khứ hào hùng đã làm cho cả đoàn chúng tôi ai cũng rơi nước mắt; phụ nữ thì khóc thành tiếng, nam giới thì sụt sùi ướt đầm tấm khăn tay.
Những hòn đá nặng hàng tấn kia đã đè chết 914 người tù tại cầu tàu Côn Đảo, trước là biển khơi đang dậy sóng, sau lưng là nhà “chúa đảo” nơi đã thi hành quyết thân tù bằng những phiến đá kia bởi 53 đời “chúa đảo”.
Với những trại giam được mang tên trại Phú Hải, trại Phú Tường, rồi được đánh theo số thứ tự từ trại 1 đến trại 8, có những nơi biệt giam và làm khổ sai như: Hầm xay lúa, đập đá, chuồng cọp Mỹ, chuồng cọp Pháp, chuồng bò…, cho đến Nghĩa trang Hàng Keo, Nghĩa trang Hàng Dương với những cách tra tấn mà chỉ những tên đao phủ mới có, để rồi những người tù trong đó đã sáng tác thành thơ:
“Ăn thì chẳng thiếu thứ chi
Gân bò, mắm ớt lại khi mề gà.
Chơi thì nức tiếng gần xa
Tàu bay, tàu thủy lại pha tàu ngầm”.
Người ở trong chuồng cọp thì không lúc nào có cảm giác yên thân, lúc nào cũng bị rình mò, lúc nào cũng có thể bị đánh, đó cũng là cái cớ để kẻ địch đày ải thân tù. Sáng dậy đi đổ thùng tiểu, thùng cầu bị đánh phủ đầu bằng những trận đòn bằng dùi cui, hoặc roi gân bò, roi mây; nhiều khi chúng đánh bằng roi có gai buốt đến tận óc. Trưa đi ăn cơm bị đánh, chiều đi lấy cơm bị đánh nữa. Khi chúng uống rượu say chúng cũng lôi tù nhân ra đánh để giải khuây, giải sầu. Khi chúng được thăng cấp thì đánh tù để khao nhau. Khi bị quở trách thì đánh tù để trút cơn giận trả thù. Ai còn khỏe thì chúng đánh cho kiệt sức, ai ốm yếu thì chúng đánh cho đến chết. Bất chợt chúng hỏi ngày, hỏi thứ, trả lời đúng cũng bị đánh về tội ở trong tù mà tính thứ tính ngày để kỷ niệm, để đấu tranh; nói trật thì cũng bị đánh về tội ở không mà ngày tháng không nhớ… Đấy là sự man rợ, thú tính của Mỹ, ngụy tại Côn Đảo đã được ghi vào lịch sử.
Qua quan sát và nghe thuyết trình viên kể lại thì tượng đài Nghĩa trang Hàng Dương và khu mộ chị Võ Thị Sáu là đông người tới thăm viếng nhất; quân bình mỗi ngày không dưới 100 người tới dâng hương viếng tượng đài và viếng mộ chị Sáu. Cũng phải thôi bởi tượng đài là đại diện cho tất cả người đã chết nơi hòn đảo này, là biểu tượng của hòn đảo mà khi đến đây không thể đứng nhìn, đặc biệt nữa là ngôi mộ chị Võ Thị Sáu được mệnh danh là linh thiêng và huyền thoại của hòn đảo; người phụ nữ Đất Đỏ vì yêu nước đã đi theo cách mạng lúc mới 14 tuổi. Khi bị kết án chị vừa tròn 16 tuổi. Do vậy, tất cả gia đình trên đảo đều có hình của chị và thờ chị. Coi chị là vị thánh phù hộ cho Côn Đảo có cuộc sống an khang, hạnh phúc và giàu có như bây giờ.
Mấy ngày chúng tôi lưu lại tại hòn đảo là bấy nhiêu ngày nước mắt rơi rơi, vì cảm phục sự hy sinh của các anh hùng liệt sĩ. Thế nhưng được sự quan tâm của lãnh đạo Sở LĐTBXH tỉnh, trực tiếp là những anh chị đi cùng đoàn, đã làm cho các thành viên quên sầu, quên khóc và tất cả đều khỏe để bước lên tàu trở về đất liền. Ai cũng thầm cảm ơn cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm tổ chức cho CCB, thương binh… có chuyến hành hương về với Côn Đảo - “địa ngục trần gian” một thời; để thêm một lần tưởng nhớ, tri ân những chiến sĩ cộng sản Côn Đảo, những anh hùng liệt sĩ Hàng Dương…!
Vũ Đình Bê