Kết hợp giữa học và hành, phù hợp với điều kiện khách quan. Thật là tuyệt. Những người biết Hợp đều nhận xét rằng, anh ta là một người vui tính, dễ gần, có tài kể chuyện. Bất cứ chuyện gì hễ qua miệng anh ta đều trở thành vô cùng quan trọng hoặc hết sức buồn cười. Hợp có thể chứng minh hình tròn là hình vuông, hình êlíp thành hình chữ nhật, cứ như không, đố ai bắt bẻ được. Có lẽ vì thế nên Hợp vô cùng vừa ý cấp trên, cũng được lòng mọi người. Đồng nghiệp nhìn Hợp một cách ghen tị. Sao lại có người được số phận chiều chuộng, cuộc đời cứ dọn cỗ sẵn cho ăn vậy?

Nhưng đã nói đến cuộc đời thì không thể không nói đến những sự ngẫu nhiên. Câu chuyện bắt đầu từ cái phát minh khoa học đáng nguyền rủa sau đây. Số là thời ấy máy tính điện tử phát triển mạnh và lan tràn như nấm sau mưa, thâm nhập vào tất cả các lĩnh vực của đời sống. Các thế hệ rô-bốt không kịp thay nhau. Người máy đời nọ sống lẫn với đời kia, khôn lanh và đầy dục vọng. Nghe đồn, không ít chú rô-bốt đã trốn khỏi thế giới máy, đến nay vẫn sống lẫn lộn trong thế giới người, làm đủ chuyện bậy bạ mà chẳng ai biết. Thời ấy các cơ quan tổ chức dùng máy tính để làm công việc quản lý nhân sự đã trở thành cái mốt, như kiểu mốt thời trang, nhưng máy tính điện tử không quản lý được tư tưởng, tình cảm và nhân cách của đối tượng. Vì thế các nhà tổ chức luôn luôn bị qua mặt. Vô khối anh cơ hội, lừa gạt, bịp bợm được cất nhắc.

Chuyện đời nó sao thì cứ mặc nó thế, vậy mà có một vị giáo sư xem ra dở hơi tí chút, đã cặm cụi chế ra một cái máy siêu tối tân MND, gọi là “máy nhận diện”. MND có khả năng đặc biệt làm hồi phục lại quá khứ, tái hiện một cách chính xác bộ mặt của một kẻ từ lúc mới ra đời cho đến thời điểm chụp ảnh. Rõ là một cái máy lý tưởng.

Bây giờ trở lại nhân vật chính của chúng ta.

Hợp ngồi ở cái ghế trưởng phòng dễ chừng chưa đến một năm nhưng đã thấy nhấp nhổm, đang nhăm nhe tìm một chỗ mới, thì đùng một cái, dịp may đến. Một vị cục trưởng già, luôn miệng tuyên bố rằng, sẵn sàng nhường chỗ cho bọn trẻ nhưng lại nói như đinh đóng cột, xem ra bọn trẻ chưa có đứa nào có thể thay thế tôi được, ngã bệnh vì đứt mạch máu não. Lẽ dĩ nhiên cái ghế béo bở ấy phải vào tay Hợp. Vì sếp của Hợp muốn thế.

Mọi chuyện lẽ ra yên ổn, đâu vào đấy nếu không có tay vụ trưởng tổ chức lăng xăng muốn tâng công. Tay vụ trưởng khoe với sếp về cái máy kỳ diệu, siêu tối tân mới được phân phối. Vị cục phó tương lai đầy năng lực sẽ là người đầu tiên khảo nghiệm sự chính xác, độ tin cậy của thứ siêu máy này.

Bố khỉ, thằng nào làm ra cái máy ấy vậy? Đừng hòng, vỏ quít dày có móng tay nhọn, Hợp đây đếch sợ.

Lên ba tuổi, Hợp (lúc bấy giờ là Hách) bị bệnh đậu mùa, qua khỏi nhưng mặt bị những nốt rỗ ăn sâu, xấu một chút nhưng nom kỹ lại thấy cái duyên của sự từng trải. Chuyện yêu đương cũng là chuyện vặt. Cái tát của cô gái nào đó tặng cho thói sàm sỡ, quá trớn không còn làm Hợp thấy nóng rát bên má. Vệt nước bọt khinh bỉ của đồng đội tia theo khi Hợp hèn nhát tháo lui vào lúc trận đánh ác liệt nhất chẳng còn làm Hợp đỏ mặt. Bây giờ những thứ đó người ta không mấy ai để ý. Vấn đề là sẵn sàng làm “thủ túc” cho sếp, làm vừa lòng sếp, nhất là sếp bà. Khoản đó thì khỏi lo. Nhưng thế nào thì thế, sếp muốn đẹp mặt, vì vậy Hợp phải có bộ mặt sạch. Làm đến cục phó thì phải có một bộ mặt khác, cái mặt phải đẹp là thế.

Về công nghệ làm ra những bộ mặt, trên thế giới không phải chỉ có một. Ở nước nọ, người ta đã tìm ra loại chất dẻo có công dụng đặc biệt, giống hệt màu da người, có thể làm ra đủ thứ mặt khác nhau. Giống y như thật, người trần mắt thịt đố mà nhận ra. Tuy nhiên phương pháp này có một nhược điểm căn bản, không qua mặt được “máy nhận diện” MND. Công nghệ làm mặt của nhà bác học Việt Nam, người sẽ làm thay đổi bộ mặt của Hợp phức tạp hơn công nghệ của người nước ngoài. Ngài giáo sư sẽ bóc toàn bộ lớp da mặt cũ, thay bằng lớp da mặt mới, phải gắn và phải nối hàng vạn mạch máu và dây thần kinh, bảo đảm chỗ nối các vạt da không có dấu vết, nghĩa là không có sẹo. Tất nhiên để thực hiện một công trình như thế người ta sẵn sàng đánh đổi của cải mà cả đời dành dụm được. Cái giá cả đời cũng là cái giá của hợp đồng mà Hợp đã ký.

Máy nhận diện chụp vào bộ mặt được thay hình như bằng da đùi non có cùng tuổi với da mặt, nhưng mù mờ vô cảm. Quả là một thách thức đối với trí tuệ con người, máy nhận diện siêu tối tân chẳng lẽ không đưa ra được kết luận. Máy không chịu thừa nhận sự bất lực của mình, khẳng định người có bộ mặt mù mờ vô cảm kia là người lý tưởng, xứng đáng với chức vụ được trao cho.

Hợp được đề bạt cục phó, sau đó mau chóng leo lên cục trưởng. Con đường công danh của anh ta dường như chưa phải chấm dứt ở đây. Thế nhưng…

Những ngày đầu với bộ mặt mới, vợ chồng Hợp sống có vẻ đằm thắm, quấn quít như đôi uyên ương, ríu rít gù ghì như đôi chim câu. Người vợ tưởng như nằm mơ. Hợp đẹp trai ra, duyên dáng và dịu dàng. Người phụ nữ nào chả thích người chồng mình đẹp và dịu dàng. Nhưng giấc mơ ngọt ngào nhanh chóng tan biến. Những chuyện lục đục thường có giữa hai vợ chồng lặp lại với cấp độ mạnh hơn. Chị vợ than vãn, giá anh ta cứ mang bộ mặt cũ thì những tính xấu cũ còn chịu đựng được. Dù sao thì con người ấy, bộ mặt ấy cũng đã rõ rồi. Đằng này, những thói hư tật xấu cũ lại được che đậy bằng bộ mặt mới đẹp đẽ, làm gì chả khiến người ta nổi khùng. Quá sức chịu đựng, chị vợ đòi ly dị và mặc dù chưa được Hợp đồng ý, vẫn bỏ về nhà mẹ đẻ.

Chuyện gia đình thì thế, chuyện cơ quan tiến triển cũng chẳng hơn gì. Dù làm đến cục trưởng, dù có bộ mặt khác, nhưng người cũ trong cơ quan nào ai lạ gì Hợp. Ngày trước khi còn là anh cán bộ cấp thấp, cái sự làm hại người khác chưa nhiều, bù lại là biết lấy lòng mọi người, nên người ta không chấp, lại còn hùn phiếu cho trong những lần bầu bán. Có một kẻ ngứa nghề, thích hứng việc thiên hạ, thì cho, thiệt hại gì của mình. Bây giờ thì không phải thế nữa. Là cục trường thì chỉ có lấy lòng cấp trên, chứ ai thèm lấy lòng cấp dưới. Ba cái anh trưởng phòng đồng cấp ngày trước bây giờ bắt đầu xét nét, cộng với thói ganh tị của người đời khiến cái đám đông khó bảo kia không còn bỏ qua mọi cái cho Hợp nữa. Mồm thiên hạ mà. Cái con người ấy làm sao xứng với bộ mặt ấy, mà bộ mặt ấy là bộ mặt gì nhỉ, không hiểu có sự nhầm lẫn nào đó chăng nên râu lại mọc ở trên má chứ không phải ở trên cằm.

Một đêm kia, vừa chợp mắt thì Hợp nhìn thấy bộ mặt sần sùi những nốt rỗ hiện ra chói lóe và nóng bỏng như hồ quang bay lơ lửng trong không trung, rít lên những tiếng thê thảm: Trả lại đây! Trả lại đây? Trả lại cái gì nhỉ? Hợp không hiểu. Giấc mơ ám ảnh. Dần dà Hợp mắc tật sợ ánh sáng, bất cứ là ánh sáng gì, điện, mặt trời, bật lửa ga, diêm. Sợ tất. Thoạt đầu khi gặp ánh sáng, người Hợp khẽ run lên, nhưng sau đó mỗi khi ánh sáng ập đến thì cơ thể Hợp như bị muôn ngàn lưỡi lam sắc lẹm cứa vào. Hú! Hú! Hú! Tiếng tru giống như tiếng con vật bị dại. Căn bệnh buộc Hợp bỏ việc, khoác chăn ngồi thu lu trong căn buồng tối om. Chăm sóc thăm hỏi mãi cũng chán, dần dà không ai đoái hoài nữa.

Hợp ngồi như thế bao lâu, bây giờ đã khỏi bệnh chưa? Không ai biết đích xác. Có người bảo, đâu như sau đó anh ta phát điên, đang đêm bỏ nhà đến nơi nào đấy không rõ. Nhưng có người lại nói, cái lúc anh ta sợ ánh sáng là lúc lương tâm ít ỏi của anh ta thức dậy khiến anh ta xấu hổ không dám nhìn mặt mọi người chứ điên đảo gì đâu. Điên thì may phúc. Bây giờ bộ mặt ấy đã quen với con người anh ta, và anh ta cũng quen với bộ mặt ấy. Có gì mà sợ nữa.

Đoạn kết của câu chuyện này thực ra là thế nào, quả tình tôi không biết. Vì đúng vào thời gian ấy, do có công chuyện đột xuất, tôi phải ra công tác ở nước ngoài, ba năm sau mới quay trở lại. Tôi có tìm đến ngôi biệt thự khá sang trọng được xây cho Hợp khi anh ta lên cục trường, nhưng nơi ấy đã được sửa chữa gia cố, trương một chiếc biển to vàng chóe chữ Ăng-lê, người nước ngoài ra vào tấp nập.

Tiểu Lão Tiên