Theo Tân Hoa xã, Cơ quan An toàn Hàng hải Nhật Bản đã xác nhận việc 10 nhà hoạt động của Nhật Bản đặt chân lên đảo U-ô-chư-ri sáng sớm 19-8. Những người nói trên nằm trong số khoảng 50 người tham dự một buổi lễ ở thành phố I-si-ga-ki, tỉnh Ô-ki-na-oa để tưởng niệm các nạn nhân đắm tàu trong vụ tấn công của Mỹ thời kỳ chiến tranh năm 1945. Nhóm người này đã đến gần đảo U-ô-chư-ri trên một tàu đánh cá, sau đó bơi từ tàu này vào đảo và lưu lại đây khoảng hai tiếng. U-ô-chư-ri là đảo lớn nhất trong số 5 đảo chính thuộc quần đảo tranh chấp ở biển Hoa Đông. Cũng trong sáng 19-8, theo Tân Hoa xã, nhiều người ở một số thành phố của Trung Quốc như Quảng Châu, Thâm Quyến, Thẩm Dương, Hàng Châu, Hợp Phì, Thanh Đảo đã xuống đường phản đối các nhà hoạt động Nhật Bản đến quần đảo tranh chấp cũng như việc Tô-ki-ô bắt giữ và trục xuất 14 công dân nước này vì đã đặt chân lên Xen-ca-cư. Hơn 100 người biểu tình đã tập trung gần Tổng lãnh sự quán Nhật Bản tại Quảng Châu, mang theo cờ Trung Quốc và biểu ngữ có nội dung bảo vệ chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo này. Trước đó, Trung Quốc đã trao công hàm cho phía Nhật Bản yêu cầu các nghị sĩ và các nhà hoạt động Nhật Bản từ bỏ kế hoạch đến quần đảo vốn là tâm điểm tranh chấp lãnh thổ lâu nay giữa hai nước. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương tuyên bố: "Các nhà hoạt động Nhật Bản đã xâm phạm trái phép chủ quyền lãnh thổ Trung Quốc". Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng tái nhấn mạnh yêu cầu Tô-ki-ô ngừng các hành động xâm phạm chủ quyền lãnh thổ nước này. Trong khi đó, người đứng đầu cơ quan ngoại giao Đài Loan Dương Tiến Thiêm đã triệu Đại diện Nhật Bản tại Đài Loan tới để trao công hàm phản đối việc 10 công dân Nhật Bản đặt chân lên U-ô-chư-ri. Theo lời ông Dương Tiến Thiêm, đây được coi là "hành động khiêu khích" làm leo thang căng thẳng tại vùng biển này. Ông Dương Tiến Thiêm cũng kêu gọi nhà chức trách Nhật Bản thực hiện kiềm chế và cân nhắc sáng kiến của người đứng đầu chính quyền Đài Loan Mã Anh Cửu về một giải pháp hòa bình, cùng phát triển vùng biển giàu tài nguyên này, qua đó giúp chấm dứt tranh chấp lãnh thổ và duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực. Chuyến thăm của 10 công dân Nhật Bản tới đảo U-ô-chư-ri diễn ra chỉ vài ngày sau khi Tô-ki-ô bắt giữ 14 nhà hoạt động Trung Quốc vì đã đặt chân lên một hòn đảo thuộc quần đảo tranh chấp Xen-ca-cư. Những người này đã bị Nhật Bản trục xuất ngày 17-8 sau khi hai bên có những tuyên bố phản đối lẫn nhau xung quanh vụ việc. Hải Linh (TH)