Ngày 9/8, những thông tin “nóng” về dịch COVID-19 là: Tình trạng đông người tại các điểm chốt chống COVID-19 và UBND các phường của Hà Nội, liên quan đến quy định mới của UBND Thành phố; Bộ Y tế yêu cầu bảo đảm chất lượng công tác xét nghiệm; Kiều bào đề nghị tặng 50.000 lọ vaccine phòng COVID-19 cho TP Hồ Chí Minh; Thủ tướng chỉ đạo về việc cấp phép và sử dụng vaccine Nano Covax...
Thêm 9.340 ca mắc COVID-19
Theo thông tin từ Bộ Y tế, trong ngày 9/8, cả nước ghi nhận 9.340 ca mắc COVID-19; trong đó có 17 ca nhập cảnh; 9.323 ca trong nước.
TP Hồ Chí Minh tiếp tục là địa phương có số ca mắc cao nhất (3.991 ca); tiếp đó là Bình Dương (2.887 ca); Đồng Nai (538 ca); Tây Ninh (290 ca); Long An (287 ca); Tiền Giang (251 ca); Bà Rịa - Vũng Tàu (242 ca)...
Tính đến chiều 9/8, Việt Nam có 219.745 ca nhiễm; trong đó 75.920 ca được điều trị khỏi. Tổng số liều vaccine đã được tiêm là 9.405.819 liều, trong đó tiêm mũi 1 là 8.460.013 liều, tiêm mũi 2 là 945.806 liều.
Đông người tại các chốt phòng COVID-19 và UBND các phường tại Hà Nội
Ngày 9/8 là ngày đầu tiên Hà Nội triển khai quy định mới về giấy tờ mà người dân cần có khi ra đường. Do văn bản số 2562/UBND-KT của Hà Nội về siết chặt việc cấp và sử dụng Giấy đi đường trong thời gian giãn cách xã hội mới được ban hành vào tối 8/8 nên có những người dân chưa nắm được nội dung phải xuất trình giấy đi đường đúng mẫu ban hành cùng các giấy tờ như căn cước công dân, lịch trực, văn bản phân công nhiệm vụ... của cơ quan, đơn vị. Nhiều điểm chốt phòng COVID-19 bị ùn ứ vì việc xét các giấy tờ này.
Cũng trong ngày 9/8, rất nhiều đại diện các đơn vị, cơ quan xếp hàng tại bộ phận một cửa tại trụ sở UBND các phường trên địa bàn Hà Nội, chờ làm thủ tục xác nhận lịch trực, lịch làm việc, văn bản phân công nhiệm vụ cho người lao động.
Trước đó, để phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn TP Hà Nội, tối 8/8, UBND TP đã ra quy định mới về siết chặt việc cấp, sử dụng giấy đi đường trong thời gian giãn cách xã hội.
Theo đó, ngoài mẫu Giấy đi đường đã được thành phố ban hành trước đó, người đi đường từ nay phải xuất trình kèm theo căn cước công dân hoặc chứng minh nhân dân, lịch trực, lịch làm việc, văn bản phân công nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị.
Ngoài ra, mẫu Giấy đi đường phải được UBND phường, xã trên địa bàn xác nhận, thay vì chỉ đại diện cơ quan, đơn vị có cán bộ, người lao động... xác nhận như trước.
Bộ Y tế yêu cầu bảo đảm chất lượng xét nghiệm COVID-19
Bộ Y tế vừa có văn bản khẩn gửi Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur; Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc bảo đảm công tác xét nghiệm SARS-CoV-2.
Theo đó, Bộ Y tế cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung mọi nguồn lực để khoanh vùng, dập dịch, xử lý kịp thời, triệt để các ổ dịch, sẵn sàng đáp ứng tốt nhất với diễn biến của dịch bệnh COVID-19, Bộ Y tế đã khẩn trương triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch, mở rộng năng lực thực hiện xét nghiệm, tăng công suất xét nghiệm, huy động các cơ sở trong và ngoài ngành y tế tham gia thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2.
Đến nay Việt Nam đã có 196 phòng xét nghiệm khẳng định và đã thực hiện xét nghiệm khoảng 20 triệu lượt người, phát hiện khoảng 200.000 ca dương tính SARS-CoV-2.
Để tiếp tục duy trì, nâng cao năng lực, chất lượng xét nghiệm nhằm đáp ứng công tác giám sát, phòng chống dịch bệnh và sử dụng hiệu quả nguồn lực hiện có trong thời điểm nhiều tỉnh, thành phố ghi nhận số ca dương tính SARS-CoV-2 tăng cao, Bộ Y tế đề nghị Thủ trưởng các đơn vị chỉ đạo các đơn vị liên quan thực hiện một số nội dung.
Cụ thể, Sở Y tế đôn đốc các phòng xét nghiệm trên địa bàn quản lý, bao gồm cả các phòng xét nghiệm tuyến trung ương trên địa bàn, phòng xét nghiệm thuộc các ngành khác báo cáo kết quả xét nghiệm, số mẫu lấy trong ngày, số lượng xét nghiệm Realtime RT-PCR, số lượng xét nghiệm nhanh kháng nguyên hàng ngày... và số liệu cộng dồn từ khi bắt đầu thực hiện đến thời điểm báo cáo để tổng hợp, báo cáo Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur.
Các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur đôn đốc, tổng hợp số liệu xét nghiệm báo cáo hàng ngày và số liệu cộng dồn của các tỉnh theo phân vùng quản lý, báo cáo hàng ngày; tiếp tục rà soát, nâng cao năng lực xét nghiệm tại địa phương trên cơ sở sẵn sàng nguồn lực theo nguyên tắc 4 tại chỗ để chủ động triển khai xét nghiệm; chỉ đạo các phòng xét nghiệm thường xuyên đánh giá việc thực hiện hoạt động xét nghiệm tại đơn vị theo các quy định, hướng dẫn của Bộ Y tế, đảm bảo chất lượng xét nghiệm, kịp thời phục vụ công tác phòng chống dịch.
Kiều bào đề nghị tặng 50.000 lọ vaccine phòng COVID-19 cho TP Hồ Chí Minh
Ngày 9/8, ông Phùng Công Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban về Người Việt Nam ở nước ngoài TP Hồ Chí Minh, cho biết, đơn vị đã gửi công văn đề nghị UBND TP Hồ Chí Minh cho ý kiến về việc Luật sư Võ Đức Duy, người Việt Nam tại Hoa Kỳ, cùng các cộng sự mong muốn gửi tặng thành phố 50.000 lọ vaccine Moderna, góp phần vào công tác phòng, chống COVID-19.
Theo đó, Ủy ban về Người Việt Nam ở nước ngoài Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị UBND thành phố cho chủ trương để phối hợp với Sở Ngoại vụ, Sở Y tế và Cục Hải quan thành phố kịp thời tiếp nhận lô vaccine trên.
Hơn 203.000 bộ xét nghiệm nhanh COVID-19 đã về đến TP Hồ Chí Minh
Chiều 9/8, hơn 203.000 bộ xét nghiệm nhanh COVID-19, tương đương 4,5 tấn hàng đã được Vietnam Airlines vận chuyển miễn phí trên chuyến bay VN30 từ Frankfurt (Đức), hạ cánh tại TP Hồ Chí Minh. Đây là lô hàng thứ 2 trong số 1 triệu bộ xét nghiệm nhanh do Chính phủ Đức trao tặng Chính phủ Việt Nam hỗ trợ phòng chống dịch COVID-19.
Trước đó, 170.000 bộ xét nghiệm nhanh cũng đã được Vietnam Airlines vận chuyển về Hà Nội ngày 27/6/2021.
Các loại kit xét nghiệm nhanh COVID-19 trên đã được Viện Dược phẩm và các thiết bị y tế Đức (BfArM) phê chuẩn sử dụng tại Đức. Đây là lô hàng quyên góp viện trợ với tổng giá trị khoảng 560.000 Euro. Số hàng này sẽ được phân bổ cho TP Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương, hai điểm nóng bị ảnh hưởng nặng nề của đợt dịch COVID-19 thứ 4 tại Việt Nam.
Thủ tướng chỉ đạo về việc cấp phép và sử dụng vaccine Nano Covax
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ trưởng Bộ Y tế nghiên cứu, chỉ đạo việc cấp phép và sử dụng vaccine Nano Covax theo hướng giảm bớt quy trình, thủ tục hành chính, nhưng phải đảm bảo chặt chẽ theo quy định và thẩm quyền.
Văn phòng Chính phủ nhận được văn bản của GS.TS Nguyễn Gia Bình, Chủ tịch Hội Hồi sức cấp cứu và chống độc Việt Nam, Ủy viên Hội đồng chuyên môn Ban Bảo vệ chăm sóc sức khỏe Trung ương, kiến nghị về việc cấp phép sử dụng vaccine trong tình huống khẩn cấp.
Về việc này, Thủ tướng Phạm Minh Chính có ý kiến như sau: Đồng chí Bộ trưởng Bộ Y tế nghiên cứu, chỉ đạo việc cấp phép và sử dụng vaccine Nano Covax theo hướng giảm bớt quy trình, thủ tục hành chính, nhưng phải đảm bảo chặt chẽ theo quy định và thẩm quyền.
Vaccine phòng COVID-19 Nano Covax được Công ty cổ phần Công nghệ sinh học dược Nanogen phát triển từ tháng 5/2020, dựa trên công nghệ protein tái tổ hợp.
Vaccine này đã trải qua 2 giai đoạn thử nghiệm lâm sàng, trong đó giai đoạn 1 bắt đầu từ ngày 18/12/2020 và giai đoạn 2 từ ngày 26/2/2021.
Theo TS. Nguyễn Ngô Quang, Phó Cục trưởng Cục Khoa học, công nghệ và đào tạo (Bộ Y tế), vaccine Nano Covax của Công ty cổ phần Công nghệ sinh học dược Nanogen và Học viện Quân y nghiên cứu đang thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 và đang thực hiện đánh giá 3 yếu tố, gồm tính an toàn, tính sinh miễn dịch, hiệu lực bảo vệ trên tình nguyện viên Việt Nam từ 18 tuổi trở lên.
Trong đó, giai đoạn 3a tiêm cho 1.000 đối tượng, đánh giá giữa kỳ tính an toàn, tính sinh miễn dịch, tỉ lệ tiêm cho nhóm tình nguyện viên vaccine trên nhóm tiêm giả dược là 6:1.
Giai đoạn 3b được tiêm trên 12.000 người, tỉ lệ tiêm cho nhóm tình nguyện viên vaccine trên nhóm tiêm giả dược là 2:1.
Dự kiến, trước ngày 15/8 sẽ có đánh giá kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3a.
Trên cơ sở này, các cơ quan liên quan sẽ rà soát để có dữ liệu ban đầu về tính sinh miễn dịch và hiệu lực bảo vệ của vacccine của giai đoạn 3a.
PV/Báo Tin tức