Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ nêu quy định giao Ngân hàng Chính sách Xã hội thực hiện cho vay hộ cận nghèo đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh, nhằm góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững.
Mức cho vay đối với hộ cận nghèo do Ngân hàng Chính sách Xã hội và hộ cận nghèo thỏa thuận nhưng không vượt quá mức cho vay tối đa phục vụ sản xuất kinh doanh áp dụng đối với hộ nghèo trong từng thời kỳ.
Trong đó, theo dự thảo, lãi suất cho hộ cận nghèo vay bằng 130% lãi suất cho vay đối với hộ nghèo quy định trong từng thời kỳ. Còn lãi suất nợ quá hạn bằng 130% lãi suất cho vay.
Theo quy định hiện hành lãi suất cho vay đối với hộ nghèo là 0,65%/tháng và khoảng 7,8%/năm. Như vậy, mức lãi suất cho vay hộ cận nghèo dự kiến bằng 130% lãi suất cho vay đối với hộ nghèo tức là tương đương khoảng 0,85%/tháng và hơn 10%/năm, mức lãi suất này thấp hơn lãi suất thị trường.
Ngoài ưu đãi cụ thể về mức cho vay, điều quan trọng của chính sách này là nếu các hộ cận nghèo được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội, họ sẽ không phải thế chấp tài sản khi vay vốn. Đồng thời thủ tục vay vốn người dân sẽ được các tổ, nhóm, hội, đoàn thể hỗ trợ...
Thời hạn cho vay cũng do Ngân hàng Chính sách xã hội và hộ cận nghèo vay vốn thỏa thuận phù hợp với chu kỳ sản xuất của vật nuôi, cây trồng và khả năng trả nợ của khách hàng.
Theo quan điểm của một số nhà quản lý và các chuyên gia trong lĩnh vực xóa đói, giảm nghèo, một trong những nguyên nhân cơ bản gây tái nghèo là do các hộ cận nghèo thiếu vốn để đầu tư sản xuất. Bởi vì, theo quy định hiện hành số đối tượng này không đủ điều kiện để được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Mặt khác họ càng không có đủ điều kiện cần thiết để tiếp cận nguồn vốn của các ngân hàng thương mại vì không có tài sản thế chấp và cũng không biết cách thức lập đề án vay vốn.
Chí Đức