Một trong “Lục súc tranh công” trong truyện dân gian Việt Nam là con chó. Tiếng Việt gọi tên loài vật này chỉ duy nhất có từ ấy. Nếu phân biệt thì tách thành hai: chó nuôi trong nhà và chó sống hoang dã.
Nhưng, trong cuộc sống thường ngày, đôi khi ta vẫn bắt gặp hai từ Hán Việt để chỉ con chó, đó là Cẩu và Khuyển. Vậy cẩu và khuyển có gì khác nhau? Theo Hán Việt từ điển của Thiều Chửu NXB Văn hóa Thông tin - 2009, thì khuyển có ý là “con chó - theo nghĩa hèn hạ. Còn cẩu là con chó nuôi ở trong nhà.
Còn chó đá, bên Trung Quốc người ta gọi là Quan Hoàng Thạch (Quan: chức quan, Hoàng: vàng, Thạch: đá) - Quan Hoàng Thạch thường được đặt ở cổng làng, cổng nhà và nơi phân định ranh giới, mốc cõi. Với hàm ý: Canh gác, bảo vệ làng quê, nhà chủ và giữ gìn sự toàn vẹn bờ cõi, mốc giới cho chủ nuôi.
Nước ta, thời trước cũng thấy chó đá xuất hiện ở nhiều cổng làng và một số cổng nhà - phần lớn là nhà giàu. Như vậy, chó đá đã được quy định “chức năng, nhiệm vụ” rõ ràng, hẳn hoi, chứ “chó đá” không chỉ đơn thuần là cục đá người thợ đá đẽo, tạc nên nó.
Chó. Kể cả chó đá có mối quan hệ với người khăng khít như vậy, chả trách nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đã viết: “Kiếp này tôi là người/ Nếu kiếp sau phải là con vật/ Tôi xin ở kiếp sau, làm một con chó nhỏ/ Để canh giữ nỗi buồn, báu vật cố hương tôi”.
Văn Quản (st)