Hình ảnh sỏi thận.

Sỏi thận là hiện tượng bệnh lý xuất hiện khi muối và chất khoáng lắng cặn trong thận và đường tiết niệu. Các chất lắng cặn kết tinh lại với nhau tạo thành các tinh thể muối khoáng được gọi là sỏi (hay sạn), mà chủ yếu là các tinh thể canxi. Trường hợp sỏi nhỏ thường được bài tiết ra ngoài theo nước tiểu và không gây đau. Bệnh nhân thường đau đớn khi gặp phải sỏi lớn và chúng di chuyển từ bể thận xuống niệu quản, bàng quang, gây tổn thương đường tiết niệu.

Nguyên nhân

Sỏi thận có thể do nhiều nguyên nhân gây ra. Các nguyên nhân chủ yếu thường liên quan đến thói quen sinh hoạt hàng ngày. Có thể điểm qua một số nguyên nhân gây nên bệnh lý này sau đây:

Uống ít nước:Khi lượng nước đưa vào cơ thể không đủ sẽ ảnh hưởng đến tuần hoàn thận. Chức năng lọc giảm, nước tiểu đặc với nồng độ các ion và muối khoáng cao, dễ kết tinh tạo sỏi.

Ăn uống không phù hợp:Thói quen ăn mặn, ăn nhiều dầu mỡ cũng gây trở ngại đến tuần hoàn thận. Ngoài ra, việc sử dụng nhiều thức ăn chứa các gốc muối (điển hình là oxalat trong môn, cải, cần tây, rau muống…) cũng làm tăng nguy cơ sỏi thận.

Nhịn tiểu: Nhịn tiểu làm nước tiểu tích tụ đầy bàng quang, bể thận kéo theo tích tụ các chất khoáng. Khi thời gian tích tụ kéo dài sẽ dễ hình thành sỏi.

Mắc các dị tật đường tiết niệu bẩm sinh làm cản trở sự bài tiết nước tiểu, cơ chế tương tự như nhịn tiểu. Nhiễm trùng đường sinh dục, tiết niệu cũng có nguy cơ gây nên bệnh sỏi tiết niệu.

Triệu chứng

Cơn đau xuất phát từ lưng, vùng mạn sườn dưới sau đó lan xuống vùng chậu, vùng bụng dưới. Đây là triệu chứng xảy ra do sỏi lớn di chuyển và cọ xát làm tổn thương đường tiết niệu.

Bệnh nhân đi tiểu khó, đau buốt khi đi tiểu. Trong khi đi tiểu, sự di chuyển của nước tiểu kéo theo sỏi thận cũng gây đau cho người bệnh.

Tiểu ra máu:là dấu hiệu của tổn thương đường tiết niệu, có thể do sỏi hoặc một số nguyên nhân khác.

Nước tiểu màu bất thường hoặc có lẫn cặn: một số trường hợp sỏi nhỏ hoặc sỏi bị vỡ sẽ được bài xuất qua nước tiểu.

Tiểu dắt, tiểu són:Thường gặp khi sỏi đã di chuyển xuống niệu quản, bàng quang làm tắc đường dẫn nước tiểu. Bệnh nhân thường đi tiểu nhiều lần với lượng nước tiểu ít.

Buồn nôn, nôn: Do ảnh hưởng của sỏi đến thần kinh vùng bụng, tác động đến hệ tiêu hóa.

Sốt, ớn lạnh: Là dấu hiệu của trường hợp sỏi thận gây tắc nước tiểu, nhiễm trùng đường tiết niệu. Bệnh điển hình bởi những cơn đau lưng, vùng mạn sườn.

Cách phòng bệnh

Uống đủ nước: Cần hình thành thói quen uống đủ nước là phương pháp đầu tiên để phòng ngừa hay điều trị sỏi thận. Nước sẽ giúp tránh tích tụ canxi và axit uric thành tinh thể ứ đọng trong thận. Nếu không cung cấp đủ nước nhất là mùa hè, lượng nước tiểu sẽ giảm đáng kể tạo điều kiện cho các chất tạo sỏi lắng đọng trong thận và đường tiết niệu. Theo khuyến cáo, lượng nước nên uống mỗi ngày là 2 – 2,5 lít tùy theo nhu cầu hoạt động thể chất. Cần bổ sung thêm nước ép từ cam và chanh có chứa citrate - đều có khả năng ngăn ngừa sỏi hình thành.

Ăn ít đồ ăn chứa hàm lượng purin cao: Protein (đạm) động vật, chẳng hạn như thịt đỏ, cá, nội tạng động vật có chứa hàm lượng purin cao, dẫn đến sản xuất nhiều axit uric hơn tạo điều kiện cho sỏi axit uric dễ hình thành. Lượng protein cao cũng khiến thận bài tiết nhiều canxi hơn, dẫn đến hình thành sỏi trong thận.

Purin có trong hầu hết các loại thực phẩm, nhưng hàm lượng purin trong trái cây và rau củ rất ít, vì vậy ăn nhiều trái cây và rau quả sẽ giúp giảm độ axit trong nước tiểu và điều này có thể giúp giảm cơ hội hình thành sỏi axit uric.

Ăn ít muối: Mỗi người nên giảm bớt lượng muối và các gia vị trong bữa ăn hằng ngày. Natri có trong muối ăn sẽ ngăn quá trình canxi được tái hấp thu từ nước tiểu vào máu. Từ đó làm lượng canxi trong nước tiểu tăng cao và dẫn đến hiện tượng kết tinh sỏi.

Ngoài ra, chúng ta nên hạn chế sử dụng các thuốc làm tăng nguy cơ tạo sỏi khi không thực sự cần thiết. Không nhịn tiểu, khi có nhu cầu cần giải quyết ngay.

Sỏi thận là căn bệnh hình thành và diễn biến âm thầm hằng ngày nên khó nhận ra. Nếu không phát hiện, điều trị bệnh từ sớm, sỏi thận tiến triển gây đau đớn cho người bệnh và ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt hằng ngày. Do đó, cần thay đổi thói quen lành mạnh và có biện pháp phòng ngừa và điều trị hiệu quả bệnh sỏi thận.

Thành An