Miễn đăng kiểm lần đầu, kéo dài chu kỳ kiểm định sẽ giảm tải áp lực cho các Trung tâm đăng kiểm xe
Hàng loạt trung tâm đăng kiểm phải đóng cửa, hàng trăm cán bộ, đăng kiểm viên bị khởi tố đã dẫn tới tình trạng ùn tắc phương tiện đến đăng kiểm tại nhiều địa phương. Để giải quyết một cách căn cơ, lâu dài, ngày 22-3, Bộ GTVT ban hành thông tư mới, miễn đăng kiểm lần đầu đối với ô tô mới và giãn chu kỳ kiểm định với một số loại xe cơ giới, dựa trên mục tiêu là bảo đảm an toàn của phương tiện; đồng thời giảm tải nhu cầu kiểm định xe cơ giới, giảm chi phí xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp...
Nhiều thay đổi phù hợp với thực tế
Bộ GTVT vừa ban hành Thông tư số 02/2023/TT-BGTVT về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 16/2021/TT-BGTVT, có hiệu lực thi hành từ ngày 22-3 về việc miễn kiểm định lần đầu đối với xe cơ giới chưa qua sử dụng và có năm sản xuất đến năm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận kiểm định dưới 2 năm, có đủ hồ sơ hợp lệ. Chủ xe được cấp tem và giấy chứng nhận tại các trung tâm đăng kiểm mà không phải mang xe đến trình diện. Cụ thể, với ô tô chở người các loại đến 9 chỗ không kinh doanh vận tải chu kỳ đầu tiên miễn kiểm định và tăng từ 30 tháng lên 36 tháng; thời gian sản xuất đến 7 năm thì chu kỳ tăng từ 18 tháng lên 24 tháng; thời gian sản xuất trên 7 đến 20 năm (trước đây là 12 năm) thì chu kỳ giữ nguyên 12 tháng; thời gian sản xuất trên 20 năm thì chu kỳ kiểm định giữ nguyên 6 tháng.
Anh Nguyễn Trung Hoàn, trú tại quận Thanh Xuân, T.P Hà Nội cho biết: Xe mới đều được các nhà sản xuất kiểm tra, đánh giá mức độ an toàn trước khi bán ra thị trường. Thời gian đầu tới tay người dùng, các hãng cũng có chế độ bảo hành nên phần lớn xe này đều đạt chất lượng. Vây nên, việc đưa đi kiểm định ô tô mới sẽ tốn kém, không cần thiết. “Theo quy định hiện hành, phí đăng kiểm ô tô mà khách hàng phải trả khi hoàn thiện hồ sơ lăn bánh là 250.000 đồng/lần/xe đối với ôtô chở người dưới 10 chỗ ngồi. Do đó, khi miễn đăng kiểm lần đầu, người dân tiết kiệm được khoản phí này” - anh Nguyễn Trung Hoàn chia sẻ.
Với ô tô chở người trên 9 chỗ, chu kỳ đầu tiên miễn kiểm định và tăng từ 18 lên 24 tháng; thời gian sản xuất đến 5 năm thì chu kỳ tăng từ 6 lên 12 tháng; thời gian sản xuất trên 5 năm thì chu kỳ giữ nguyên 6 tháng. Đối với nhóm ô tô tải, ô tô đầu kéo có thời gian sản xuất từ 20 năm trở lên (kể cả ô tô tải, ô tô đầu kéo đã cải tạo thành ô tô chuyên dùng), ô tô tải được cải tạo chuyển đổi công năng từ ô tô chở người có thời gian sản xuất từ 15 năm trở lên được kéo dài chu kỳ kiểm định từ 3 lên 6 tháng. Bên cạnh đó, thông tư cũng điều chỉnh một số nội dung nhằm giảm thiểu thủ tục, chi phí và thời gian cho người dân và doanh nghiệp.
Trước đó, số báo 1479, ngày 15-3, Báo CCB Việt Nam đã nêu ra những khó khăn của người dân, doanh nghiệp gặp phải khi các trung tâm đăng kiểm ở Hà Nội, T.P Hồ Chí Minh bị đóng cửa, dẫn đến quá tải, nhiều chủ phương tiện phải xếp hàng 3 đến 4 ngày mới đăng kiểm được xe. Vậy, với Thông tư 02, các xe đang và sắp hết hạn đăng kiểm có được kéo dài thêm thời gian? Trả lời vấn đề này, lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết: Việc gia hạn kiểm định chỉ áp dụng với các xe sẽ đăng kiểm từ ngày 22-3 mà không hồi tố với các xe đã đăng kiểm trước đó, các xe sắp đến chu kỳ kiểm định vẫn phải đưa phương tiện đi đăng kiểm theo quy định. “Các xe sắp hết hạn đăng kiểm cũng không được tự động gia hạn mà phải đi kiểm định đúng hạn cũ và chỉ được áp dụng việc kéo dài chu kỳ kiểm định trong chu kỳ đăng kiểm tiếp theo” - lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam thông tin.
Tạo thuận lợi cho người dân, tăng trách nhiệm nhà sản xuất
Theo Bộ GTVT, thời gian qua, một số nội dung của Thông tư 16 bộc lộ bất cập như yêu cầu kiểm định đối với phương tiện mới, chu kỳ kiểm định chưa thực sự phù hợp với điều kiện thực tiễn, đặc biệt đối với phương tiện cá nhân (xe không kinh doanh vận tải)… Bộ GTVT rà soát, nghiên cứu, đề xuất Chính phủ và được chấp thuận cho phép sửa đổi Thông tư 16 theo trình tự rút gọn.
Cục Đăng kiểm Việt Nam cho rằng, quy định mới ban hành sẽ tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, đồng thời dữ liệu kiểm định của xe cơ giới vẫn đầy đủ đảm bảo phục vụ chia sẻ thông tin làm giàu cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cung cấp cho các cơ quan quản lý Nhà nước (cảnh sát giao thông, cơ quan thuế, Sở GTVT, toà án, thi hành án…) phục vụ công tác thống kê, hỗ trợ lực lượng tuần tra kiểm soát tra cứu dữ liệu, kiểm soát tải trọng, quản lý vận tải, thu phí tự động không dừng. Mặt khác, thực hiện miễn kiểm tra an toàn khí thải và bảo vệ môi trường lần đầu, đồng nghĩa trách nhiệm của nhà sản xuất, lắp ráp nhập khẩu sẽ được tăng lên.
Ngoài ra, đối với doanh nghiệp bảo hiểm, cần phải phối hợp cùng nhà sản xuất, chủ xe để xác định trách nhiệm khi xảy ra vấn đề bảo hiểm, bồi thường. Khi xảy ra tai nạn giao thông liên quan đến ô tô mới, cơ quan điều tra cần làm rõ nguyên nhân gây ra tai nạn giao thông, có thể do ý thức của người điều khiển, nhưng nếu liên quan đến kỹ thuật của phương tiện thì nhà sản xuất phải chịu trách nhiệm.
Trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam - Nguyễn Văn Quyền cho rằng, ngoài vai trò quản lý của Cục Đăng kiểm Việt Nam, cần bổ sung yêu cầu về trách nhiệm, vai trò quản lý nhà nước trên địa bàn của Sở Giao thông vận tải các địa phương. Điều này nhằm ngăn ngừa việc buông lỏng quản lý, để xảy ra tình trạng vi phạm tràn lan như vừa qua.
Võ Hóa