Thành ngữ Việt Nam có những câu rất hay, nói về sự chủ quan của con người. Ví dụ: “Mất bò mới lo làm chuồng”, “Cháy nhà ra mặt chuột”... Sau vụ cháy chung cư mini (số 37 ngõ 29/70 phố Khương Hạ, Khương Đình, Thanh Xuân, T.P Hà Nội) làm chết 56 người, bị thương nhiều người... các nhà quản lý đô thị, xây dựng, phòng cháy chữa cháy (PCCC) và mọi người dân mới giật mình.
Về xây dựng, ông Vũ Ngọc Anh - Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường (Bộ Xây dựng) cho rằng: “Để bảo đảm an toàn PCCC thì chủ đầu tư phải tuân thủ ngay từ thiết kế xây dựng toà nhà ban đầu. Trong khi giấy phép xây dựng cấp cho chủ đầu tư chung cư mini vừa bị cháy là giấy phép xây nhà riêng lẻ 6 tầng, 1 tum, mật độ xây dựng 70% nhưng chủ đầu tư đã xây 9 tầng, 1 tum với mật độ xây dựng 100%. Việc để giếng trời tại toà chung cư mini vừa bị cháy cũng rất nguy hiểm, khi bị cháy khói xộc lên rất nhanh”.
Hóa ra“chung cư mini”chưa có tên trong bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn nhà chung cư. Do các công trình này có đầy đủ đặc điểm của một nhà chung cư, có cầu thang sử dụng chung, có hành lang chung, có phần sở hữu chung, phần sở hữu riêng. Vì vậy, chung cư mini phải được thiết kế an toàn cháy theo quy định của nhà chung cư. Vấn đề là ai duyệt thiết kế chung cư và ai kiểm tra chung cư khi nó được xây dựng lên? Theo luật định, chắc chắn nó thuộc thẩm quyền của thanh tra xây dựng (với cấp quận, huyện là các phòng thanh tra xây dựng).
Công trình loại như chung cư mini thuộc diện phải thẩm duyệt PCCC. Theo quy định thì thang bộ của chung cư mini phải được đặt trong buồng thang kín, khói và lửa không lan vào được để bảo đảm an toàn cho cư dân thoát hiểm khi có sự cố.
Cách đây 3 năm - tháng 6-2020, Bộ Xây dựng có văn bản gửi UBND các địa phương về việc tăng cường thực hiện quy định pháp luật về xây dựng, kiểm soát trật tự xây dựng đối với nhà ở riêng lẻ thiết kế nhiều tầng, nhiều căn hộ.
Tại văn bản trên, Bộ này chỉ ra rằng, ở một số địa phương tại các khu vực đô thị đã xuất hiện tình trạng lợi dụng sự buông lỏng quản lý của các cơ quan chức năng nên các hộ gia đình, cá nhân đã tự ý thức thực hiện việc xây dựng công trình nhà ở riêng lẻ theo kiểu nhiều tầng, nhiều căn hộ ở mà không tuân thủ các quy định của pháp luật. Các sai phạm tập trung chủ yếu là tình trạng xây dựng không phép, xây dựng sai phép, xây dựng sai quy hoạch, lấn chiếm không gian, chia nhỏ căn hộ, tự ý nâng tầng... rồi tự do mua bán, chuyển nhượng.
Chắc chắn đã không có ai kiểm tra, chắc chắn là về quản lý nhà nước, chính quyền nơi có các chung cư mini đã không làm đúng, làm hết thẩm quyền. Đấy là chưa nói đến “tiêu cực”, nhận “phong bì”, thực trạng “phạt cho tồn tại” đã trở thành “căn bệnh ung thư”,thường ngày trong quản lý xây dựng.
Luật PCCC đã được Quốc hội thông qua, có hiệu lực cách đây 22 năm; Luật PCCC sửa đổi, bổ sung cũng có hiệu lực cách đây 10 năm. “Hành lang pháp lý” về PCCC còn có 8 nghị định và 7 thông tư. Đáng tiếc, còn đầy rẫy bất cập.
Trước hết là, nhiều quy định của pháp luật về PCCC không còn đáp ứng được với sự thay đổi, phát triển của xã hội, lạc hậu so với sự phát triển của xã hội. Trong khi đó, công tác rà soát, bổ sung, sửa đổi, xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật; các quy chuẩn, tiêu chuẩn về PCCC, cũng như các luật khác về xây dựng đã quá lạc hậu so với tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Đáng chú ý nguyên nhân của sự “đi sau” đó lại thuộc về chủ quan: Nhận thức, ý thức trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương,người đứng đầu các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức,đối với công tác PCCC còn hạn chế; chưa làm hết trách nhiệm trong việc quản lý, tổ chức thực hiện các quy định về PCCC.
Điều nguy hiểm nữa là thiếu cơ chế để xác định trách nhiệm của người đứng đầu, cá thể hóa trách nhiệm cá nhân. Lực lượng có trách nhiệm thanh tra chuyên ngành chưa coi trọng công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát.
Về ý thức của các cá nhân, tổ chức về pháp luật PCCC còn hạn chế. Nhiều người vi phạm quy định về PCCC nhưng chưa biết mình vi phạm. Điều đó có nghĩa là luật pháp về PCCC chưa đi vào cuộc sống, trở thành nhận thức, hành vi. Cộng đồng chưa có văn hóa về PCCC.
Sau vụ cháy chung cư mini Khương Hạ, các cơ quan có trách nhiệm sẽ phải “truy tận gốc”, mổ xẻ về nhiều khía cạnh; trong đó có vấn đề tiêu chí về diện tích đất bao nhiêu, mặt tiền, mặt ngõ bao nhiêu... thì mới đủ điều kiện cho phép xây dựng chung cư mini. Đối với cư dân đô thị, chắc chắn phải học kỹ năng “sinh tồn” nếu thảm họa cháy, nổ xảy ra; ngay cả việc hàn “chuồng cọp” bịt kín căn hộ, lắp cửa cuộn trước cửa các ngôi nhà liền kề.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong Thư thăm hỏi các nạn nhân vụ hỏa hoạn yêu cầu: “Tôi đề nghị T.P Hà Nội cần nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm thật sâu sắc về sự cố này; yêu cầu các cơ quan chức năng điều tra làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan và xử lý nghiêm các vi phạm theo đúng quy định của pháp luật. Đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy trong cả nước, hướng dẫn và thông tin, tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân nâng cao cảnh giác, ứng phó kịp thời không để xảy ra cháy, nổ”.
Rõ ràng, đã đến lúc phải lãnh đạo, quản lý lại, chứ không thể “ném bùn sang ao” để tất cả “giật mình”- ớ ra khi “có chuyện”giống vụ cháy chung cư mini này.
Ngô Đức Hành