Phóng viên Báo CCB Việt Nam xin giới thiệu những kinh nghiệm bảo vệ môi trường rất có hiệu quả của CCB được báo cáo, trao đổi tại hội thảo.

Một sự thật đến khó tin
Người gây hết bất ngờ này đến bất ngờ khác trong hội thảo chính là CCB Lý Phù Sinh, sinh năm 1964, dân tộc Giao, ở thôn Phú Mậu, xã Liêm Phú, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai.
Được Hội CCB tỉnh Lào Cai giới thiệu, tôi đã tìm, ngỏ ý muốn gặp anh sau bữa ăn, nhưng Sinh nói:

  • Tối mình còn bận ngủ - không làm việc đâu.
    Mọi người nghe ngạc nhiên. Nhưng tôi thì kinh nghiệm nghề nghiệp mách bảo, đây là người rất thẳng thắn, trung thực.
    Mời Sinh chén rượu, tôi hỏi thêm:
  • Anh Sinh học hết lớp mấy?
  • Mình không biết chữ. Mà cả bản mình cũng không biết chữ đâu.
  • Thế mà vẫn vào được bộ đội?
  • Năm 1984 vào bộ đội có biết, giờ quên rồi.
    Tối ấy, sau bữa ăn, Sinh chìm trong giấc ngủ. Còn tôi thì thức hầu như trắng đêm vì đọc bản tham luận của anh. Tôi thật không ngờ con người bình thường này lại “sáng dạ” và có thể làm được nhiều việc tốt vì cộng đồng đến thế.
    Vào hội thảo, Sinh lên tham luận lại làm cả hội trường bất ngờ nữa, khi anh không mang theo “tài liệu” mà nói vo.
    Cả hội trường im phăng phắc nghe Sinh nói, rồi vỡ òa tiếng vỗ tay thán phục.
    Đúng là một sự thật đến khó tin: Sinh vốn nghèo nhất xã Tà Phìn, huyện Sa Pa. Đi bộ đội về lấy vợ vẫn nghèo.
    Cả hai vợ chồng bỏ quê đi khai hoang ở thôn Phú Mậu, xã Liên Phú, huyện Văn Bàn. Để vợ ở nhà, Sinh đi làm thuê cuốc mướn, trôi dạt hết bản này sang bản khác; làm hết việc này sang việc khác, vẫn nghèo. Đến năm 2000, tỉnh Lào Cai có chủ trương trồng thí điểm cây thảo quả. Ông Hà Ngọc Đông-Chủ tịch UBND huyện Văn Bàn chọn 10 người nghèo nhất huyện (trong đó có Sinh) đi học kỹ thuật trồng thảo quả.
    Không biết chữ nhưng Sinh lại sáng dạ nhất lớp. Sinh thuộc như cháo chảy: Thảo quả là loại cây phải trồng trong rừng già, trên rừng cách mặt nước biển từ 1.500m trở lên và phải được tán cây che mát…
    “Thế thì cây thảo quả đích thực là loại cây bảo vệ rừng rồi” - Lý Phù Sinh nghĩ thế và anh lăn lộn, thức ngày thức đêm đi học hết người này đến người khác để về còn làm “giáo viên” hướng dẫn dân bản quê Sinh trồng thảo quả, kết hợp bảo vệ rừng, chứ rừng ở quê Sinh bị phá nhiều lắm, sắp hết rồi.
    Học viên đầu tiên mà “thầy giáo Sinh” hướng dẫn là vợ anh. Sau đó cả hai vợ chồng xin nhận rừng trồng thí điểm. Thu hoạch từ cây thảo quả hơn cả cây thuốc phiện.
    Sinh vừa trồng cây giống cấp cho mọi người, vừa đến các nhà phổ biến kỹ thuật trồng cây thảo quả. Anh bảo với đồng bào: “Từ nay phá rừng là ông trời phạt, đánh chết cây thảo quả đấy”. Nghe theo Sinh, cả bản, cả xã, rồi cả huyện đua nhau xin nhận rừng để trồng thảo quả-đồng nghĩa với cây rừng không bị đốn hạ nữa.
    Năm 2007, Sinh được cử về báo cáo điển hình ở TƯ, có vị băn khoăn hỏi anh: “Chả lẽ bảo vệ rừng lại chỉ đơn giản thế?”. Sinh nói tưng tửng:
  • Thì toàn chúng nó, trước đói vào rừng chặt gỗ bán lấy tiền mua gạo. Nay trồng thảo quả có giá, chặt cậy sợ hỏng thảo quả nên nó không phá rừng nữa… Có thế mà cũng không biết!
    Mọi người thông cảm với lối nói “ruột ngựa” của Sinh. Năm ấy Sinh được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng ba, Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen.
    Gần đây Sinh còn phóng xe máy đi hàng trăm ki-lô-mét về tận thôn Lũng Cú và thôn Phìn Ngài, xã Nặm Có, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái và xã Thượng Lâm, huyện Lâm Bình, xã Phú Sơn, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang hướng dẫn mấy bạn đồng ngũ trồng cây thảo quả kết hợp bảo vệ rừng. Anh còn giúp hàng trăm hộ thoát nghèo; nhận 4 trẻ mồ côi về nuôi lớn khôn trưởng thành.
    Đúng là chưa giàu có về vật chất, nhưng những việc làm tốt của Lý Phù Sinh góp phần bảo vệ môi trường thì thật là lớn lao.

“Vác tù và hàng tổng”
Ví như thế là chính xác với “Đội bảo vệ rừng đầu nguồn” của lực lượng CCB xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái. Đây là xã vùng cao đặc biệt khó khăn.
Số là, mấy năm về trước, khi mà hằng ngày, hằng giờ khu rừng phòng hộ rộng 3.600ha trong địa bàn xã-mặc dù đây là khu rừng được Nhà nước quy hoạch là khu bảo tồn thiên nhiên, nhưng bị nhân dân đốt phá làm nương; bị lâm tặc chặt phá hết sức nghiêm trọng.
Trước tình trang khu rừng sắp bị xóa sổ, năm 2012, Hội CCB xã làm đơn đề xuất với UBND xã và cơ quan Kiểm lâm huyện được bảo vệ toàn bộ khu rừng đầu nguồn này mà không đòi hỏi một quyền lợi gì.
Lẽ đương nhiên là chính quyền địa phương đồng ý. 43 hội viện CCB trong xã tham gia, do Hoàng A Hòa-Chủ tịch Hội CCB xã trực tiếp làm đội trưởng.
Đội lên kế hoạch bảo vệ rừng bài bản như tổ chức một trận đánh: Khảo sát, đánh giá lại diện tích rừng đầu nguồn, lập quy ước bảo vệ rừng cụ thể đến từng hộ dân và tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân cùng tham gia bảo vệ rừng. Đội chia thành ba tổ, phối hợp với lực lượng Kiểm lâm huyện gác, kiểm tra rừng 24/24 giờ trong ngày…
Kết quả là toàn bộ khu rừng đã được bảo vệ, tuyệt đối không còn tình trạng đốt rừng làm nương; lâm tặc cũng bị chặn đứng. Hiện nay rừng đang được hồi sinh từng ngày, muông thú quý hiếm trở về sinh sống; khắc phục được cơ bản tình trạng mưa lũ, ngập úng như trước đây, làm cho nhân dân trong xã càng thấy tầm quan trọng của khu rừng đầu nguồn trong đời sống kinh tế, xã hội của địa phương.
Ông Trần Duy Trản-Phó chủ tịch Hội CCB huyện Văn Yên về báo cáo kinh nghiệm trong hội thảo đã nhấn mạnh:

  • Nguyên nhân chính để chặn đứng được tình trạng phá rừng là do lực lượng bảo vệ của CCB xã đã dựa được vào dân, xác định nhân dân là đối tượng chính bảo vệ rừng. Đồng thời họ giữ vững phẩm chất, không bị lâm tặc mua chuộc; cũng không sợ kẻ xấu đe dọa hành hung, kiên quyết, gương mẫu bảo vệ rừng đến cùng.
    Ông cũng kiến nghị, để lực lượng CCB tham gia bảo vệ rừng lâu dài cần có một cơ chế, chính sách phù hợp, như tiền lương, bảo hiểm y tế và trang bị những vật dụng cần thiết cho công tác bảo vệ rừng.

18 tỷ đồng không phải từ rác!
Có lẽ một điển hình CCB bảo vệ môi trường có kinh tế khá hơn cả so với những điển hình khác về báo cáo điển hình tại Hội thảo là CCB Nguyễn Hữu Hoạch - Giám đốc HTX Vận tải và dịch vụ môi trường Thanh Bình ở huyện Yên Sơn, TP. Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang. Ông khoe với tôi ngay ngày đầu thành lập ông đã phải rút vốn đầu tư gần một tỷ đồng để mua xe chở rác và máy chế biến nhựa phế thải... Nay tổng tài sản cuaủa HTX đã lên tới hơn 18 tỷ đồng, với gần 100 lao động hầu hết là con em CCB và gia đình chính sách.
Ông kể với tôi cơ duyên ông chọn nghề thu gom rác là năm 2000 ông là điển hình của Liên minh HTX Việt Nam được chọn đi dự Hội nghị Thi đua toàn quốc. Tại hội nghị này, một vấn đề “nóng” được rất nhiều đại biểu kiến nghị với Đảng và Nhà nước là tình trạng ô nhiễm môi trường ở các địa phương, địa bàn.
Ông ngẫm nghĩ và liên hệ với thị xã Tuyên Quang (nay là thành phố) nơi ông đang cư trú thì thấy thật không sai. “Có thể thành lập được HTX thu gom, xử lý rác thải lắm chứ?”. Ông nghĩ thế và ông quyết định bỏ nghề sản xuất, cung ứng vật liệu xây dựng sang thành lập HTX dịch vụ vận tải môi trường.
Ông thành thực nói với tôi:

  • Đặt tên HTX bóng bẩy thế cho oai, chứ thực chất là nghề thu gom, phân loai, tận dụng rác. Mà “kinh doanh rác” là nặng nhọc lắm, không thể có “lãi mẹ đẻ lãi con”, trong khi phải đầu tư mua máy móc, thiết bị lại rất lớn. Số tài sản trị giá 18 tỷ đồng của HTX bây giờ phần lớn do tôi đầu tư và một phần huy động đóng cổ phần của xã viên HTX.
    Trình bày đề án thành lập HTX, ông được chính quyền, Hội CCB rất ủng hộ, nhưng ngược lại vợ con, anh em thân thích thì phản đối. Nhưng ông quyết thực hiện ý tưởng của mình và ông tin tưởng đó là hướng đi đúng.
    Và đúng là ông đã thành công. Thành công chính là nhờ ông đã biết biến rác thành sản phẩm: Ông mua máy tái chế nhựa phế thải thành hạt nhựa công nghiệp; giấy phế thải thành bìa cát tông. Còn rác hữu cơ thì ông chôn lấp để trồng cây xanh, cây cảnh...
    Bây giờ HTX của ông đã mở rộng địa bàn thu gom rác ra toàn bộ huyện Yên Sơn và TP. Tuyên Quang. Nhân dân ở 39 tổ dân phố thuộc 11 xã, phường dọc tuyến quốc lộ 2 thuộc địa bàn đã tự nguyện bỏ rác vào thùng do HTX cung cấp. Ngày ngày xe của HTX đi thu gom chở về nơi tái chế và tiêu hủy, đảm bảo vệ sinh môi trường sạch sẽ.
    HTX cũng không chỉ bó hẹp trong nghề thu gom, tái chế rác mà còn tham gia trồng cây xanh, cây cảnh ở các trụ sở cơ quan, đoàn thể trong tỉnh, với nhiều hình thức hợp đồng rất linh hoạt.
    Điều khiến ông rất mừng nữa là, chính người con trai của ông trước đây phản đối, thì sau khi học hành thành đạt đã về xin nối theo nghiệp của bố. Hiện anh đang là Phó giám đốc HTX, rất năng nổ và đóng góp nhiều ý tưởng đưa HTX không ngừng phát triển.
    Xin trích ý kiến của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường-Trần Hồng Hà phát biểu trong đêm giao lưu nghệ thuật “Tiếng gọi của thiên nhiên và hành động của chúng ta” để kết thúc bài viết này. Bộ trưởng nói đại ý: Chính CCB là lực lượng chính trị-xã hội tiêu biểu nhất, tiên phong nhất trong công tác bảo vệ mộ trường xanh, sạch, đẹp.
    Huy Thiêm