Chị Lê Thị Quỳnh ở T.P Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh hỏi: Người lao động đang công tác trong Bộ Quốc phòng khi bị ốm đau muốn làm thủ tục hồ sơ để được hưởng chế độ thì phải làm theo quy định nào?
Trả lời: Điều 6 Thông tư số 136/2020/TT-BQP ngày 29-10-2020 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng hướng dẫn về hồ sơ, quy trình và trách nhiệm giải quyết hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội trong Bộ Quốc phòng, quy định:
1. Trường hợp điều trị nội trú: Bản chính hoặc bản sao giấy ra viện của người lao động hoặc con dưới 7 tuổi của người lao động; trường hợp chuyển tuyến khám bệnh, chữa bệnh trong quá trình điều trị nội trú thì có thêm bản sao giấy chuyển tuyến, hoặc giấy chuyển viện. Trường hợp người bệnh tử vong tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thì thay bằng giấy báo tử; trường hợp giấy báo tử không thể hiện thời gian vào viện thì có thêm giấy tờ của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thể hiện thời gian vào viện.
2. Trường hợp điều trị ngoại trú: Bản chính giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH. Trường hợp cả cha và mẹ đều nghỉ việc để chăm con ốm thì giấy chứng nhận nghỉ việc của một trong hai người là bản sao; hoặc giấy ra viện có chỉ định của y, bác sĩ điều trị cho nghỉ thêm sau thời gian điều trị nội trú.
3. Trường hợp người lao động hoặc con của người lao động khám bệnh, chữa bệnh ở nước ngoài thì hồ sơ hưởng chế độ ốm đau quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này được thay bằng bản dịch tiếng Việt được chứng thực của giấy khám bệnh, chữa bệnh do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ở nước ngoài cấp.
4. Ngoài hồ sơ theo hướng dẫn tại khoản 1, khoản 2 Điều này, cơ quan nhân sự lập thêm danh sách đề nghị giải quyết hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe (theo mẫu).
Anh Nguyễn Sỹ Hoan công tác tại Tân Cảng Sài Gòn hỏi: Thân nhân của sĩquan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩquan, binh sĩ Quân đội đang tại ngũ có phải tham gia đóng BHYT không?
Trả lời: Theo khoản 13 Điều 3 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17-10-2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế, thân nhân của sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ quân đội đang tại ngũ nếu chưa tham gia BHYT thì được tham gia BHYT theo quy định và do ngân sách nhà nước đóng, bao gồm:
a) Cha đẻ, mẹ đẻ; cha đẻ, mẹ đẻ của vợ hoặc chồng; người nuôi dưỡng hợp pháp của bản thân, của vợ hoặc của chồng;
b) Vợ hoặc chồng;
c) Con đẻ, con nuôi hợp pháp từ trên 6 tuổi đến dưới 18 tuổi; con đẻ, con nuôi hợp pháp từ đủ 18 tuổi trở lên nếu còn tiếp tục đi học phổ thông.
Ban chính sách