Anh Lê Hồng Quang ở huyện Sóc Sơn (Hà Nội) hỏi:Việc điều chỉnh nhân thân trên sổ BHXH để giải quyết chế độ BHXH đối với người lao động trong Bộ Quốc phòng được thực hiện theo Quy định nào?

Trả lời: Theo Điều 37 Thông tư số 136/2020/TT-BQP của Bộ Quốc phòng hướng dẫn về hồ sơ, quy trình và trách nhiệm giải quyết hưởng các chế độ BHXH trong Bộ Quốc phòng quy định việc điều chỉnh nhân thân trên sổ BHXH để giải quyết chế độ BHXH đối với người lao động trong Bộ Quốc phòng như sau: - Áp dụng đối với người lao động thôi phục vụ tại ngũ theo quyết định của cấp có thẩm quyền mà nhân thân trong sổ BHXH không thống nhất với giấy khai sinh hoặc sổ hộ khẩu hoặc thẻ căn cước công dân hoặc giấy chứng minh thư; cá nhân có nguyện vọng điều chỉnh; - Hồ sơ, gồm: Sổ BHXH; Đơn đề nghị theo mẫu; Công văn của Thủ trưởng đơn vị trực thuộc Bộ; Giấy khai sinh hoặc sổ hộ khẩu hoặc thẻ căn cước công dân hoặc chứng minh thư nhân dân; - Cơ quan nhân sự cấp trung đoàn và tương đương khi lập hồ sơ giải quyết chế độ BHXH có trách nhiệm lập hồ sơ theo quy định trên, gửi cùng hồ sơ giải quyết chế độ BHXH đến cơ quan nhân sự cấp trên cho đến BHXH Bộ Quốc phòng.

Ông Hồ Quốc Vinh ở huyện Cẩm Giàng (Hải Dương) hỏi:Khi quân nhân bị tam giam thì việc tạm dừng đóng BHXH được thực hiện theo Quy định nào?

Trả lời: Theo quy định tại khoản 5 Điều 17 Nghị định số 33/2016/NĐ-CP, việc tạm dừng đóng BHXH đối với quân nhân bị tạm giam được thực hiện như sau: - Quân nhân bị tạm giam thì quân nhân đó và đơn vị quản lý được tạm dừng đóng BHXH; - Sau thời gian tạm giam, nếu được cơ quan có thẩm quyền xác định bị oan, sai thì quân nhân và đơn vị quản lý thực hiện việc đóng bù BHXH cho thời gian bị tạm giam; số tiền đóng bù không phải tính lãi chậm đóng theo quy định tại Khoản 3 Điều 122 Luật BHXH 2014; - Trường hợp cơ quan có thẩm quyền xác định quân nhân là có tội thì không thực hiện việc đóng bù BHXH cho thời gian bị tạm giam.

Ban Chính sách